Trước thắc mắc của thí sinh về sự thay đổi trong tuyển sinh đại học năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay, đa phần các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác.
Theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học và qua báo cáo của các trường gửi về, hầu hết các trường đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỉ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm đi so với năm trước (nếu năm ngoái có 62% thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, thì năm nay tỉ lệ này dự báo sẽ khoảng 50%).
Bên cạnh đó, kinh nghiệm tuyển sinh 3 năm gần đây đã cho thấy, sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia không phải cách duy nhất để tuyển sinh. Các trường đại học cũng đã kết hợp nhiều phương thức khác để lựa chọn nguồn tuyển cho mình như: kiểm tra đánh giá năng lực, xét kết quả học bạ THPT; sử dụng điểm các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia; thi văn hóa, năng khiếu; hồ sơ năng lực, hồ sơ dự tuyển, qua phỏng vấn… hoặc kết hợp nhiều hình thức đó với nhau; do vậy, từ lâu nay, sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia không phải là cách duy nhất để tuyển sinh, cũng không phải con đường duy nhất để vào đại học.
Tới đây, việc tuyển sinh qua bài viết luận của thí sinh, qua hồ sơ năng lực, hồ sơ dự tuyển của thí sinh… của các trường cũng sẽ ngày càng phổ biến hơn theo xu thế tuyển sinh ĐH trên thế giới.
Trước thắc mắc, trong tình huống các trường tổ chức kỳ thi riêng, làm sạo để tạo điều kiện cho thi sinh dự thi được các trường khác nhau để tăng cơ hội xét tuyển bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, chỉ có những trường đại học thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như y dược, công an, quân đội, hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật… và một số trường đại học có mức độ cạnh tranh cao, có những yêu cầu riêng về chất lượng đầu vào có nhu cầu tự tổ chức các bài kiểm tra riêng.
Ước tính sẽ có khoảng từ 10 đến 20% học sinh THPT sẽ lựa chọn tham dự các bài kiểm tra này. Đồng thời, do tính đặc thù, các trường có chung lĩnh vực, phân khúc đào tạo, hoặc tương đồng về quy mô, về vị trí địa lý, cũng như các đại học quốc gia, đại học vùng sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển sinh chung.
Trên cơ sở đó, các trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển. Cụ thể, hàng chục trường đại học phía Nam đã thống nhất sẽ sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để xét tuyển, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.
Do vậy năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi, kiểm tra và cũng không có nhiều cuộc thi diễn ra trong nhiều đợt. Với thí sinh đăng ký xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ lọc ảo cho những trường đại học có nhu cầu. Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào những trường ĐH tham gia lọc ảo sẽ không bị giới hạn nguyện vọng xét tuyển.
Việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT với các đề thi giảm độ khó thực chất không gây ảnh hưởng lớn tới phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu sử dụng phương án xét tuyển kết quả học tập qua học bạ, cũng như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chủ đề liên quan:
đại học dự báo kết quả kỳ thi kỳ thi thpt kỳ thi thpt quốc gia quốc gia thi thpt thi THPT quốc thi thpt quốc gia thi tốt nghiệp THPT quốc gia tuyển sinh đại học xét tuyển xét tuyển vào đại học