Kinh tế xã hội hôm nay

Hàng sạch từ làng

Từ dã dần các thói quen lạc hậu, không còn lăn lóc cùng những cơn say đến mềm môi, trong những lúc nông nhàn, hàng trăm nông dân tay chăm cuốc rẫy, chân quen lội rừng ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên lại náo nức đưa các sản phẩm đặc trưng của làng, của xã mình đến các đô thị, các khu trưng bày, trình diễn.

Mỗi loài cây, món ăn, loại quả đều chứa ẩn khát vọng, biểu trưng quan điểm sống, lao động, sản xuất của con người, vùng đất hùng vĩ và cuốn hút này.

Ngoảnh mặt về núi, trang trọng đặt túi gạo rẫy, can mật ong rừng lên chiếc bàn lớn kê sẵn trước nhà, A Điểu (xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, Kon Tum) thành kính cầu mong cho một năm mưa gió thuận hòa. Đã bao năm nay, A Điểu cũng như các nông dân khác từ làng Lút, làng Điệp Lốp... xem đó là hành động của trái tim, của sự thành kính gửi đến bề trên.

Các sản vật đặc trưng của các dân tộc ở xã Ya Tăng được đưa về thị trấn Sa Thầy giới thiệu, bán.

Lời khẩn cầu vừa dứt cũng là lúc các sản vật được gói ghém để đưa về miền xuôi. Chuyến đi nào cũng háo hức như lần đầu tiên. Nhấp chén rượu sâm dây pha mật ong rừng Ya Tăng trước khi lên đường, A Điểu liên tưởng và tự tin: Xưa, từ các buôn làng heo hút ở núi Ngọc Linh xuất hiện loài thảo dược được cộng đồng người Xê Đăng và một số dân tộc anh em khác vừa chữa bệnh vừa bồi bổ sức khỏe giờ thành sản phẩm nức tiếng khắp nước đó là Sâm Ngọc Linh, ai cũng tự hào.

Giữa mênh mông đại ngàn còn nhiều dược thảo khác mà buôn làng nôm na gọi chung là “sản vật”. Bằng sự chăm chỉ kiếm tìm, khát vọng bảo tồn, gìn giữ rồi trong tương lai sẽ có những sản phẩm nữa được khắp nơi ưa chuộng không phải là giấc mơ viển vông.

Sát cánh bên những người người đàn ông lực lưỡng, những người mẹ, người vợ ở Sa Thầy (Kon Tum) hay Krông Pa (Gia Lai) với nước da sạm màu sương gió thay cho mỏng manh, mềm yếu cũng thoăn thoắt đôi tay cẩn trọng phơi phóng, sơ chế những sản vật của làng mình để đưa về các đô thị.

Mỗi lần được theo đoàn cán bộ và nông dân tiêu biểu, gương điển hình sản xuất giỏi đưa hàng về các thị xã, thị trấn giới thiệu, chị K’Linh ở Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) lại chộn rộn hạnh phúc xen lẫn tự hào. Nhớ lần về phố thị mới đây, nét mặt K’Linh bừng lên niềm vui, chia sẻ: Có người phải đăng ký mãi mới được đi. Được đi rồi thì đứng giới thiệu cả ngày cũng không biết mệt. Đầu năm 2019, các sản phẩm đặc trưng từ xã Ya Xiêr được chọn đưa về trung tâm huyện Sa Thầy giới thiệu đến nhân dân địa phương và khách du lịch khắp nơi có: Chuối leo núi sấy khô Ya Xiêr, rượu cần Ya Xiêr và nhiều loại dược liệu bổ dưỡng do chính tay những người ở buôn làng tìm, trồng, chế biến.

May mắn được đặt chân đến các thành phố lớn từ Nam ra Bắc để giới thiệu món muối kiến vàng Krông Pa nhưng những tháng khởi đầu hàng năm, anh Rơ Mah Long cùng hàng chục thợ làm muối kiến vàng khác ở Chư Gu (Krông Pa, Gia Lai) lại hối hả lên đường. Họ xem đó là điểm khởi động cho những may mắn, hanh thông, hương vị cũng như sự đặc trưng của sản vật trên vùng đất quê hương mình sẽ tỏa khắp nơi.

Mỗi sản vật từ các buôn sâu đem về miền xuôi, thị tứ không đơn giản là món ăn, sản phẩm hay hàng hóa mà ở đó còn toát lên thông điệp bình dị, triết lý giản đơn mà róng riết. Anh Rơ Mah Long chân tình bộc bạch rằng: Món muối kiến vàng này thì có một số nơi cũng làm được nhưng hiếm đâu có vị chua trộn lẫn trong vị ngọt, đậm đà như muối kiến vàng KRông Pa. Muối kiến vùng này được làm theo bí quyết riêng biệt với các nguyên tắc nghiêm ngặt phải tuân thủ đó là an toàn sức khỏe, chính xác trọng lượng, tuyệt đối không được gian dối. Nguyên liệu chủ đạo của món này không gì khác ngoài kiến vàng. Loài kiến xuất hiện chủ yếu ở các vườn cây ăn quả trên cao nguyên nên hấp thụ được nhiều hương hoa và sự tinh túy.

Như một báo hiệu tích cực, từ sau Tết đến nay, Rơ Mah Long đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 250kg muối kiến vàng. Anh Long cho biết: Đôi khi một người thợ uy tín cũng có thể nhận đơn hàng lớn sau đó tập hợp thợ ở các buôn làng cùng làm. Món này thích hợp nhất là dùng với bò một nắng. Xưa kia quanh quẩn ở huyện, ở tỉnh nhưng giờ đây đã vươn xa, nếu có ngày được đưa đi xuất khẩu thì đó là niềm vinh dự lớn lao của hàng vạn người trên vùng đất này.

Tất cả các sản vật từ buôn, từ xã khi xuất bán đi nơi khác dù là nhỏ lẻ hay khối lượng lớn thì cũng luôn phải ghi chi tiết xuất sứ và cam kết bảo đảm tuyệt đối là “hàng sạch”. Quá trình tạo ra mỗi loại cây, quả, hạt trải qua muôn trùng gian khó, thất bát nhưng trăm người như một chung một lời thề không tráo, độn sản phẩm.

Niềm tự hào xua tan tiếc nuối, xòe đôi tay chai sần, A Bồng ở xã Sa Sơn (Sa Thầy) quả quyết: Chúng tôi luôn cảm nhận rằng, tên làng, tên buôn, tên xã gắn trên sản phẩm được đưa đi nhiều nơi, khách hàng khen, tin cậy và xướng tên quê hương mình lên là liều Thu*c tinh thần vô giá rồi. Năm qua mưa nắng thất thường, gạo rẫy và quế cay Sa Sơn, cam ngọt Sa Sơn năng suất kém, khách đặt hàng giá cao vẫn không đủ khối lượng để giao. Vậy nhưng, có bao nhiêu giao bấy nhiêu chứ không lấy hàng từ nơi khác trộn vào. Nếu ai trộn mà dân làng bắt được sẽ mang ra phê bình trước cộng đồng ngay.

“Buôn gian, bán lận” là những từ ngữ hoàn toàn xa lạ với các buôn làng ở Bắc Tây Nguyên. Thường trực sẵn như thói quen, cứ vài ngày, già làng Y Bốc lại đến từng nhà ở Sa Sơn nhắc nhở: Giá trị ở các sản vật đặc trưng của buôn làng này hay xã nọ còn là sự chân thật của người làm ra nó. Hãy mãi giữ lấy điều này để tạo niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng.

Từ các buôn làng, nhiều sản vật tỏa đi khắp các vùng miền.

Bền bỉ khích lệ sự chăm chỉ và tinh thần sáng tạo của cộng đồng các dân tộc trong xã, ông Rơ Mah Nhơn, Chủ tịch UBND xã Ya Tăng tự hào: Sự hồn hậu, chất phác bám rễ trong mỗi người nên đa số đều thật bụng lắm. Không ai nói dối bao giờ. Vậy nên khách hàng từ nhiều vùng miền khác nhau đến đây tìm mua các sản phẩm đặc trưng của xã họ rất thích thú. Hơn một tháng trước, xã cũng đã tiến hành đưa các sản vật như: Chuối rừng, mật nhân, chanh dây... Tất cả đều là hàng sạch của các làng xuống trung tâm huyện trưng bày, giới thiệu và bán. Chọn và xây dựng một sản phẩm mũi nhọn sẽ được tiến hành sớm. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Vừa trở về sau chuyến xuống núi đầu tiên, A Tiến và hàng chục nông dân khác ở xã Ya Xiêr lại tất bật đi khai thác đặc sản. Tiến khoe rằng: Đầu năm phải đi để lấy may. Mọc ven rừng, dọc đồi lại được sơ chế, phơi phóng hoàn toàn tự nhiên dưới nắng trời nên chuối hột rừng khô mang thương hiệu Ya Xiêr, Ya Tăng có hương vị rất đặc biệt hiếm nơi nào có được. Khách từ tận Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh... cũng liên tục điện thoại đặt hàng, hứa hẹn suốt năm 2019 sung túc.

Từ khách hàng trở thành đại lý thu mua, ông Lê Văn Chinh ở TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vui mừng nhận định và dự báo: Chất lượng đã giúp các sản phẩm đặc trưng của núi rừng, làng xã trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum ngày càng được ưa chuộng. Lượng tiêu thụ ngày càng nhiều và người sử dụng cũng rất tinh ý, ví dụ, nếu sản phẩm: Chuối hột rừng, gạo rẫy... mà không phải thực sự lấy từ rừng, rẫy sẽ bị phát hiện ngay. Thế nên, ngay cả các điểm thu mua lớn cũng phải cam kết buôn thật, bán thật. Trước đây từng có thương lái trộn lẫn gạo thường vào gạo rẫy, bị lộ đã phải nghỉ kinh doanh. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã có gần 200 đơn đặt hàng gửi về, cửa hàng tích cực đi thu gom thì đồng nghĩa hàng ngàn hộ dân sẽ no ấm hơn nhờ các sản vật của chính làng mình. Điều thuận lợi nữa là hầu hết người dân đã có điện thoại nên khi có hàng cần bán chỉ cần gọi là có người đến thu mua ngay, không phải chờ đợi như trước.

Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/hang-sach-tu-lang-n155297.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY