Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Hiểm họa khôn lường nếu không bảo vệ nhân viên y tế

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có những chia sẻ về biện pháp bảo vệ nhân viên y tế giữa làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19.

alobacsi BS Trương Hữu KhanhHiệp sĩ chống dịch - BS Trương Hữu Khanh

Thưa bác sĩ,

1. Trong mùa dịch COVID-19, nhân viên y tế nói chung và khoa Nhiễm nói riêng sẽ đối mặt với những khó khăn nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Đầu tiên, đó là áp lực về cách ly. Có 2 nhóm phải cách ly: chưa có kết quả xét nghiệm, và có kết quả dương tính rồi, cả 2 nhóm đều có áp lực riêng. Trong đó có áp lực về tâm lý, áp lực khi người khác nhìn vào khoa Nhiễm, áp lực từ những nơi khác muốn chuyển vào khoa Nhiễm. Phải có sự điều phối và chia sẻ thì mới giúp giảm những áp lực này được.

Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện tại không trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhưng đặc trưng của bệnh viện nhi là nếu một em bé bị bệnh, nhà ở TPHCM thường chỉ 1 người nuôi, còn nếu nhà ở tỉnh thì nhiều người đi nuôi.

Nếu em bé bị cách ly, việc bố trí chỗ ở và giải thích cho người nhà cũng vất vả. Khi họ có triệu chứng và vừa mới xét nghiệm là họ đòi hỏi phải nhanh chóng có kết quả. Y bác sĩ thường xuyên bị thân nhân bệnh nhân la mắng và đòi hỏi nhiều thứ.

2. Trong bệnh viện, những khoa phòng nào có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Tất cả các khoa đều có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 nhưng thông thường khoa Nhiễm ít bị lây nhất, vì họ biết cần làm gì trong môi trường của họ. Khoa hô hấp nguy cơ cũng tương đối nhiều hơn. Còn lại thì khoa nào càng lơ là càng dễ bị lây.

Nguy cơ cao nhất đến từ người thăm bệnh chứ không phải bệnh nhân, bởi vì bệnh nhân ít di chuyển và khi đối diện với bệnh nhân, bác sĩ đã chuẩn bị tư thế phòng bệnh (khẩu trang, nón che mặt, rửa tay). Nhưng người thăm bệnh thì không tiếp cận với bác sĩ và họ di chuyển rất nhiều. Do đó khoa nào có đông người thăm bệnh mà lơ là thì nguy cơ lây rất cao.

Khoa gặp nhiều nguy hiểm nhất là khoa có nhiều bệnh nhân nặng, nếu virus rơi vào người bệnh nặng thì họ tiềm tàng virus rất lâu rồi phát tán ra môi trường xung quanh. Phòng bệnh nặng lại là phòng kín, bật máy lạnh nhiều nên lây càng dữ. Sẽ lây cho những người đến thăm, lây cho bệnh nhân khác…

Cho nên phải kiểm soát: bệnh nhân này một người nuôi hay không cần nuôi, một người thăm hay không được thăm… nếu không kiểm soát chặt chẽ thì chỉ cần 1 người mang vi khuẩn, virus vào sẽ lây cho nguyên cả khoa, khi các bác sĩ đi tới lui hội chẩn sẽ lan qua các khoa kế bên, rồi lan tràn ra cả bệnh viện.

3. Nhân viên y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được cách ly tại đâu? Ảnh hưởng đến khoa như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Hiện nay mỗi bệnh viện phải dự trù sẵn một khu để khi cần sẽ giải tỏa khu đó cho nhân viên y tế ở lại cách ly. thậm chí những nhân viên trực tiếp chăm sóc bệnh nhân covid-19 dù chưa bị nhiễm cũng phải ở lại bệnh viện, tránh tiếp xúc với bên ngoài.

Nếu không bố trí được như vậy, không tổ chức phòng ngừa tốt thì khi 1 nhân viên y tế bị lây sars-cov-2 sẽ kéo theo cả khoa phải cách ly, bệnh viện sẽ không đủ nhân lực để chăm sóc bệnh nhân.

Theo phương án của bộ y tế thì các bệnh viện sẽ bố trí đội dự bị, để khi đội này bị nhiễm bệnh và đi cách ly thì đội khác thay thế.

4. Một số nhân viên y tế của khoa Nhiễm gặp phải sự kỳ thị của người xung quanh, việc này đã được cải thiện chưa ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Sự kỳ thị này không chỉ đến từ bên ngoài mà ngay trong bệnh viện nếu các đồng nghiệp hiểu không đúng thì nhân viên của khoa nhiễm cũng bị kỳ thị. có khi họ về nhà không được vào nhà mà bị đề nghị ra khách sạn ở, bị hàng xóm và khu trọ tẩy chay… nhưng những điều này về lâu dài sẽ giảm đi thôi, khi mọi người hiểu rõ công việc nhân viên khoa nhiễm.

Nhân viên khoa nhiễm làm việc trong môi trường đặc trưng và biết tuân thủ tốt biện pháp bảo vệ thì bản thân họ còn an toàn hơn người đi ngoài đường mà không đeo khẩu trang.

Bộ y tế cũng đã có chủ trương những nhân viên chăm sóc trực tiếp bệnh nhân covid-19 sẽ được bố trí một khu vực riêng để họ ở đó và cách ly 14 ngày.

5. Về việc kê khai y tế, có tình trạng giấu giếm lịch trình hoặc kê khống để được xét nghiệm, gây khó khăn gì cho công tác phòng chống dịch?

BS Trương Hữu Khanh:

Những hành động này rất nguy hiểm.

Nếu giấu lịch trình để không đi cách ly, chẳng may mình bị bệnh thì người lãnh hậu quả đầu tiên là gia đình mình, nhất là trong nhà có người có yếu tố nguy cơ (cao tuổi, bệnh nền…) và có thể trả giá bằng mạng sống. Và khi mình bị bệnh người ta cũng truy ra chứ không bao giờ giấu được, ngoại trừ trường hợp mình tự khỏi bệnh, nhưng lúc đó cũng đã lây cho người nhà rồi.

Còn việc kê khống để được xét nghiệm càng nguy hiểm nữa. Bởi vì nếu xét nghiệm âm tính thì mình ỷ y. Đặc biệt, nếu kê khống mà có triệu chứng lâm sàng thì phải đi cách ly, mọi công việc làm ăn sẽ bị đình trệ, gia đình và cơ quan cũng bị ảnh hưởng vì vào diện F1, F2...

6. Hiện nay có rất nhiều người muốn chung sức cùng nhân viên y tế chống dịch. Xin BS cho biết nên hành động như thế nào là hợp lý?

BS Trương Hữu Khanh:

Đầu tiên là ý thức của mình, phải tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay, khai báo y tế trung thực.

Thứ hai là chúng ta có thể hỗ trợ ngành y tế bằng việc đóng góp cho các mặt trận tổ quốc, phòng công tác xã hội tại các bệnh viện, hoặc lập các nhóm vận động để hỗ trợ về tinh thần, vật chất (dụng cụ sử dụng, thực phẩm, nhu yếu phẩm)…

Điều quan trọng nhất đối với chúng ta hiện nay là không biết người đối diện mình có mang mầm bệnh hay không? Cũng chưa thể biết trong cơ thể mình có mang mầm bệnh hay không? Do đó việc ngăn ngừa mầm bệnh “nhảy” từ người này qua người khác là đeo khẩu trang và rửa tay.

Đối với người bệnh nặng đang điều trị trong bệnh viện thì bản thân họ và cơ sở y tế phải tăng cường bảo vệ bệnh nhân đó bằng cách hạn chế thăm nuôi, tuân thủ tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, từ người nhà, từ người bệnh cho tới nhân viên y tế. biện pháp tốt nhất vẫn là hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang và rửa tay.

Còn đối với người bị bệnh mạn tính trong cộng đồng thì phải xác định lại trong thời điểm này mình có nên đi khám bệnh hay không, có thể thay thế việc đi khám bằng cách tư vấn qua điện thoại, tư vấn online, sử dụng toa tiếp theo… nhưng cũng không được lơ là, phải đi khám nếu có triệu chứng nặng. còn nếu hiện tại không có chỉ định dùng Thu*c thì nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục, hạn chế đi lại. và người thân trong nhà có trách nhiệm bảo vệ những người có bệnh mạn tính này bằng cách mang khẩu trang khi ra ngoài, về tới nhà thì rửa tay, thay quần áo, bảo đảm loại bỏ các nguồn lây thì mới tiếp xúc với người nhà.

Nếu chúng ta cùng làm như vậy, nguồn bệnh sẽ ngừng lại, không lây nữa, và tự tiêu đi, cho tới khi chúng ta có vắc xin.

BS Trương Hữu Khanh

Xin cảm ơn bác sĩ!

Hồng Nhung, Lê Bình


Nguồn: Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Lần cập nhật cuối: 16:43 04/09/2020 GMT 7
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (https://alobacsi.com/hiem-hoa-khon-luong-neu-khong-bao-ve-nhan-vien-y-te-n411566.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY