Tâm linh hôm nay

Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ (Hết)

Càng hiểu rõ pháp Nhân Duyên, càng giúp đoạn trừ dần khổ đau. Như lý tư duy hệ thống 12 CPND không những giúp người học Phật giải thích được nhiều trạng thái tâm S*nh l* phức tạp của bản thân, mà còn tuệ tri được các sự vật hiện tượng bên ngoài một cách khách quan đúng đắn.

XIII. Quán ‘Trực Tiếp’ Pháp 12 CPND


Căn cứ vào hệ thống nhân duyên, theo cách quán này, tùy từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể mà mỗi chi phần đều được quán xét như nguyên nhân trực tiếp gây ra khổ đau.


- “Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sinh ra, hiện hữu từ nơi ái”, Kinh Ái Sinh (TB2, 87 = [So.24.2]).


- “Sinh y là nguồn gốc của đau khổ”, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (TB2, 66 = [Sb.16.8]).


- “Này Ānanda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sinh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích”, (TƯ2, 32, tr.66 =[U.51.24.6]).


Không những mỗi chi phần là nguyên nhân của khổ đau mà bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ thực sự. Theo cách quán trực tiếp, không phải đợi tới chi phần thứ 12 là già-ch*t mới thấy khổ, mà từng chi phần phải được quán xét cụ thể: Vô minh là khổ, hành là khổ, xúc là khổ, thọ là khổ, ái là khổ, sinh là khổ… tạo nên toàn bộ khối khổ uẩn. Xin nhắc lại, thấy khổ, biết nguyên nhân khổ và đoạn diệt các khổ đau là tư duy của trí tuệ, chứ không phải bi quan yếm thế.


- “Này Sunakkhatta, Ta nói ví dụ này với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa. Nghĩa ở đây như sau:


Vết thương, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với sáu xúc xứ (phassayatana); Thu*c độc, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với vô minh; mũi tên, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với ái; vật dụng dò tìm, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với niệm; con dao, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ. Vị y sĩ giải phẫu, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.


Thật vậy, này Sunakkhatta, Tỳ-kheo tự mình phòng hộ đối với sáu xúc xứ, nghĩ rằng: "Sinh y (Upadhi) là căn bản của khổ", sau khi biết như vậy, vị ấy trở thành vô sinh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sinh y. Vị ấy còn trú thân của mình trên sinh y hay để tâm đến sinh y, sự tình như vậy không xảy ra” Kinh Thiện Tinh (TB3, 105 = [Sb.20.12]).


- Hành là khổ: “Này Ānanda, chỗ nào có thân, do nhân thân tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có lời nói, này Ānanda, do nhân khẩu tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ. Chỗ nào có ý, này Ānanda, do nhân ý tư niệm, thời nội thân khởi lên lạc khổ” (TƯ2, 37, tr.75 = [U.51.25]).


- Sáu Xứ là khổ: “Hỡi các vị Tỳ-kheo, Chính sáu xúc xứ này, Chỗ nào không thâu nhiếp, Chỗ ấy có đau khổ. Những ai học biết được, Chế ngự phòng hộ chúng, Với lòng tin làm bạn, Sống thoát ly dục vọng” (TƯ5, tr.122).


- Thọ là khổ: “Này các Tỳ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỳ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường” (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, It 47 = [Iti.53]).


“Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ” (TƯ2, 50 = [Su.34.7.13]).


- Sinh là khổ: Ngài Xá-lợi-phất nói với du sĩ Sàmandakàni, “Này Hiền giả, tái sinh là khổ, không tái sinh là lạc. Khi có tái sinh, này Hiền giả, chờ đợi là khổ này: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, xúc chạm với lửa, xúc chạm với trượng, xúc chạm với kiếm. Cho đến bà con và bạn bè, khi gặp nhau, hội ngộ với nhau cũng não hại.” (TC X:65, tr.400 = [I.10.65])…


Bài kinh ‘hai pháp tùy quán’ là minh chứng cụ thể cho cách quán trực tiếp mỗi chi phần của hệ thống nhân duyên là khổ và đoạn diệt khổ bằng ly tham dục:


“…Này các Tỳ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỳ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỳ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tùy quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai.


Này các Tỳ-kheo, như vậy do Tỳ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.


Này các Tỳ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sinh y… do duyên vô minh… do duyên hành… thức… xúc… thọ… ái… thủ…”, đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sinh y… vô minh… hành… thức… xúc… thọ… ái… thủ… không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai…” (Tóm lược kinh (Sn 139), Kinh Tập, Tiểu Bộ 1)


Trong từng trường hợp cụ thể người học phật đều có thể vận dụng nhận thức cách quán trực tiếp từ mỗi chi phần của hệ thống nhân duyên và tìm ra những nguyên nhân và cách đoạn diệt khổ đau.


Ví dụ nhìn thấy cảnh một cô gái bị kẻ sở khanh lừa gạt khiến sầu bi than khóc, nguyên nhân cũng vì ‘ái là khổ’. Gặp cảnh hai người không ưa nhau, gặp mặt là công kích nói xấu nhau, có thể nói ngay ‘xúc là khổ’. Thấy một tu sĩ khổ hạnh ép xác, hành hạ xác thân: nguyên nhân cũng chỉ vì chấp thủ tà kiến, tà giới là khổ… Nhưng nguyên nhân đầu tiên và trên hết cũng chỉ vì ‘vô minh là khổ’. Thấy khổ và nguyên nhân của khổ là bước đầu tiên để thoát khổ!


Như vậy bản thân mỗi chi phần là một nỗi khổ tạo ra toàn bộ khối khổ uẩn của 12 CPND. Sẽ rơi vào sai lầm về nguyên tắc khi cho rằng chỉ cần đoạn diệt một chi phần là toàn bộ khối khổ uẩn đoạn diệt. Cần nhắc lại trong các bài kinh Phẩm Nhân Duyên, kinh Những Căn Bản Trí (S.ii,56 = [U.51.33]) thuộc Tương Ưng Bộ và kinh Chánh Tri Kiến, Trung Bộ 1, trước sau đều chỉ rõ nguyên tắc phải đoạn diệt từng chi phần một theo đúng lộ trình của Tám Chánh Đạo.


Có thể tạm hình dung sự diệt tận khổ đau của hệ thống nhân duyên giống như việc phải đốn chặt 12 cây lớn có nhựa độc mọc thành hàng trước cửa một ngôi nhà, nhằm giúp căn nhà đó thoát khỏi sự âm u và nguy hiểm. muốn vậy, trước hết cần phải tạo một mặt bằng thích nghi cho công việc. dựa trên mặt bằng thích nghi đó, các công việc cần làm phải được thực thi đúng hướng, đúng cách thức. và cuối cùng là giai đoạn hoàn mãn công việc.


Căn bản của tiến trình này là dùng dụng cụ tối ưu để cưa dần từng cây theo chiều thích ứng, thích hợp. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ cần đẩy cho cây thứ nhất ngã đổ đè lên cây thứ hai, thứ ba, thứ tư… cho đến cây cuối cùng. Tiến trình này giống như sự ngã đổ liên tiếp theo chiều như ý của các quân bài domino dựng liền nhau.


Tiến trình này nằm trong nội dung của Tam Vô Lậu học: Giới - Định - Tuệ. Mặt bằng thích ứng là Thánh Giới Luật Pātimokkha. Các công việc cần làm là Thánh Định Uẩn. Kết quả hoàn mãn là Thánh Tuệ Uẩn. Các dụng cụ tối ưu dùng để hạ đổ các cây theo chiều thích hợp chính là Tám Chánh Đạo. Cú đẩy mạnh mẽ làm ngã đổ cây thứ nhất ‘vô minh’ và các cây kế tiếp chính là ‘Tam Minh’, được thực hiện bằng Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định.


Sự phá đổ hoàn toàn, xảy ra trong giây lát và khoảnh khắc ‘tích tắc’ đó, chính là ba canh trong đêm đức Thế Tôn giác ngộ giải thoát. Đương nhiên, việc chuẩn bị và chặt đốn từng cây thì không hoàn toàn như thế.


“Cũng vậy này các Tỳ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỳ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này” (Ud 51 = [Uda.45]).


“Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý” (Kinh Canki, TB2, 95 = [So.28.16]).


Căn cứ theo Phương pháp luận nghiên cứu khách quan khoa học về phân cấp thứ tự các tài liệu kinh văn, thì những tri kiến về thọ dụng đoàn thực nói riêng và tri kiến về Phật pháp nói chung nếu không y cứ nơi Thánh Kinh Nikāya và Thánh Luật Pātimokkha cấp I, tất sẽ dễ rơi vào các hý luận nguy hiểm của kẻ ngụy biện đời sau để rồi xa lìa với Chánh Phật Pháp, mãi mãi chìm đắm theo tám đường tà đạo của vô minh.


Người học phật càng hiểu thánh lý nhân duyên đến đâu, càng nhận thức được ý nghĩa trên đến đó, từ đây càng thêm chánh tín nơi thánh kinh nikāya và thánh luật pātimokkha. người học phật có được chánh tín đúng đắn, sẽ có được chánh tri kiến đúng đắn nhờ vậy mới có thể giải thoát khổ đau hoàn toàn.


Bên cạnh đó với những ai đã hiểu được mối quan hệ nhân duyên giữa các chi phần, giữa thức và danh sắc, sẽ không còn phân vân hoài nghi trước những hiện tượng được xem là “thần bí”, thế nhưng thực chất chỉ là những sản phẩm của tưởng uẩn do chính mình tạo ra.


Những trạng thái thể hiện của thế giới tưởng rất đa dạng, nhiều khía cạnh, nhưng chung quy chỉ trong phạm vi của sáu loại tưởng: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng.


Một tu sĩ, tùy theo pháp môn tu tập và đặc tính riêng của mình, khi rơi vào định tưởng có thể ‘thấy’ những hiện tượng ‘siêu nhiên’ như hào quang, hình bóng, đốm lửa, ánh sáng hoặc làn khói trắng, vàng, xanh, đỏ… Các hiện tượng này được gọi là sắc tưởng.


Vị tu sĩ ấy cũng có thể ‘nghe’ cả tiếng nói của vị Thần thánh mà mình ngưỡng mộ, ấn chứng cho mình chứng đạo hoặc mặc khải cho mình làm giáo chủ đúng với những gì mình mong ước bấy lâu, đây gọi là thanh tưởng. Hoặc vị hành giả cứ duy trì tâm đơn thuần trên hơi thở sẽ đến lúc có cảm tưởng như hơi thở nhỏ nhiệm dần rồi biến mất, đây chỉ là xúc tưởng…


Cùng một người nhưng có những trạng thái tưởng khác nhau, điều này nằm trong khái niệm mà kinh Nikāya gọi là “thân đồng nhất, tưởng sai biệt”.


Cũng có khi nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng: “Này các Tỳ-kheo, có những loài hữu tình thân sai biệt, tưởng đồng nhất” (TC IX:24 = [I.9.24]). Đây là trường hợp nhiều người nhưng có cùng một tưởng giống nhau.


Ví dụ trong một gia đình, những người còn sống vì quá thương nhớ một người thân đã khuất, thường nhắc đến tên người ấy, nên các ý hành và khẩu hành giống nhau này sẽ khiến cho những người còn sống, đến một lúc nào đó, đều có thể ‘gặp’ được người đã mất trong các giấc mộng hoặc các trạng thái tưởng của mình.


Cũng vậy, nếu một nhóm người cùng mến mộ, ao ước, nhắc tên, nhớ nghĩ đến cùng một người hoặc một điều gì, và như vậy đương nhiên tưởng thức của họ khi lưu xuất ra sẽ có những sự trùng hợp giống nhau về con người ấy hoặc sự việc ấy.


Tất cả những biểu hiện nêu trên, trong Kinh Pháp Môn Căn Bản (TB1,1 = [U.3]), được xếp vào phạm vi của tưởng tri và đều có thể tuệ tri giải thích minh bạch rõ ràng với Thánh lý 12 CPND.


"Pháp thí, thắng mọi thí

Pháp vị, thắng mọi vị

Pháp hỷ, thắng mọi hỷ

Ái diệt, dứt mọi khổ"
(PC. 354)


Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ
(HẾT)
-
TIN, BÀI LIÊN QUAN:


Pani Giới Pháp

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/giai-ma-he-thong-phap-nhan-duyen-thanh-ly-cuu-kho-het-d22669.html)

Chủ đề liên quan:

giải mã hệ thống nhân duyên

Tin cùng nội dung