Trong năm 2019, tiêm filler hay tiêm chất làm đầy để làm đẹp một cách từ từ nhiều nét trên khuôn mặt, cơ thể được Và rồi thật đáng tiếc thay, việc không tìm hiểu kỹ càng về làm đẹp về filler đã khiến chị em phải nhận cái kết đắng trong năm vừa qua.
Ca bệnh mới nhất được giới truyền thông đưa tin về biến chứng sau tiêm filler là một trường hợp tiêm chất làm đầy vào mặt để khuôn mặt đầy đặn, xóa bỏ nếp nhăn. Bệnh nhân tiêm tại spa tư nhân và phải vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) để chữa trị trong tình trạng má sưng đau, nóng đỏ.
Một trong những ứng dụng làm đẹp được nhiều chị em ưa chuộng nhất khi tiêm filler vào năm 2019 chính là dùng để nâng mũi. Nâng mũi bằng filler đi vào lịch sử kinh hoàng khi xuất hiện ca bệnh nhập viện do mù mắt của bé 13 tuổi tiêm filler nâng mũi trả góp. Cô bé 13 tuổi (Yên Bái) nhập viện trong tình trạng bị biến chứng nặng nề sau mũi tiêm filler để mũi cao hơn với giá 2 triệu đồng. Hậu quả để lại là mắt phải của cô bé mất thị lực hoàn toàn, da mặt bị hoại tử nghiêm trọng.
Và rồi câu chuyện tiêm chất làm đầy trong thẩm mỹ không còn dừng lại ở mũi, ở những rãnh môi má cằm nữa. Năm 2019 cũng chẳng thiếu những trường hợp tiêm filler để… nâng ngực, nâng mông.
Vào khoảng tháng 7 năm nay, nhiều người phải kinh hãi khi xuất hiện trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi (Hà Nội) tiến hành tiêm filler nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Mặc dù ngực to lên gấp đôi nhưng đi kèm bên trong đó là rất nhiều mủ, cảm giác đau đớn hành hạ khiến người phụ nữ không thể chịu đựng nổi, phải đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thăm khám và điều trị. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện lỗ rò ở ngực bệnh nhân chảy mủ liên tiếp. Kết quả cấy mẫu mủ xác định bệnh nhân bị nhiễm một loại vi trùng do quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng.
Trước đó vào tháng 6, một nữ Việt kiều Mỹ bị hoại tử, sưng to vùng mông sau 2 ngày tiêm chất làm đầy tại cơ sở massage làm đẹp ở TP.HCM. Theo đó, bệnh nhân 31 tuổi chi hơn 100 triệu đồng để tiêm filler làm đầy mông, mỗi bên mông được tiêm khoảng 100ml. Hai ngày sau, vùng mông bên phải sưng to, đau nhiều. Bệnh nhân được thăm khám trong tình trạng vùng hoại tử đã lan rộng, nằm rải rác. Sau một tuần tiêm kháng sinh, vùng hoại tử gom lại thành một ổ lớn, bác sĩ hút ra khoảng 200 ml dịch mủ. Kết quả chụp CT cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị tiêm filler vào cơ nên một số vùng cơ bị hoại tử không thể hồi phục.
Đây chỉ là một vài trường hợp điển hình về biến chứng khi tiêm filler trong năm 2019. Bên cạnh đó còn vô vàn các ca bệnh gặp biến chứng khác, tập trung chủ yếu ở việc nâng mũi. Việc thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ chất lượng của filler, kỹ thuật tiêm cũng như nơi "chọn mặt gửi vàng" đã dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Theo BS Hà Sỹ Hoàng Tùng (chuyên thẩm mỹ nội khoa tại Hà Nội), filler thực chất dịch ra là "chất làm đầy nói chung". Có rất nhiều dạng chất làm đầy, ví dụ như mỡ tự thân, silicon, hyaluronic acid... Chất làm đầy hiện nay Việt Nam gọi tên là filler chính là Hyaluronic Acid.
Được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm và y học, chất làm đầy có thể làm đầy tạm thời để tạo hình hoặc bôi trơn dịch ổ khớp với những phân tử có độ mềm, rắn khác nhau. Chất này có rất nhiều hãng do nhiều quốc gia sản xuất như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ.
Biến chứng do chất này gây ra rất ít vì Hyaluronic Acid là một chất với hạt phân tử ngậm nước có sẵn trong cơ thể người và tương thích 99% với cơ thể chúng ta.
"Biến chứng chủ yếu từ phương pháp này do người sử dụng dùng những hãng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng bị pha tạp, không thể tan hết và bị cơ thể đào thải theo thời gian. Nhưng biến chứng nghiêm trọng nhất chính là do kỹ thuật của người tiêm dẫn đến hoại tử hoặc phải nạo vét", BS Hoàng Tùng nhấn mạnh.
"Tiêm chất làm đầy tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế rất phức tạp vì chỉ cần một chút sai sót sẽ gây biến chứng cực nguy hiểm như tắc mạch, từ đó dẫn đến nguy cơ hoại tử, mù mắt, liệt, đột quỵ…", BS Phạm Thị Việt Dung (giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) từng lên tiếng nhận định.
Chưa kể, filler thường sẽ tiêu sau 6 tháng - 3 năm tùy từng loại. "Tiêm filler không đảm bảo chất lượng rất dễ bị biến chứng như phản ứng vón cục, nổi sần lên mặt da, làm đỏ, lồi lõm da…", chuyên gia khuyến cáo.
Thêm vào đó, nhiều cơ sở có thể sử dụng silicon vốn là chất cấm sử dụng trong y tế từ lâu nhưng hiện nay vẫn có nhiều người tiêm cho khách hàng dưới mác filler, đặc biệt tại các spa, người tiêm dạo. Do đó, khách hàng cần hết sức cảnh giác.
Tóm lại, khách hàng muốn tiêm filler nói chung, cần phải thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuyệt đối không được sử dụng silicon tiêm vào mặt. Không mù quáng nghe theo quảng cáo. Đồng thời tuyệt đối không được làm tại các spa, viện thẩm mỹ, phòng mạch, phòng khám vì đây là kỹ thuật phức tạp, nguy hiểm, rất dễ gặp biến chứng. Tốt nhất, chỉ nên thực hiện trong những bệnh viện. Đặc biệt với xu hướng làm đẹp mới phải tham khảo bác sĩ thẩm mỹ có chuyên môn, không tự ý làm và nghe theo tư vấn của người thiếu kiến thức…
Chủ đề liên quan:
BS Hà Sỹ Hoàng Tùng chị em filler kinh hoàng năm 2019 Nhìn lại 2019 những ca hoại tử do tiêm filler nội khoa phương pháp thẩm mĩ tiêm chất làm đầy tiêm filler TS.BS Phạm Thị Việt Dung