Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Hà Nội: Lập tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế

Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp, phân tích thông tin từ cơ quan, tổ chức, cá nhân về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT....

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3405/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế.

Theo đó, thành lập Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế, gồm 16 đồng chí, do bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp, phân tích thông tin từ cơ quan, tổ chức, cá nhân về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT; Giải quyết theo thẩm quyền; đôn đốc giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện BHYT, thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh, giám định, tạm ứng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định pháp luật; Tổng hợp, báo cáo và tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện BHYT.

Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm phụ trách chung, điều hành hoạt động của Tổ công tác; trực tiếp chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác để giải quyết theo thẩm quyền; rà soát, đánh giá tiến độ, hiệu quả giải quyết vướng mắc; tham mưu đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền (trong trường hợp cần thiết) để được chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Trong quá trình hoạt động, Tổ công tác chủ động báo cáo, xin ý kiến các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ngành liên quan. Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Hà Nội thành lập tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Dự kiến đến cuối năm 2019, chúng ta sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT.

Qua thực tiễn hơn 25 năm thực hiện chính sách BHYT đã khẳng định gắn mục tiêu BHYT toàn dân với đổi mới cơ chế tài chính y tế và mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT.

Do đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi. Đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của người lao động.

Tăng cường công tác giám định BHYT; bảo vệ quyền lợi của người bệnh; ngăn ngừa và phòng chống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT; đảm bảo nguồn Quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; đặc biệt là công tác khám chữa bệnh nhằm mang lại sự hài lòng cho người cho bệnh.

L.Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-lap-to-cong-tac-giai-quyet-vuong-mac-trong-thuc-hien-bao-hiem-y-te-n160295.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY