Đây là cách quán kết hợp cả hai tiến trình nội pháp và ngoại pháp, gọi tắt là quán nội-ngoại pháp. Có ba cách quán nội-ngoại pháp 12 CPND.
- Cách thứ nhất là quán kết hợp lần lượt đầy đủ 12 chi phần từ nội pháp tới ngoại pháp như đã trình bày nêu trên.
- Cách thứ hai là quán mỗi chi phần cũng có thể mang hai nội dung nội-ngoại kết hợp. Ví dụ mỗi Thọ của nội pháp do sáu xúc sinh đều có ba loại: thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc; hoặc chi phần Ái của ngoại pháp gồm dục ái và sắc ái biểu hiện nơi ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc, ái pháp; còn vô sắc ái biểu hiện nơi ái sắc tưởng, ái thanh tưởng, ái hương tưởng, ái vị tưởng, ái xúc tưởng, ái pháp tưởng…
- Cách thứ ba là với nội dung mở rộng từ cách thứ hai có thể quán từ một chi phần của nội pháp làm duyên cho chi phần kế tiếp của ngoại pháp, hoặc ngược lại từ một chi phần của ngoại pháp sẽ là duyên cho chi phần kế tiếp thuộc nội pháp. Ví dụ từ sáu xúc (nội pháp) duyên cho ba thọ (ngoại pháp), ba thọ duyên cho sáu ái (nội pháp); hoặc từ ba ái (ngoại pháp) duyên cho bốn thủ (nội pháp) v.v…
Sự vận dụng đa chiều, đa dạng này tùy vào hoàn cảnh, đối tượng, mục đích; và tuy có khác nhau nhưng cũng chỉ nhằm thấy rõ khổ, nguyên nhân khổ và cách diệt khổ.
Có thể tìm thấy những điển hình cho cách quán Pháp 12 CPND trên các nội-ngoại pháp trong ba bài kinh Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Tiểu Kinh Phương Quảng và Đại Kinh Sáu Xứ thuộc Trung Bộ. Người học Phật như lý quán sát ba trích đoạn sau đây sẽ hiểu thêm thế nào là quán kết hợp nội-ngoại pháp Nhân Duyên.
“… Này các Tỳ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình.
Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình.
Và này các Tỳ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.
Rồi này các Tỳ-kheo, người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỳ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỳ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu.
Này các Tỳ-kheo, đứa trẻ ấy, sau khi lớn lên, sau khi các căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các đứa trẻ, như với cái cày nhỏ, chơi khăn, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ.
Này các Tỳ-kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn do mắt nhận thức, được thuần thục, thọ hưởng đầy đủ năm món dục lạc; các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc; các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục.
Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không có dư tàn.
Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy. Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục sinh hỷ, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy nên dục hỷ sinh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sinh; do duyên hữu nên sinh sinh khởi; do duyên sinh nên già, ch*t, sầu, bi, khổ, ưu, não, sinh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi người đó nghe tiếng với tai... khi người đó ngửi hương với mũi... khi người đó nếm vị với lưỡi... khi người đó cảm xúc với thân... khi người đó nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu. Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. Người đó không như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn.
Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy nên dục hỷ sinh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sinh; do duyên hữu nên sinh sinh khởi; do duyên sinh nên già, ch*t, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.”
- Trong đoạn kinh trên các chi phần nào của 12 CPND được đề cập thuộc nội pháp? Các chi phần nào quán theo ngoại pháp?
“Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ Kalandaka Nivapa. Rồi nam cư sĩ Visakha đến chỗ Tỳ-kheo-ni Dhammadinna ở, sau khi đến, đảnh lễ Tỳ-kheo-ni Dhammadinna rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Visakha thưa với Tỳ-kheo-ni Dhammadinna:
- Thưa Ni sư, tự thân, tự thân, (Sakkaya), được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân là như thế nào?
- Hiền giả Visakha, Thế Tôn gọi năm thủ uẩn là tự thân, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Hiền giả Visakha, năm thủ uẩn này, Thế Tôn gọi là tự thân.
Nam cư sĩ Visakha hoan hỷ, tín thọ lời Tỳ-kheo-ni Dhammadinna nói, rồi hỏi Tỳ-kheo-ni Dhammadinna thêm một câu hỏi nữa:
- Tự thân tập khởi, tự thân tập khởi, thưa Ni sư, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân tập khởi (Sakkaya samudaya) là như thế nào?
- Hiền giả Visakha, khát ái này đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Hiền giả Visakha, khát ái này, Thế Tôn gọi là tự thân tập khởi.
- Tự thân diệt, tự thân diệt, thưa Ni sư, được gọi là như vậy. Thế Tôn gọi tự thân diệt là như thế nào?
- Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt, không tham đắm, không có dư tàn của khát ái ấy, sự xả ly, sự vất bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp. Hiền giả Visakha, sự đoạn diệt này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt.
- Thưa Ni sư, tự thân diệt đạo, tự thân diệt đạo, được gọi là như vậy. Thưa Ni sư, Thế Tôn gọi tự thân diệt đạo là như thế nào?
- Hiền giả Visakha, Con đường Thánh tám ngành này, Thế Tôn gọi là tự thân diệt đạo, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
- Không phải, Hiền giả Visakha. Thủ này tức là năm thủ uẩn kia, thủ này không khác với năm thủ uẩn kia, Hiền giả Visakha, phàm có dục tham đối với năm thủ uẩn, tức là (chấp) thủ đối với chúng ở đây vậy…”
- Ba ái thuộc nội hay ngoại pháp?
- Ai mới thực sự còn luyến ái tự thân, còn chấp thủ tự thân: cư sĩ Visakha hay Tỳ-kheo-ni Dhammadina? Vì sao?
“Này các Tỳ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy.
Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.”
- Trong đoạn kinh trên các chi phần nào của 12 CPND được đề cập thuộc nội pháp? Các chi phần nào quán theo ngoại pháp?
Cần nhắc lại là không phải chỉ hiểu các cách quán 12 CPND một cách đơn thuần, điều quan trọng hơn là từ đây nhận thức được những bài học diệt khổ một cách thiết thực cụ thể.
Người học Phật cần đọc và như lý tư duy toàn bộ kinh tạng Nikāya nói chung và ba bài kinh trên nói riêng, để thấy rõ hơn mỗi bài kinh trong hệ thống kinh tạng Nikāya là một bài học diệt khổ cụ thể, thiết thực hiện tại.
Là quán hệ thống nhân duyên trong mối quan hệ chi phần trước là nguyên nhân hình thành chi phần sau theo quy luật ‘cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh’. có thể quán tiến trình sinh khởi của 12 cpnd theo ba chiều hướng khác nhau.
- Quán tánh sinh khởi theo chiều hướng ‘đen’ là quán tiến trình của nghiệp ác, bất thiện dẫn tới quả báo dị thục khổ đau (Ở đây, quả báo dị thục được hiểu chung là gồm quả báo trổ khác thời và có khi cả quả báo thấy liền ngay trước mắt, tức quả báo nhãn tiền)
- Quán tánh sinh khởi theo chiều hướng ‘trắng’ là quán tiến trình của nghiệp thiện lành đưa đến quả báo dị thục an vui sung sướng.
- Quán tánh sinh khởi theo chiều hướng ‘đen và trắng’ là quán tiến trình của nghiệp vừa thiện và vừa bất thiện đưa đến quả báo dị thục vừa lạc, vừa khổ.
Trong tiến trình này, Vô minh ngoài ý nghĩa là không nhận thức được Bốn Thánh Chân Lý: Khổ-Tập-Diệt-Đạo, còn được hiểu thêm là không tin, không sống theo đạo lý Nhân Quả. Chính vì không ý thức được luật Nhân Quả nên mới tạo các hành ác, bất thiện để rồi phải chịu nhận khổ đau.
Vì vô minh không thấu rõ luật Nhân Quả nên mới tạo các thân hành sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Vì vô minh nên tạo khẩu hành nói dối, nói đâm thọc, nói ác độc và nói lời phù phiếm. Vì vô minh nên tạo các ý hành tham, sân, si.
Từ các thân hành tạo nên các nghiệp nơi thân (thân nghiệp), từ các khẩu hành tạo nên nghiệp thuộc lời nói (khẩu nghiệp), từ các ý hành tạo nên nghiệp thuộc ý (ý nghiệp). Các thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này do quy luật nhân quả không thể mất đi, mà tồn tại theo một dạng chung gọi là hành nghiệp.
Hành nghiệp giống như một kho lưu trữ tất cả các hành đã tạo ra và tồn tại dưới dạng tiềm thức nên cũng được gọi là Nghiệp thức. Với các hành ác, bất thiện được tạo ra và lưu giữ trong kho tàng của một nghiệp thức ‘đen’. Nói cách khác, hành đen sẽ tạo một nghiệp thức đen.
Không có gì khó hiểu khi một thức ác, bất thiện sẽ là nhân duyên tạo thành các tiến trình cho thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý (tức danh) và thân vật lý (tức sắc) cũng theo chiều hướng ác, bất thiện. như vậy thức đen duyên cho danh-sắc ‘đen’.
Với danh-sắc đen cũng sẽ tạo nên sáu xứ ‘đen’. ví dụ với một tư duy hoặc một tác ý ác, bất thiện sẽ là nhân duyên dẫn đến hệ quả là môi trường của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng lệ thuộc về môi trường ác, bất thiện (hay nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ ‘đen’).
Sáu xứ ‘đen’ đến lượt mình sẽ là nhân, là duyên tạo các Xúc ‘đen’: Vì có môi trường ác, bất thiện nên mới có các tiếp xúc cũng theo chiều hướng ác, bất thiện.
Vì các tiếp xúc theo chiều hướng bất thiện nên tạo các cảm thọ nơi con mắt, lỗ tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn cũng theo chiều hướng của ác, bất thiện. Ví dụ do tiếp xúc với rượu, Thu*c phi*n nên mới có các cảm thọ say sưa kích thích do rượu, Thu*c phi*n mang lại. Vì thế nên nói Xúc đen tạo Thọ ‘đen’.
Vì các cảm thọ thuộc về ác, bất thiện nên tạo ra ái luyến cũng theo chiều hướng ‘đen’. Ví dụ vì cảm giác hoan lạc với các đối tượng nơi chốn ăn chơi sa đọa nên sinh ra mê đắm, thích thú các đối tượng ấy. Hoặc dù chịu bao thọ khổ nhưng vẫn ái luyến giới con bò, con chó… Thọ đen dẫn đến Ái ‘đen’ là vì vậy.
Với ái luyến theo chiều hướng bất thiện sẽ dẫn tới các chấp thủ tà dục, chấp thủ tà giới, ác giới; chấp thủ tà kiến và chấp thủ các tà thuyết về ngã. Như vậy Ái đen duyên cho Thủ ‘đen’.
- Tà dục hữu tức các hiện hữu dẫn đi tái sinh vì tà hạnh trong các dục, do ác dục.
- Tà sắc hữu tức các hiện hữu dẫn đi tái sinh có hình tướng và do tà nghiệp, tà mạng mà có. Ví dụ như sở hữu tài sản, nhà cửa, vàng bạc do trộm cắp, lừa lọc, cưỡng chiếm, cướp đoạt…
- Tà vô sắc hữu tức các hiện hữu dẫn đi tái sinh không có hình tướng và cũng do tà nghiệp, tà mạng, tà giới tạo nên. Ví dụ như quyền lực do chiếm đoạt, chức tước do thủ đoạn, nếp sống tà giới do tà kiến…
Theo quy luật nhân quả, các tà sinh hữu này sẽ dẫn đến tái sinh ‘đen’ tức phải sinh vào cõi dữ, đọa xứ, ác thú, địa ngục.
Và tất nhiên tại các khổ cảnh này cũng có các hiện tượng già-ch*t tái diễn cho đến khi các nghiệp ác, bất thiện được trả hết.
Tóm lại đây là tiến trình sinh khởi theo chiều hướng đen và quả dị thục là khổ cảnh trong cõi đọa xứ.
5.2 Quán tánh sinh khởi trên Pháp 12 CPND theo chiều hướng ‘trắng’
Đây là tiến trình theo chiều hướng ‘ở hiền gặp lành’, sống thiện được quả báo an lạc, tức một thiện nghiệp hay một ‘nghiệp trắng’ đưa đến quả báo dị thục ‘trắng’.
Khi đã nhận thức rõ và thực hành theo luật Nhân Quả, điều này cũng có nghĩa là minh sinh khởi, từ đó giúp đoạn diệt vô minh và đau khổ do vô minh. Nhờ hiểu và tuân theo luật Nhân Quả nên từ một thân hành, khẩu hành, ý hành thiện lành sẽ tạo nên một nghiệp thức thiện lành, tồn tại dưới dạng tiềm thức thiện hay nghiệp thức ‘trắng’.
Nghiệp thức trắng duyên cho Danh-Sắc trắng. Danh-Sắc trắng duyên Sáu Xứ trắng. Sáu Xứ trắng duyên Xúc trắng. Xúc trắng duyên Thọ trắng. Thọ trắng duyên Ái trắng… (Người học Phật cần tự mình như lý tư duy nội dung các chi phần theo chiều hướng thiện lành này)
Ái trắng duyên Thủ ‘trắng’. Ví dụ người cư sĩ chấp thủ chánh dâm với vợ hoặc chồng mình, vị tu sĩ chấp thủ vào hiểu biết của mình…
Sắc hữu trắng là sinh hữu có hình tướng của thiện, ví dụ sở hữu tài sản do chính mình làm ra một cách chân chính.
Vô sắc hữu trắng là sinh hữu thiện không có hình tướng, ví dụ nắm giữ công danh, đạo vị, quyền thế do thực tài chân chính mà có và tạo nhiều thiện phước…
Hữu trắng duyên cho Tái sinh ‘trắng’ tức được sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này theo đúng luật Nhân Quả. Và đương nhiên, cho dù được sinh vào cõi Phạm thiên cao nhất, nhưng nếu không tiếp tục giữ giới, tạo công đức mới thì sau khi hưởng hết phước báu vẫn phải chịu cảnh tái sinh luân hồi.
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, số ít là các chúng sinh, sau khi ch*t từ chư Thiên được tái sinh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi ch*t từ chư Thiên bị tái sinh ở địa ngục... ở các loại bàng sinh... ở cõi ngạ quỷ.” (TC1, C1, tr.75 = [I.1.26.21]).
Như vậy xét dưới góc độ giải thoát triệt để thì tiến trình sinh khởi ‘trắng’ vẫn chưa đạt được Minh một cách hoàn toàn. Bởi lẽ, một nghiệp trắng tuy ít vô minh hơn nghiệp đen nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh sinh tử luân hồi.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống thực tế, không phải chỉ có những nghiệp ‘đen’ hoàn toàn, hoặc ‘trắng’ hoàn toàn mà còn có những nghiệp vừa ‘đen’ vừa ‘trắng’, tức các hành nghiệp vừa thiện vừa bất thiện.
Do đó người học Phật cũng cần phải tự quán tánh sinh khởi theo chiều hướng ‘đen và trắng’ với quả báo vừa khổ vừa lạc. Đây cũng là cách quán kết hợp cả hai tiến trình nêu trên.
Nói một cách chung nhất: nếu nghiệp ‘trắng’ nhiều thì quả dị thục an vui, an lạc nhiều hơn; ngược lại nếu nghiệp ‘đen’ nhiều thì quả báo dị thục khổ đau, bất an nhiều hơn.
Tuy nhiên, như đã được biết, dù quán xét dưới bất cứ khía cạnh nào, các nghiệp nêu trên cũng dẫn đến quả báo già và ch*t trong sinh tử luân hồi. Chính vì vậy cần phải quán thêm tiến trình 12 CPND theo chiều hướng diệt tận.
VI.Quán Tánh Diệt Tận Trên Pháp 12 CPND
Nếu quán tánh sinh khởi 12 CPND là để hiểu rõ mối liên hệ thứ nhất ‘cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh’; thì quán tánh diệt tận để thấu suốt sự liên hệ thứ hai ‘cái này không có, cái kia không có; cái này diệt, cái kia diệt’. Nếu quán sinh khởi để thấy rõ khổ như thật và khổ từ đâu mà có, thì quán diệt tận để thấy rõ khổ được đoạn trừ như thế nào.
Trước đây cách quán sinh khởi được nói tới nhiều hơn, trong khi cách quán diệt tận không được lưu ý đúng mức. ngay cả thói quen dịch khái niệm ‘pháp nhân duyên’ là ‘pháp duyên khởi’ cũng chưa chính xác và đầy đủ, vì ‘duyên khởi’ chỉ nói lên chiều sinh khởi chứ chưa nói đến chiều diệt tận và chiều sinh diệt của hệ thống giáo pháp này. từ những nhận thức thiếu sót trên đã góp phần dẫn đến những ngộ nhận sai lầm cho rằng đạo phật là bi quan, yếm thế, chán đời.
Chính vì thế việc triển khai giải thích về tánh diệt tận trên pháp 12 CPND cần được giới thiệu phổ biến rộng rãi hơn nữa nhằm xoá tan những thành kiến không đúng về Phật Pháp, và để thấy rõ thực sự đạo Phật là con đường tích cực giúp diệt khổ cho đời, chứ không đơn thuần chỉ thấy ‘đời là bể khổ’.
Vô minh diệt → Hành diệt → Thức diệt → Danh-Sắc diệt → Sáu Xứ diệt → Xúc diệt → Thọ diệt → Ái diệt → Thủ diệt → Hữu diệt → Sinh diệt → Già, ch*t, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.
Có thể quán tánh diệt tận trên pháp 12 CPND theo hai xu hướng: diệt tận hạn lượng và diệt tận tối thượng.
Đây chính là chu trình với phương thức dùng các sinh khởi ‘trắng’ để thay thế, diệt tận các sinh khởi ‘đen’. Cụ thể nhờ có Minh là có Chánh tri kiến và biết luật nhân quả nghiệp báo hiện hữu nên diệt được vô minh, tức những tà kiến và tà tư duy trái với luật nhân quả.
Nhờ có Minh, có Chánh tri kiến nên biết sống theo đạo luật Nhân Quả, do đó cũng biết thực hành thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện để thay thế cho thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác. Như vậy là đã lấy Hành ‘trắng’ diệt Hành ‘đen’.
Nguyên lý này đã được chính đức Thế Tôn chỉ rõ: “Để đoạn tận thân ác hành, thân thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận khẩu ác hành, khẩu thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận ý ác hành, ý thiện hành cần phải tu tập” (TC VI:108, tr.265 = [I.6.108]). Và đây cũng chính là phương thức của tiến trình Vô minh diệt thì Hành (đen) diệt.
Hệ quả tất yếu tiếp theo là: các hành thiện sẽ tạo nên một nghiệp thức thiện, và chỉ có nghiệp thức trắng này mới đoạn diệt và thay thế được nghiệp thức đen do hành đen mà có. Trong Đại Kinh Bốn Mươi (TB3, 117 = [U.36]), đức Thế Tôn cũng đã xác định rõ nguyên lý diệt tận này:
“Tà nghiệp, này các Tỳ-kheo, do chánh nghiệp làm cho tiêu diệt, và những ác bất thiện pháp được tà nghiệp duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh nghiệp. Tà mạng, này các Tỳ-kheo, do chánh mạng làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà mạng duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh mạng”. Đây cũng là phương thức cho tiến trình Hành đen diệt thì Thức đen diệt.
Tương tự, chu trình diễn tiến của sự đoạn diệt toàn bộ khối khổ uẩn 12 CPND kế tiếp theo phương thức tóm lược như sau:
- Danh-sắc trắng diệt Danh-sắc đen: Thọ, tưởng, tư duy, xúc, tác ý và sắc thân thiện lành thay thế cho danh-sắc ác, bất thiện.
- Sáu Xứ trắng diệt Sáu Xứ đen: Môi trường của sáu căn, sáu trần thiện lành thay cho môi trường tà vạy, bất thiện; như đi chùa nghe pháp thay vì đến các nơi ăn chơi sa đọa.
- Xúc trắng diệt Xúc đen: Các tiếp xúc thiện thay cho tiếp xúc không thiện. Giao du tiếp xúc với bạn lành, với thiện tri thức thay cho kết giao với bạn bè xấu ác, hư hỏng.
- Ái trắng diệt ái đen: Sự ái luyến thuộc thiện pháp thay thế các ái luyến thuộc tà pháp, tà dục. Như người cư sĩ ái luyến vợ chồng, con cái một cách chính đáng thay vì ái luyến do tà hạnh, tà dâm. Hoặc người cư sĩ chân chính thích thể thao, du lịch lành mạnh… thay vì thích rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập.
- Thủ trắng diệt thủ đen: Chấp thủ theo xu hướng thiện lành thay cho chấp thủ theo chiều ác, bất thiện.
- Tái sinh trắng tức được sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này để hưởng an vui hạnh phúc thay thế cho tái sinh đen, tức phải chịu khổ đau trong đọa xứ, bàng sinh, địa ngục. Và nhờ vậy già ch*t trong cõi lành thay cho già ch*t trong cõi dữ.
Người cư sĩ thực hiện năm giới chính là thực hiện sự đoạn trừ các sinh hữu đen. Trong Bát Quan Trai có thêm giới tránh ăn phi thời, tránh múa hát, nhạc, kịch; tránh trang sức, trang điểm và tránh dùng giường cao rộng… Các thiện giới này nhằm mục đích giúp người thọ trì đoạn dứt các dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu đen tích cực hơn. Và bao hàm hơn hết là những lời dạy của đức Thế Tôn trong kinh tạng Nikāya và luật Pātimokkha, tất cả đều được phân tích rõ ràng và chỉ dạy cụ thể các phương thức diệt tận khổ đau theo 12 CPND.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, ngay trong khi dùng tiến trình ‘trắng’ thay thế cho tiến trình ‘đen’, người sống nếp sống thiện cũng đã hưởng được những quả báo an vui, thiện lành ngay trong hiện tại đúng như lời dạy trong Kinh Pháp Cú.
18. “Nay sướng, đời sau sướng, Làm phước, hai đời sướng. Mừng rằng: “Ta làm thiện”, Sinh cõi lành, sướng hơn”
15. “Nay sầu, đời sau sầu, Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não, Thấy nghiệp uế mình làm”.
Như đã nói ở trên, dù được sinh cõi lành, hưởng an vui hạnh phúc của chư Thiên, vua chúa, giàu sang quyền quý đến đâu chăng nữa; nhưng nếu không tiếp tục giữ giới, cố gắng tạo thêm phước mới, đến khi phước cũ hết vẫn phải chịu tái sinh luân hồi, và nếu bị vô minh dẫn dắt thì khổ cảnh lại tái diễn.
Có thể hình dung tiến trình diệt tận có hạn lượng giống như việc tẩy rửa một hồ nước dơ bẩn để trở thành một hồ nước trong sạch. Hồ nước nghiệp thức ‘đen’ trước đây do ba ‘vòi nước’ - Thân hành, Khẩu hành và Ý hành ác bất thiện - chảy vào và tạo nên. Muốn chuyển hoá hồ nước nghiệp ấy, trước hết phải ‘khóa’ ba vòi nước đen lại, tức phải diệt tận thân hành, khẩu hành, ý hành ác bất thiện; đồng thời mở ba vòi nước sạch, trong lành cho chảy vào hồ. Ba vòi nước sạch này chính là ba thân hành, khẩu hành và ý hành thiện lành.
Việc chuyển hoá hồ nước nghiệp được nhanh hay chậm, hiệu quả cao hay thấp, phụ thuộc vào ba yếu tố sau:
- Ba vòi nước sạch có khối lượng nước lớn hay nhỏ (giữ giới và hành thiện nhiều hay ít, đúng pháp hay không đúng pháp).
Nếu thân hành, khẩu hành, ý hành thiện lành được làm cho sung mãn, liên tục, kèm thêm các ‘chất phụ gia’ của Bốn Vô Lượng Tâm và các thiện pháp thích ứng thì hồ nước nghiệp đen dơ bẩn sẽ chuyển hóa thành hồ nước trong sạch mát lành một cách thực tiễn.
Trong bài kinh Vỏ Ốc, đức Phật đã xác chứng con đường chuyển hoá nghiệp cùng với tu tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả vô lượng; Ngài dạy cho thôn trưởng Asibandhakaputta như sau:
“Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với Từ… với Bi… với Hỷ… với Xả sống biến mãn một phương. Như vậy, phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với Từ… với Bi… với Hỷ… với Xả quảng đại vô biên, không hận, không sân.
Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và (bằng con ốc), với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu tập Từ tâm… Bi tâm… Hỷ tâm… Xả tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại.” (Trích lược TƯ4, 317 = [Su.11.8])
Tương tự, trong bài kinh Phạm Thiên Trú, đức Thế Tôn đã chỉ rõ “Trước kia, tâm này của ta là nhỏ, không tu tập. Nhưng nay, tâm này của ta là vô lượng, khéo tu tập. Lại nữa, phàm nghiệp gì được làm có giới hạn, nay nó sẽ không sống trong giới hạn ấy nữa, nó sẽ không đứng trong giới hạn ấy nữa… Phàm ác nghiệp nào do ta làm từ trước với cái thân do nghiệp làm ra này, tất cả cần phải cảm thọ ở đây, nó không thể theo ta và được hiện hữu về sau” (TC X:208, tr.628 = [I.10.208]).
Trong kinh điển Nikāya sự chuyển hoá nghiệp được ví dụ cụ thể giống như trường hợp một nắm muối ở trong một chén nước nhỏ thì vị mặn gần như không thay đổi, nhưng khi cho vào một hồ nước rộng lớn, chất muối mặn được hoà tan gần như biến mất. Nắm muối ví như một nghiệp ác nhỏ. Chén nước nhỏ là một tâm lượng hạn hẹp, ích kỷ. Hồ nước rộng lớn tượng trưng cho “thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng” (xem TC III:99, tr.451 = [I.3.91]).
Theo một cách khác, cũng có thể hình dung sự chuyển hoá nghiệp bằng ví dụ như sau: có hai người cùng mắc nợ năm ngàn đồng, đến thời hạn phải trả, người thứ nhất do vẫn còn nghèo khó nên việc trả nợ rất khó khăn khổ sở. Ngược lại người thứ hai do biết làm ăn buôn bán nên giầu có, tài sản sung mãn với hàng tỷ đồng, hẳn nhiên việc trả món nợ năm ngàn đồng đối với người này là dễ dàng, không đáng kể.
Cũng vậy, việc chuyển hóa hồ nước nghiệp phụ thuộc vào việc làm giầu ‘Thánh tài sản’: Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài, Tuệ tài (TC VII:6, tr.280 = [I.7.6]) cộng với việc làm thiện nhiều hay ít, thường xuyên hay gián đoạn và làm đúng chánh pháp hay không.
Do vậy, người học phật khi đã nhận thức thánh lý nhân duyên không chấp nhận định mạng an bài theo kiểu: “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. ngược lại, người phật tử hiểu và vận dụng phương pháp chuyển hoá nghiệp, phải nói và thực hành một cách tích cực hơn theo phương châm: “đã mang lấy nghiệp vào thân, thì phải chuyển hoá nghiệp gần, nghiệp xa”.
Tu tập thân-khẩu-ý thiện lành để đoạn trừ thân-khẩu-ý bất thiện, đem lại an lạc ngay trong hiện tại, đó là chuyển hoá nghiệp gần ngay trước mắt. Đồng thời như vậy là đã thay một nghiệp thức đen bằng một nghiệp thức trắng, điều này cũng có nghĩa chuyển hóa được nghiệp xấu trong quá khứ để từ đó hưởng quả báo an vui trong tương lai, tức là đã chuyển hoá được cả nghiệp ở xa.
Như vậy bản thân điều này một lần nữa đã chứng minh cụ thể cho ý nghĩa thiết thực của quy luật về nghiệp và tái sinh luân hồi:
“Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỳ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy” là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia?
Có những loài hữu tình, này các Tỳ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu.
Do duyên lợi ích này, này các Tỳ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia” (Bài kinh “Sự Kiện Cần Phải Quan Sát”, TC V:57, tr.421 = [I.5.57])
Khi mỗi người tự ý thức được rằng mọi hành động, lời nói, ý nghĩ của mình đều có hậu quả với chính mình cả trong hiện tại lẫn ở tương lai, nhờ vậy mỗi người mới cố gắng tự làm điều lành, cố tránh điều ác.
Trong một đất nước, nếu mọi người dân đều ý thức được quy luật nhân quả nghiệp báo như vậy, thử hỏi quốc gia ấy có bớt được các tệ nạn xã hội hay không? Có trở thành Thiên đường được không?
Rõ ràng chỉ cần thực hành theo cách quán diệt tận hạn lượng như trên thôi cũng đã cứu khổ cho con người rất nhiều!
Riêng đối với vị Tỳ-kheo muốn giải thoát ngay trong hiện tại và chấm dứt sinh tử luân hồi trong tương lai, phải cắt dứt nghiệp hoàn toàn, vì vậy phải biết và thực hành theo cách quán diệt tận tối thượng.
Tỳ kheo Pani Giới Pháp
Trích trong Giải mã Hệ thống Pháp nhân duyên Thánh lý Cứu khổ
Còn nữa...
TIN, BÀI LIÊN QUAN: