Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Hà Nội: Hiện còn 18 người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 đang chờ kết quả xét nghiệm

MangYTe - Tính đến trước 22/3, Hà Nội xác định có 650 người đã tiếp xúc gần với các trường hợp mắc COVID-19. Hiện còn 18 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội sáng 22/3 cho biết, TP đã ghi nhận 27 ca mắc COVID-19, tất cả đang được điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở 2.

Phân theo quận/huyện: Ba Đình (8); Hoàn Kiếm (2); Long Biên (2); Cầu Giấy (1); Hai Bà Trưng (2); Thanh Xuân (1); Hà Đông (1) và 9 trường hợp là người dân Hà Nội về từ các nước được phát hiện qua sàng lọc tại sân bay Nội Bài và khu cách ly tập trung (chưa về địa phương), và 1 trường hợp quá cảnh (Transit) tại sân bay Nội Bài sau đó đi Singapore.

18 người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 đang chờ kết quả xét nghiệm

Sở Y tế nhận định, số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên các ca mắc chủ yếu là các ca xâm nhập từ các nước khác về.

Về việc điều tra xác minh, quản lý những người về từ vùng dịch, người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, Sở Y tế cho biết có gần 18.600 người về từ vùng dịch được điều tra, quản lý, theo dõi sức khỏe, trong đó, 11.237 người hết theo dõi, hiện còn theo dõi 7.359 người.

Đối với việc điều tra những người tiếp xúc với ca bệnh (tạm gọi là F1), có 650 người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính của Hà Nội, đã lấy mẫu xét nghiệm được 641 người (623 người âm tính với SARS-CoV- 2, 18 trường hợp chưa có kết quả), các trường hợp còn lại (9 người) đã chuyển đi nơi khác.

Ảnh minh hoạ

Có 129 người của Hà Nội tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính của các tỉnh khác, tất cả các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.

Hà Nội cũng điều tra gần 2.900 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (tạm gọi là F2). Tất cả các đều được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú.

Sẵn sàng đáp ứng khoảng 20.000 chỗ cách ly

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến chiều ngày 21/3, trên địa bàn thành phố có 14 cơ sở cách ly tập trung với tổng quy mô 12.629 chỗ.

Trong số 14 cơ sở này, ngoài một số đơn vị, trường quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (Bộ Quốc phòng) như Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô (Xuân Sơn, Sơn Tây); Tiểu đoàn 15 - Trường Sĩ quan Lục quân I (Thạch Hòa, Thạch Thất), Tiểu đoàn 16 - Trường Sĩ quan Lục quân I (Yên Bình, Thạch Thất); Trường Sĩ quan Pháo binh…, UBND thành phố vừa ra các quyết định thành lập thêm 3 trung tâm cách ly tập trung có quy mô lớn tại các quận nội thành.

Cụ thể, Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 4.800 chỗ cách ly; Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) - 4.000 chỗ; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) - 800 chỗ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý trong cuộc họp chiều qua với Bộ Giáo dục & Đào tạo, cho biết theo nhiệm vụ được giao, thành phố cần bảo đảm khoảng 20.000 chỗ cách ly tập trung để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài quy mô của 14 khu cách ly hiện có, thành phố thiếu khoảng 6.400 chỗ. Sau khi bàn bạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất sẽ tiến hành khảo sát ký túc xá của 8 cơ sở giáo dục đại học gồm: Sư phạm Hà Nội 2; Lao động - Xã hội; Thể dục Thể thao Hà Nội; Nội vụ Hà Nội; Sư phạm Hà Nội; Lâm nghiệp; Học viện Ngân hàng; Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc khảo sát sẽ được tiến hành ngay trong ngày 22/3.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 118/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý, điều phối các cơ sở cách ly tập trung. UBND thành phố Hà Nội chuẩn bị thêm các cơ sở đủ để cách ly 20.000 người, lưu ý lựa chọn các địa điểm gần sân bay, không ở trong các khu đông dân cư.

Võ Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/ha-noi-hien-con-18-nguoi-tiep-xuc-gan-benh-nhan-covid-19-dang-cho-ket-qua-xet-nghiem-20200322113531254.htm)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bao gồm liệu pháp dinh dưỡng (xem phần Điều trị triệu chứng) và/hoặc điều trị bằng Thu*c
  • Mọi người đều cần có một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có những nhu cầu sức khỏe đặc biệt, bởi vì họ phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến tác dụng phụ muộn cũng như sự tái phát của căn bệnh này
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY