Tâm linh hôm nay

Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ (P3)

Cho nên dù không có đời sau thì ngay trong kiếp sống này người tin học thuyết nghiệp và nhân quả luân hồi là người đem lại an lạc cho mình, cho người và cho xã hội; vì vậy họ được những người trí tán thán. Nhưng nếu có nhân quả đời sau, họ cũng được hưởng an vui sung sướng.

III. Quán Pháp 12 CPND Trên Các Nội Pháp


Đây là cách quán xét, suy tư, phân tích 12 cpnd với bản thân các chi phần trong hệ thống, chứ không quán pháp nhân duyên trong mối liên hệ với các pháp khác như trong cách quán của ngoại pháp. nói nôm na đây là vấn đề ‘ta với ta’.


Bản thân ta có ý thức rõ và vượt qua được khổ đau mới có thể giúp người khác giải trừ khổ đau.

Cách quán 12 CPND trên nội pháp nhằm giúp mỗi người lý giải được vấn đề này.


Theo cách quán trên nội pháp, các chi phần của hệ thống 12 cpnd cũng mang một ý nghĩa khác. trong nhiều bài kinh như ‘đại duyên’ (trường bộ 1 = [sb.31]), kinh “phân biệt” (tư2, 2 = [u.51.2]), đức phật đã định nghĩa nội dung từng chi phần của 12 cpnd một cách rất cụ thể. căn cứ vào các định nghĩa này có thể quán pháp nhân duyên trên các nội pháp như sau:


- Do Vô Minh, có Hành sinh


Vô minh là không rõ biết Khổ đế, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến diệt Khổ là Tám Chánh Đạo. Chính vì vô minh như vậy mới duyên sinh các Hành. Hành bao gồm thân hành, khẩu hành và ý hành.


Ví dụ do vô minh dẫn dắt nên mới có một thân hành sát sanh, trộm cắp, tà hạnh; do còn vô minh nên mới tạo khẩu hành ác bất thiện như nói dối, nói đâm thọc, nói lời ác độc, nói phù phiếm; do vô minh nên tạo tác các ý hành tham, sân, si.

- Do Hành, có Thức sinh


Từ các thân hành, khẩu hành, ý hành sẽ duyên sinh cho Thức được hình thành. Thức ở đây là sự nhận biết, thức tri của các giác quan; bao gồm sự nhận biết của mắt (nhãn thức), của tai (nhĩ thức), của mũi (tỷ thức), của lưỡi (thiệt thức), của thân (thân thức) và của bộ não (ý thức).


Ví dụ kẻ ăn trộm hành nghề quen tay sẽ có nhãn thức, thân thức nhạy bén của thói trộm cắp. Một nông dân qua lao động thực tế sẽ có tỷ thức chuyên môn của một nông gia: ngửi mùi hương trái cây có thể biết nên thu hoạch hay chưa. Vị bác sĩ với ống nghe hành nghề một thời gian sẽ có đôi tai chuyên nghiệp biết được căn bệnh nơi thân chủ, đó là nhĩ thức của vị thầy Thu*c…


Phân tích kỹ hơn có thể nhận thấy sáu thức được thực hiện là do sự vận hành hoạt động của các giác quan, hệ thống thần kinh và bộ não, đây cũng chính là những hoạt động của thân hành, khẩu hành (tầm, tứ) và ý hành. nói chung nhờ có hành mà thức phát sinh, không có hành thì thức không hiện khởi, vì thế nên nói hành duyên thức.


- Do Thức, có Danh-Sắc sinh


Đến lượt mình Thức duyên cho Danh-Sắc. Danh có các chi phần thuộc tâm là Thọ, Tưởng, Tư duy, Xúc, Tác ý và Sắc là phần thân thể vật chất.


Ví dụ: người nông gia do ý thức mình sẽ được mùa hay thất bại nên mới có các cảm thọ vui hoặc buồn. Người bác sĩ sau khi ý thức được căn bệnh nhờ đó có thể tư duy tìm phương cách chữa trị. Kẻ trộm cắp sau khi nhận thức được món đồ có thể ăn cắp sẽ tác ý lấy trộm...


Trạng thái của sáu thức cũng ảnh hưởng và chi phối thân vật chất một cách mật thiết. Do vậy nên nói Thức duyên cho Danh-Sắc.


- Do Danh-Sắc, có Sáu xứ sinh


Trong tiến trình kế tiếp Danh-Sắc cũng là duyên cho Sáu Xứ. Sáu Xứ là sáu phạm vi, môi trường, nơi chốn của mắt (nhãn xứ), tai (nhĩ xứ), mũi (tỷ xứ), lưỡi (thiệt xứ), thân (thân xứ) và não bộ (ý xứ). Từ tiến trình của Danh với thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý cùng với Sắc thân tứ đại nên mới có Sáu Xứ.

Ví dụ qua quá trình vận động của danh-sắc một kẻ tà hạnh trong các dục phải đi đến những môi trường ăn chơi để thoả mãn các giác quan của mình tức sáu xứ. Vì vậy nên nói Danh - Sắc duyên cho Sáu Xứ.


- Do Sáu xứ, có Xúc sinh


Xúc là sự tiếp xúc của các giác quan với các sự vật, hiện tượng bên ngoài. Có sáu sự tiếp xúc: mắt tiếp xúc sắc (nhãn xúc), tai tiếp xúc âm thanh (nhĩ xúc), mũi tiếp xúc mùi hương (tỷ xúc), lưỡi tiếp xúc các vị (thiệt xúc), thân tiếp xúc môi trường (thân xúc) và ý căn tiếp xúc các pháp (ý xúc). Vì có môi trường của Sáu Xứ nên mới có sự tiếp xúc của sáu giác quan, không có Sáu Xứ không thể có Sáu Xúc. Do vậy nên nói Sáu Xứ duyên cho Xúc.


- Do Xúc, có Thọ sinh


Thọ là những cảm giác, cảm thọ có được từ sự tiếp xúc của các giác quan với các sự vật, hiện tượng, môi trường bên ngoài. Tùy theo sáu xúc có sáu loại thọ tương ưng: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh và thọ do ý xúc sanh. Vì có xúc nên mới có cảm thọ, không có xúc không có cảm thọ. Xúc duyên Thọ là vậy.


- Do Thọ, có Ái sinh


Ái bao gồm ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc và ái pháp. Các ái này đều là hệ quả tất yếu từ sáu loại thọ. Từ các cảm thọ sanh khởi nên ái, không có thọ không phát sinh ái; vì cho dù là thọ khổ cũng là duyên tạo ra ái luyến thọ lạc hoặc thọ không khổ, không lạc. Vả lại, trong thực tế, không ít người dù phải chịu nhận bao thọ khổ nhưng vẫn ái luyến tà pháp hoặc người yêu của mình... Chính vì thế nên nói Thọ duyên Ái.


- Do Ái, có Thủ sinh


Thủ là sự thủ giữ, nắm giữ, chấp thủ. Có bốn loại thủ:


- Dục thủ là chấp thủ vào bản năng dục.


- Giới cấm thủ là chấp thủ vào những giới luật không đúng như tà giới, ác giới; khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm.


- Kiến thủ là chấp thủ vào tri kiến, kiến thức đã có.


- Ngã luận thủ là chấp thủ vào các luận thuyết về bản thân hoặc thân kiến kiết sử.


Dễ dàng hiểu được các chấp thủ này đều có nguyên nhân từ nơi ái, không có ái thì không có thủ. Nói Ái duyên Thủ là vì vậy.


- Do Thủ, có Hữu sinh


Hữu là sự hiện hữu, là tiền đề cho bị sanh, xuất sanh, tục sanh, giáng sanh nên còn được gọi là Sinh Hữu. Có ba sanh hữu: dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu (có khi được hiểu là dục ái, hữu ái và phi hữu ái với ý nghĩa các sanh hữu này đều do ái mà ra).


- Dục hữu là hiện hữu dẫn đến tục sanh theo bản năng dục, hay còn gọi là dục giới. Kinh Nikāya đã nêu rõ:


“Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn: - Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?


- Này Ānanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.


- Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt” (Bài kinh Hiện Hữu, TC III:76 = [I.3.68]).


- Sắc hữu là hiện hữu dẫn đến tục sanh có hình tướng, hình sắc cụ thể như tài sản, nhà cửa, vàng bạc, châu báu, sắc thân v.v.. tất cả được gọi chung là sắc giới.


Phật dạy tiếp: “Và này Ānanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. - Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt” (Sđd)


- Vô sắc hữu là hiện hữu dẫn đến tục sanh không có hình sắc, hình tướng như tà kiến, tà tư duy; hoặc thói quen từ những giới cấm không đúng (hạnh con bò, con chó); hoặc tâm tham, sân, si; hoặc ái chấp chức tước, quyền thế, địa vị, công danh, sự nổi tiếng, đạo vị, thế giới chư Thiên v.v... tất cả gọi chung là vô sắc giới.


Phật dạy: “Và này Ānanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. - Như vậy, này Ānanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sinh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ānanda, hữu có mặt” (Sđd)


Những sanh hữu này đều do chấp thủ tạo ra, không có chấp thủ thì không có sanh hữu; nên nói Thủ duyên Hữu là vì vậy.


- Do Hữu, nên có Sinh


Sinh theo định nghĩa trong kinh điển Nikāya đó là: “Cái gì thuộc chúng sinh này hay chúng sinh khác, thuộc bộ loại chúng sinh này hay thuộc bộ loại chúng sinh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ”. Chính vì có Sinh Hữu là những tiền đề cho sanh nên mới có bị sanh, xuất sanh, giáng sanh hay tái sanh. Vì thế Hữu duyên Sinh được nêu lên.


- Do Sinh, nên có Già, ch*t


Vì có Sinh nên mới có Già và ch*t; không có sanh thì không có già, ch*t. Không có già, ch*t thì không có khổ đau. Do vậy nên nói Sinh duyên Già, ch*t, sầu, bi, khổ, ưu, não. Điều này cũng có nghĩa toàn bộ khổ uẩn tập khởi cùng với nghiệp tái sanh luân hồi.


Trong cách quán 12 CPND trên nội pháp, một nhận thức hết sức quan trọng cần phải lưu ý, đó là xuyên suốt quá trình tái sanh luân hồi, quy luật nhân quả chi phối rất chặt chẽ và công bằng.


Chính nhờ có ý thức về mối quan hệ nhân duyên và biết tin vào quy luật nhân quả mà ngay trong kiếp hiện tại người tin vào tái sanh luân hồi cố tránh những điều xấu ác để không bị khổ đau trong hiện tại và cả trong kiếp tới. đồng thời người này phải nỗ lực tu tập thân-miệng-ý thiện lành để được hưởng an lạc đời sau. một người biết tích thiện, lánh ác là người không gây hại cho mình, cho người và cho xã hội.


Cho nên dù không có đời sau thì ngay trong kiếp sống này người tin học thuyết nghiệp và nhân quả luân hồi là người đem lại an lạc cho mình, cho người và cho xã hội; vì vậy họ được những người trí tán thán. Nhưng nếu có nhân quả đời sau, họ cũng được hưởng an vui sung sướng.


Bản thân những điều này đã chứng minh cụ thể cho ý nghĩa lợi mình, lợi người, không hại mình, không hại người, cho đời này, cho đời sau của pháp nhân duyên và nhận thức tái sanh luân hồi.


Và này các Anuruddha, có những Thiện gia nam tử có tin tưởng với tín thọ cao thượng, với hoan hỷ cao thượng, sau khi được nghe như vậy, sẽ chú tâm trên như thật (Tathata). Như vậy, này các Anuruddha, là hạnh phúc, là an lạc lâu đời cho các vị ấy” (TB2, 68 = [Sb.18])


Người học Phật sẽ tự mình thực chứng được lời dạy trên khi quán xét kỹ về bốn nguồn động lực nuôi dưỡng sự tồn tại và thúc đẩy quá trình tái sanh được đức Thế Tôn gọi là bốn nguồn thức ăn.


Bốn Thức Ăn


Trong tiến trình quán 12 CPND trên các nội pháp, bốn nguồn thức ăn được xác định rất cụ thể: “Này các Tỳ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sinh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực” (Kinh “Các Loại Ðồ Ăn”, TƯ2, 11 = [U.51.11])

- Đoàn thực là thức ăn nuôi thân mạng nói chung. Trong thực tế, tất cả các chúng sinh đều phải dựa vào thức ăn để tồn tại, thế nhưng nếu không biết tiết độ trong ăn uống - thọ dụng quá độ hoặc khổ hạnh ép xác - dễ dẫn đến khổ đau và bệnh tật ngay trong hiện tại (bệnh tùng khẩu nhập).


Bên cạnh đó, ăn uống là một bản năng cơ bản cho tất cả các chủng loài chúng sinh, từ những sinh vật nhỏ bé cho đến những sanh loài to lớn, tất tất cả mọi loài chúng sinh đều bị trói cột bởi nghiệp lực tự nhiên này. Nhưng riêng chỉ có con người mới có đủ lý trí và nghị lực làm chủ bản năng cơ bản về ăn uống. Do vậy không có ý thức tiết độ về đoàn thực không những bị đau khổ ngay trong hiện tại mà còn là con đường rộng mở dẫn đi tái sanh dưới bất kỳ dạng nào trong tương lai.


“Trong một pháp, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là trong một pháp? - Tất cả chúng sinh đều tồn tại nhờ đồ ăn.” (Bài kinh Những Câu Hỏi Lớn, TC X:27, tr.307 = [I.10.27])

"Người ưa ngủ, ăn lớn Nằm lăn lóc qua lại, Chẳng khác heo no bụng, Kẻ ngu nhập thai mãi." (PC 325)


“Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỳ-kheo, do Tỳ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp” (Kinh Hai Pháp Tùy Quán, Tiểu Bộ 1, Kinh Tập, kinh số 139 (TiB1, 139) = [Sn.139]).


Chính vì vậy, trong Bát Quan Trai Giới có giới thứ sáu quy định ăn một ngày một bữa, không ăn phi thời. Giới luật này nhằm giúp tu tập để làm chủ và tiến tới triệt tiêu bản năng tham ái về ăn uống: ăn để sống, sống để làm việc, để tu tập giải thoát chứ không phải sống để ăn. Làm chủ bản năng ăn uống và đoạn dứt tham đắm thức ăn, dù chay hay mặn, không những bớt đi những hệ lụy ngay trong hiện tại mà còn khép lại một cánh cửa quan trọng dẫn đến tái sanh trong các sanh loài.

Vì thế đức Phật dạy các Tỳ-kheo, để đoạn diệt bản năng tham ái đoàn thực, phải quán tưởng thức ăn nuôi sống mình hằng ngày giống như trường hợp của một cặp vợ chồng vượt qua bãi sa mạc, và để tồn tại họ không còn cách nào khác phải ăn thịt chính đứa con duy nhất của mình. Có quán tưởng như vậy đối với đoàn thực mới giúp nhàm chán, ly tham, đoạn diệt bản năng cơ bản này, từ đó giúp đoạn diệt khổ đau do tái sanh


“Này các Tỳ-kheo, khi đoàn thực được hiểu biết, thời lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết. Khi lòng tham đối với năm dục trưởng dưỡng được hiểu biết, thời không còn kiết sử, do kiết sử này, một vị Thánh đệ tử bị trói buộc để phải sanh lại đời này” (Bài kinh “Thịt Đứa Con”, TƯ2, 97, tr.175 = [U.51.63]).


- Xúc thực, theo kinh văn, là nguồn “thức ăn” cho thọ. Trong 12 CPND, chi phần Xúc là duyên cho Thọ, vì nhờ có sự tiếp xúc nên bản năng cảm thọ mới được thoả mãn, duy trì để rồi dẫn đưa đến tiến trình tái sanh luân hồi.


Điều cần phải lưu ý là không phải chỉ có con người mới biết thỏa mãn các cảm thọ qua sự tiếp xúc, trái lại đây là bản năng chung cho tất cả mọi loài chúng sinh: từ các sinh vật cấp cao cho đến các sinh vật cấp thấp.


Tuy nhiên chỉ có con người mới có khả năng làm chủ bản năng cảm thọ này qua việc ý thức về nguyên nhân và sự nguy hiểm của xúc dẫn đến thọ dục. Khác với loài vật, chỉ trong xã hội loài người mới có các khái niệm nhân bản như ‘cha mẹ’, ‘vợ chồng’, ‘tình nghĩa’, ‘thuỷ chung’, ‘trách nhiệm’, ‘bổn phận’, ‘ơn nghĩa’ v.v…


Chính vì những khác biệt này nên đã dẫn đến những giới hạn phân biệt trong quan hệ tính dục của con người không giống như các chúng sinh khác, và chỉ có con người mới có ý thức làm chủ bản năng dục lạc, không quan hệ dục ái bừa bãi.


Cho nên, trong năm giới căn bản của đạo Phật, có giới thứ ba cấm tà hạnh trong các dục là vì vậy. Người phật tử biết gìn giữ giới luật này không những giúp đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội ngay trong kiếp này; mà còn đóng lại một cánh cửa quan trọng dẫn đến những sanh thú đọa lạc trong đời sau.

Tiến hơn một bước, trong Bát Quan Trai, có giới cấm hành dâm và tránh xem múa, hát, nhạc, kịch; tránh dùng trang sức, trang điểm vòng hoa, hương liệu; tránh ngủ giường cao rộng vì các hành vi này kích thích sáu xúc từ đó khiến tăng trưởng cảm thọ thuộc năm dục trưởng dưỡng. Thực hiện các giới luật này là hạn chế nguồn ‘xúc thực’, cũng có nghĩa khép lại thêm một trong những cánh cửa dẫn đến tái sanh luân hồi cõi thấp, đọa xứ; để đạt đến cõi Trời, cõi người.


Do đó, để thấy sự nguy hiểm của ‘xúc thực’, đức Phật dạy phải quán các chạm xúc để thoả mãn cho cảm thọ dục giống như một con bò ghẻ lở tìm cách cọ xát hết chỗ này đến chỗ khác để xoa dịu cơn ngứa, nhưng tại mỗi nơi đều có các sinh vật khác bám và cắn khiến nó càng ngứa thêm.


Tham đắm cảm thọ cũng giống như tham đắm dục lạc: “vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn”. Điều này có nghĩa càng tìm sự thoả mãn cho các cảm thọ qua sự tiếp xúc càng bị đau khổ nhiều hơn và thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái sanh trong các cõi đọa xứ, bàng sanh:


“Này các Tỳ-kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa” (Sđd).


- Tư niệm thực: Tư là tư duy, suy tư, tư lường. Niệm là nhớ nghĩ. Tư niệm thực là ‘thức ăn’ tư duy và nhớ nghĩ. Trong kinh văn, tư niệm thực là nguồn dinh dưỡng cho ái luyến; vì có tư duy, nhớ nghĩ mới có ái luyến. Chính bởi tư niệm đến đối tượng khác nên ái luyến từ đó tăng trưởng và cột trói vào tiến trình 12 CPND: ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên khổ.


Vì vậy, đức Phật dạy phải quán tư niệm thực, tức sự nhớ nghĩ nuôi dưỡng cho dục ái, giống như hố than hừng thiêu đốt những ai chìm đắm trong đó: “Này các Tỳ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa” (Sđd).


- Thức thực là nguồn ‘thức ăn’ thứ tư dẫn đi tái sanh. Trong kinh văn, thức thực là nguồn thức ăn cho Danh-Sắc. Do vậy có thể hiểu thức thực chính là Thai thức trong bào thai (với nghiệp làm nhân và hành làm duyên mà có).


Như đã được biết, vì có thai thức nên mới hình thành Danh Sắc của hài nhi để rồi phải chấp nhận khổ đau của già và ch*t. Không những thế, ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã phải chịu biết bao những khổ sở, bức bách, gò ép với biết bao nguyên nhân: từ những vận động vô ý của bà mẹ cho đến những thức ăn không thích hợp với thai nhi mà bà mẹ vô tình lạm dụng v.v… tất cả đều có thể làm cho thai nhi đã khổ càng thêm khổ.


Chính vì thế đức Phật dạy phải quán ‘thai thức’ hay ‘thức thực’ như sự khổ đau của một tội nhân mỗi ngày bị đánh ba trăm hèo. “Này các Tỳ-kheo, khi thức thực được hiểu rõ, thời danh sắc được hiểu rõ. Khi danh sắc được hiểu rõ, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không làm gì thêm nữa” (Sđd).


Ý thức được nguyên nhân và sự nguy hiểm của bốn nguồn thức ăn từ đó tiến đến làm chủ chúng cũng có nghĩa thực hiện sự đoạn diệt khổ đau.


“Và này các Tỳ-kheo, bốn loại đồ ăn này do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì tác sanh, do cái gì làm cho hiện hữu? Bốn loại đồ ăn này do ái làm nhân, do ái tập khởi, do ái tác sanh, do ái làm hiện hữu…” (TƯ2,11 = [U.51.11])


“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với đoàn thực…, xúc thực…, tư niệm thực…, thức thực, không có tham, không có hỷ, không có ái, thời không có thức an trú, tăng trưởng. Chỗ nào không có thức an trú, tăng trưởng, chỗ ấy không có danh sắc sanh.


Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai. Chỗ nào không có hữu tái sanh trong tương lai, chỗ ấy không có sanh, già, ch*t trong tương lai. Chỗ nào không có sanh, già, ch*t trong tương lai, Ta nói rằng chỗ ấy không có sầu, không có khổ, không có não” (TƯ2, 101 = [U.51.64]).


“Trong bốn pháp, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo chơn chánh nhàm chán, chơn chánh ly tham, chơn chánh giải thoát, chơn chánh thấy được sự cứu cánh, sau khi chơn chánh thắng tri ý nghĩa ngay trong hiện tại, là người chấm dứt khổ đau.


Thế nào là trong bốn pháp? - Trong bốn đồ ăn” (TC X:27, tr.309 = [I.10.27.9]).


Tóm lại các cách quán này giúp người học Phật thấy rõ như thật sự nguy hiểm của dục, của xúc, của thọ, của ái; chúng tuy vui ít nhưng khổ lụy nhiều, và ở đây nguy hại càng nhiều hơn.


Nhờ biết như lý tư duy như vậy mới biết nhàm chán để đi tới ly tham và đoạn diệt dục tham với ý nghĩa nó là nguyên nhân gây ra đau khổ trong đời này lẫn đời sau. Trong quá trình đó, hơn ai hết, tự ta phải chịu trách nhiệm trước hạnh phúc và khổ đau của chính mình theo quy luật nhân quả và tái sanh luân hồi.


Đến đây người học phật cần phân biệt nội dung các chi phần nhân duyên tùy theo từng cách quán. bảng dưới đây giúp hệ thống các nhận thức về thánh lý nhân duyên theo hai cách quán nội pháp và ngoại pháp.


Chi phần
Quán Theo Nội Pháp
Quán Theo Ngoại Pháp
1. Vô minh
Không hiểu rõ như thật bốn thánh chân lý diệu kỳ (Bốn Diệu Đế) Không tri kiến Bốn Diệu Đế, còn bị chi phối, sai sử bởi dục ái.
2. Hành
Thân hành, Khẩu hành, Ý hành
Hành động dục, hành dâm, hành lạc...
3. Thức
Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức (Tiềm thức, tri thức, nhận thức, kiến thức…)
Thai thức, Nghiệp thức, Chủng tử thức.
4. Danh - Sắc
- Danh là tâm gồm: thọ, tưởng, tư duy, xúc, tác ý.
- Sắc là thân vật chất, có hình sắc.
Tâm thức và sắc thân hài nhi
5. Sáu xứ (Sáu Nhập)
Sáu xứ: Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ
Sáu Nhập là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) nhập vào sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
6. Xúc
Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc
Giao tiếp, tiếp xúc với người thân
7. Thọ
Thọ do nhãn xúc sanh
Thọ do nhĩ xúc sanh
Thọ do tỷ xúc sanh
Thọ do thiệt xúc sanh
Thọ do thân xúc sanh
Thọ do ý xúc sanh
Thọ lạc,
Thọ khổ,
Thọ không khổ không lạc
8. Ái
Ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp
Dục ái, sắc ái, vô sắc ái (ái kiết sử)
9. Thủ
Dục thủ, giới cấm thủ, kiến thủ, ngã luận thủ
Chấp thủ, nắm giữ người thân yêu
10. Hữu
Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu
Phải có người thân yêu
11. Sinh
Sinh đẻ, xuất sanh, tái sanh
Sinh y
12. Già, ch*t
Già, ch*t, (sầu, bi, khổ, ưu, não)
Già, ch*t, (sầu, bi, khổ, ưu, não)

Để hiểu những cách phân tích trong kinh điển Nikāya nói chung, cũng như các cách quán tiếp theo dưới đây của 12 CPND nói riêng, cần phải phân biệt rõ các chi phần theo nội pháp hoặc ngoại pháp.


Ví dụ khi nói ‘ái của ngoại pháp’ người học Phật phải biết gồm ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái; hoặc nói ‘thủ của nội pháp’ phải biết gồm bốn thủ: dục thủ, giới cấm thủ, kiến thủ, ngã luận thủ v.v…


Tỳ kheo Pani Giới Pháp

Trích trong Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ

Còn nữa...


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Pani Giới Pháp

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/giai-ma-he-thong-phap-nhan-duyen-thanh-ly-cuu-kho-p3-d22375.html)

Chủ đề liên quan:

giải mã hệ thống nhân duyên

Tin cùng nội dung