Tâm linh hôm nay

Hoằng pháp với trách nhiệm trong quốc sách giáo dục

“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích” tức là “trong nhà có báu thôi tìm kiếm”, báu ngọc luôn sẵn dành, nhưng chúng ta không sử dụng được bởi lẽ cứ chạy ra ngoài mà quên mất. Vì vậy, xây dựng con đường hoằng pháp - một quốc sách giáo dục không thể thiếu vắng Phật tâm của mọi người. Quay về Phật tâm chính là nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, từ đó phát triển thành biết bao lợi ích cho đất nước, cho con người.

Kính bạch Chư tôn đức,

Kính thưa chư Quý vị,

Trước và trên hết, chúng con xin cung kính đảnh lễ Chư tôn đức, chúng tôi xin kính lời chào mừng toàn thể quý lãnh đạo chính quyền các cấp, quý học giả, nhà nghiên cứu, nhân sĩ tri thức, cùng toàn thể hội chúng hiện diện trong Đại hội hôm nay. Chúc quý vị an lạc tự tâm, bản hoài như ý.

Hơn 26 thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh hoa ưu đàm bừng nở trong vườn Lâm Tỳ Ni để vui mừng chào đón một đức Phật ra đời. Hoa không chỉ nở trong vườn, mà đã nở trên mọi nẻo đường của sự sống, khi sự sáng của Phật đã soi chiếu ra muôn vàn lợi lạc cho quần sinh. Mặc dù vẫn không tránh khỏi những thế lực vô minh cố chấp ngăn đe; nhưng hạt giống từ bi trí tuệ của Ngài đã gieo trồng trên lưu vực sông Hằng năm xưa, nay vẫn mọc lên tươi tốt khắp nơi; càng ngày càng được con người công nhận là đạo của tình thương, hòa bình, sáng suốt.

Điểm qua lịch sử dân tộc Việt Nam, đã biết đón chào đạo Phật từ thuở bình minh dựng nước và khôn khéo ứng dụng giáo lý Phật đà trong công cuộc giữ nước an dân. Vì vậy hoằng dương Phật pháp không phải là việc làm mới mẻ, mà là sự tiếp nối truyền thống của tiền nhân. Nhất là trong bối cảnh hiện tình đất nước, sự tiếp nối này phải thức thời, kịp lúc để khôi phục và tôn vinh nếp sống đạo đức của dân tộc; tạo nền cơ bản cho công cuộc mở cửa hội nhập với thế giới năm châu.

Dân tộc Việt Nam đã có một quá trình dựng nước lâu dài, đã viết nên những trang sử giữ nước hào hùng, nhờ có một bản sắc văn hóa đặc thù, một nền tảng đạo đức sáng trong, trong đó đạo Phật đã đóng một vai trò then chốt chủ đạo. Lịch sử vàng son như thế, thì không lý gì ngày nay chúng ta phải bối rối trước những vấn nạn xã hội của thời mở cửa?

Xin kính bạch trình lên Đại hội hôm nay một số ý kiến khái quát, kính mong Chư tôn đức và các bậc cao minh thẩm xét chỉ giáo:

Muốn xây dựng nền tảng đạo đức đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta phải quan tâm đến quốc sách giáo dục. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nên việc xây dựng con người thông qua giáo dục đã được đầu tư để tạo ra nguồn tài nguyên trí tuệ góp phần cho việc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Việt hơn 4000 năm văn hiến. Ngày nay lãnh đạo nước nhà đã tiếp nối truyền thống cha ông với chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong quá trình phát triển đất nước phồn thịnh, mạnh giàu và sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Giáo dục được xem là một nền tảng thiết yếu trong chí hướng giữ nước, xây dựng nội lực toàn dân để gìn giữ giá trị văn hiến, nâng cao tầm vóc của Việt Nam trong thời đại.

Nhưng trong thời gian qua, lòng người không khỏi ưu tư cho vấn đề giáo dục của nước nhà; khi hiện cảnh hiển bày những vấn đề không mấy tích cực trong đạo đức, lối sống, quan điểm của chính con em chúng ta, những trăn trở của người dạy, người học được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, khiến cho những ai quan tâm không khỏi chạnh lòng, chất lượng giáo dục, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường tiếp tục là những bài toán mà các giới chức, thành phần tri thức xã hội đang cùng nhau chia sẻ.

Trước thực trạng chưa hoàn chỉnh trong chương trình giáo dục, cùng với sự xâm thực ngày càng lớn của văn hóa phương Tây, quan niệm hướng ngoại ngày càng nhiều đang làm cho việc giáo dục của chúng ta đối với các thế hệ kế thừa không hề giản đơn, cộng với việc giao lưu, tiếp thu nhiều tư tưởng giáo dục trên thế giới cũng làm cho nền giáo dục nước nhà đang đứng trước nhiều câu hỏi cần phải có đáp án về mô hình ứng dụng? Về bản sắc giáo dục Việt Nam? Và nếu không khéo chúng ta sẽ rơi vào khó khăn như chính người xưa từng dạy: “Lắm thợ hư cây, lắm thầy hư bệnh”.

Kiểm qua lịch sử hoằng pháp của Phật giáo nước nhà, xin trình bày mấy điều đơn sơ qua tìm hiểu, để thắp sáng lên tư tưởng hoằng pháp - giáo dục của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Những giá trị đã một thời làm nên sự hưng thịnh cho đất nước dưới triều đại nhà Trần, mà ngày nay chúng ta cần học tập noi theo. Thông qua sử liệu, chúng ta ít thấy xuất hiện những chủ trương cụ thể trong vấn đề giáo dục, các công trình nghiên cứu về hành trạng và đạo nghiệp của Ngài cũng ít đề cập đến.

Đây là điều rất thú vị, dù không có nhưng có tất cả, bởi lẽ nếu không có những chủ trương, những chính sách cụ thể sẽ không có được một sự đồng thuận của cả dân tộc trong việc chống lại ngoại bang, phát triển đất nước, nếu Ngài không có đường lối giáo dục sẽ không thể đưa cả dân tộc đi lên. Và đâu là chủ trương giáo dục của Ngài? Xin được trả lời: Tất cả đều ẩn tàng trong đời sống, trong tu tập, trong công hạnh hoằng pháp...của Ngài. Xin tóm lượt mấy điều như sau:

1. Xây dựng nền giáo dục không khoa trương

Sự nghiệp giáo dục của nước nhà bắt đầu đi vào bài bản từ Lý triều với việc xây dựng Văn Miếu, có chế độ thi cử, tuyển trạch, bổ nhiệm nhân sự thông qua con đường giáo dục. Đến thời kỳ lãnh đạo của Phật hoàng, Ngài cũng tiếp nối nhưng không khoa trương về mặt hình thức; trường học vẫn duy trì, thi cử vẫn tiếp tục, nhưng giáo dục lại đi vào trong đời sống của nhân quần xã hội, đi vào trong từng tấm lòng của người dân bằng những hội nghị, những pháp hội, những đàn tràng để từ đó mà tư tưởng đạo đức thấm sâu, tinh thần dân tộc trải rộng trong toàn dân.

Điều này đã chuyển hóa mỗi con người của thời đại đó một cách hữu hiệu, để tất cả đồng lòng cho non sông Đại Việt với đầy đủ các thành phần xã hội như: Dòng dõi thân vương có Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Trung,… những người dân thường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái,… những nô tỳ như Yết Kiêu, Dã Tượng,.. tuổi trẻ của Trần Quốc Toản, những bô lão với tiếng hô “quyết chiến”, những người dân tộc như Hà Đặc, Hà Chương, còn có cả sự góp mặt của Hứa Tông Đạo một đạo sĩ nước ngoài hay một Trương Hiển là tướng của kẻ thù,… Như thế, nếu không có những phương pháp giáo dục hữu hiệu thì làm sao chuyển hóa được lòng người, làm sao làm nên được sức mạnh Đại Việt, làm nên hào khí Đông Á.

2. Lấy Phật giáo làm nền tảng giáo dục

Đạo Phật ra đời vì chúng sanh mà phụng sự, cứu nhân quần thoát khỏi biển khổ, sông mê. Lìa tham ái để được an vui trong cuộc sống, xóa màn vô minh để đưa con người đến bến bờ giải thoát; cuộc đời đức Phật đã thể hiện trọn vẹn tinh thần đó, Tam tạng Kinh điển của Phật đã là những bài Thu*c báu để cứu khổ độ sanh. Chân lý giải thoát, giác ngộ đã đến với dân tộc Việt Nam, các vị vua đời Trần đã tiếp nhận tinh thần Phật giáo và xây dựng đất nước bằng Phật pháp, thể hiện đầy đủ 3 đức đó là: Bi - Trí - Dũng trong công cuộc giữ nước. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tiếp nối lịch đại tiên đế trong việc tu tập và lấy Phật pháp làm kim chỉ nam trong việc chăn dân trị nước. Nếu không có Bi - Trí - Dũng thì làm sao có được những bài học chăn dân trị nước lưu truyền đến ngàn sau như trường hợp: Hoàng Cự Đà không ăn được quả xoài hay chuyện vua Thánh Tông đốt tài liệu xin hàng của các quan, đến một Hội nghị Diên Hồng quy tụ các bô lão trong toàn dân để nêu cao sĩ khí nước Nam.

Và còn hình ảnh vua Trần Nhân Tông xuất gia tu học, sáng tỏ chân tâm khi xuống núi hóa đạo, phá bỏ dâm từ, chuyển hóa chúng sanh hồi đầu hành thiện, khuyến tấn vua quan, tôn thân hoàng tộc, nhân dân cùng thọ thập thiện, cùng tu Bồ Tát hạnh. Tất cả đã làm nên một đất nước thái bình, giữ yên được bờ cõi trước sức mạnh như vũ bão của quân Nguyên đã chinh phục nhiều nước lớn trên thế giới.

Tinh thần giáo dục ở đây không phải đưa Phật giáo lên vị trí độc tôn, mà là biết lấy tư tưởng nhập thế của Phật giáo mà ứng dụng vào cuộc đời, lấy giáo lý Phật đà để làm nội lực cho dân tộc, cho việc xây dựng nên con người Đại Việt, liên kết nhân tâm. Để làm được điều này thì yếu tố quyết định đó chính là sự tu tập, giác ngộ giáo lý nhà Phật của vua quan triều Trần, họ là những phật tử chân chính với tâm nguyện phụng sự đạo pháp và phụng sự dân tộc.

3. Giáo dục tinh thần dân tộc

Tinh thần dân tộc luôn thể hiện trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của vua Trần Nhân Tông, lấy lập trường dân tộc, tinh thần vì dân vì nước làm mục đích hướng đến trong quá trình điều hành đất nước của Ngài. Tinh thần dân tộc mà Ngài đã thắp sáng đó chính là sự hòa hợp, hòa giải, hướng mọi người biết xóa bỏ thù hằn riêng tư để sống cho đại nghĩa quê hương, mà từ đó thù riêng của Hưng Đạo Đại vương được hóa giải để lãnh đạo quân dân chống giặc, mà đỉnh cao là thay mặt vua Trần Nhân Tông viết nên bản Hịch Tướng Sĩ văn, khơi lên truyền thống, tinh thần chống giặc của dân tộc Đại Việt.

Một tinh thần vì dân tộc được giáo dục trong toàn dân mà không hề có sự phân biệt giai cấp, trẻ già, gái trai, tất cả người người, nhà nhà đều sống và thể hiện tinh thần cao quý này như tinh thần của Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng “phá cường địch, báo hoàng ân”, và một tinh thần Huyền Trân Công chúa cất bước theo chồng cho đất nước an bình, bờ cõi mở mang.

Nếu không có một tư tưởng, một chiến lược giáo dục nghiêm túc áp dụng trong toàn dân, thì không thể nào hướng tất cả dân tộc đến sự hóa giải, hòa hợp, thâm cảm và chia sẻ cùng vua quan về vận mệnh và sự an nguy của nước nhà để rồi từ đó mà đồng lòng dẹp bỏ tình riêng, tình nhà lo cho đại cuộc quốc gia.

4. Giáo dục đời sống tri túc

Tam ái là cội nguồn để gây nên chiến tranh, đau khổ, soán đoạt lẫn nhau, làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên bất an, quốc độ chúng ta trở thành ngôi nhà lửa mà chúng ta mãi còn rong chơi, lấy khổ đau làm niềm vui, đắm trong sanh tử mà vẫn cứ thong dong. Thấy được điều đó mà Ngài đã trao cho toàn dân tộc nguồn tư lương về tinh thần tri túc. Sống trong sự biết đủ, để không đắm nhiễm là tinh thần mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ân cần khuyến tấn:

“Sống đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”

Tri túc không phải là một thái độ sống tiêu cực, mà là xây dựng một đời sống biết đủ cho bản thân mỗi con người, không để cho tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ làm chúng ta đắm nhiễm. Một khi con người không còn tham ái, ít muốn biết đủ thì sẽ có nhiều thời gian để tăng trưởng trí tuệ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước và góp phần làm đẹp cho cuộc sống xung quanh mình. Nếu người người đều biết dừng lại mọi ham muốn thì sự tranh chấp không phát khởi, sự ghen ghét không nảy sinh, tính đố kỵ tiêu tan, thủ đoạn chiếm đoạt mất hẳn, lòng thù hằn cũng không có cơ hội dấy khởi. Và khi đó, một xã hội không tranh chấp, không ghen ghét, không đố kỵ, không thủ đoạn, không chiếm đoạt, không thù hằn thì đó chính là một quốc độ thanh bình.

Ngày nay, thế giới tràn ngập tham vọng mưu tính bá quyền, tranh chấp, hơn thua trong cuộc sống khốc liệt hơn, sự ganh đua, bon chen ngày một lớn hơn,… tất cả đã đem đến cho chúng ta sự bất an; cũng do chính con người không chịu sống tri túc. Trong thực tế hôm nay, không có phép mầu nào hơn là tinh thần tri túc mới làm nên được cuộc sống an lành, nhân tâm hòa lạc, người người thương yêu nhau, biết chung sức chung lòng kiến lập quốc độ thái bình, đó cũng chính là ước nguyện lớn lao mà nhân loại luôn khao khát đạt được.

5. Giáo dục cái bất biến trước khi thực hành tùy duyên

Trong quá trình hoằng pháp, đức Phật có tuyên thuyết về tinh thần “tùy duyên bất biến”, người học Phật không ai không hiểu tinh thần này, và chính tinh thần này đã làm nên được sự diệu dụng trong quá trình đem Phật pháp đến với quần sanh. Thực tế đã cho thấy: Không phải đến nơi nào hoằng pháp, hay thực hiện một chính sách nào cũng đều thuận theo ý mình mà nó luôn có những trở ngại, chướng duyên do những vấn đề mang tính tập quán, địa phương mỗi nơi mỗi khác, trình độ của mỗi người có cao thấp không đồng, cũng như những tác động xung quanh làm trở ngại, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ cuộc. Phải luôn nỗ lực vượt qua chướng duyên thực hiện tinh thần tùy duyên với sự khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ mà hành xử nhưng không được làm thay đổi bản chất và mục đích tối hậu của mình, đó chính là cái bất biến cần giữ.

Tinh thần “tùy duyên bất biến” nếu áp dụng trong cuộc sống mà không nắm được nguyên tắc căn bản sẽ trở thành tùy tiện. Phải có được cái bất biến trước khi thực hành tùy duyên, nếu chúng ta không biết đâu là bản chất, đâu là cái phải gìn giữ, đâu là cốt lõi, đâu là mục đích tối hậu phải hướng đến mà ứng dụng tùy duyên thì chúng ta sẽ tự đánh mất chính mình, chạy theo những cái gọi là tùy duyên, thậm chí tự đánh mất luôn những tinh hoa tốt đẹp.

Đất nước Việt Nam nằm ở cửa ngõ Đông Dương, nhiều năm bị phương Bắc đô hộ nên không ít những tư tưởng, trào lưu văn hóa xâm thực vào đời sống của nhân dân. Với sự thực tu, thực chứng của đức Điều Ngự Giác Hoàng, Ngài đã nhận ra những giá trị phải giáo dục trong toàn dân, hướng cả dân tộc đến những giá trị bất biến trước khi mỗi người tùy duyên tiếp thu những vấn đề do tác động xung quanh, cái bất biến mà Ngài muốn trao truyền cho toàn dân đó chính là tinh thần Phật giáo, tinh thần dân tộc, tinh thần tri túc làm nền tảng cho mọi hành xử tùy duyên.

Kết luận

Ngày nay, nước nhà đang trong quá trình hội nhập toàn cầu sâu rộng, giáo dục luôn là điều trăn trở của toàn dân. Ngành hoằng pháp, ngành giáo dục của Phật giáo Việt Nam đang đứng trước một trách nhiệm nặng nề với dân tộc và đạo pháp. Theo thiển ý của chúng con, những vấn đề sau đây cần được Chư tôn đức hoằng pháp viên, các nhà giáo dục chia sẻ, hiểu biết để giữ vững trọng trách cao cả của mình:

1. Hiện nay việc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm đang trở thành một cao trào rầm rộ: Nhiều thiền viện được xây dựng, nhiều đạo tràng tu thiền được hình thành, các pháp thiền du nhập, trường đại học thành lập Viện Trần Nhân Tông, Lập hồ sơ tôn vinh Sơ Tổ Trúc Lâm là danh nhân văn hóa thế giới v.v...Đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo, nếu chỉ là hình thức khoa trương? Là thi đua danh lợi? Một số thông tin đây đó đã bộc lộ khiến cho người hiểu biết đau lòng, không khéo chúng ta mượn danh tổ tiên để trục lợi cho cá nhân, làm mất thêm niền tin trong một thế giới vốn đã có nhiều nghi ngờ?

2. Vua Trần Nhân Tông sau khi đại thắng quân Nguyên Mông, đã vội vàng nhường ngôi cho con để lo việc tu hành, xem địa vị, ngai vàng như dép rách. Tu hành xong lại xông pha trong công cuộc hoằng pháp để hướng dẫn nhân dân sống trong Chính pháp an lạc, cho nên Ngài có một lực lượng hoằng pháp không lời từ sự thực tu của quần chúng. Ngày nay mỗi hoằng pháp viên chúng ta có được sự trợ duyên này hay không?

3. Chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”, Sơ tổ Trúc Lâm đã thể hiện tinh thần dân tộc là trên hết. Không vì các hệ thống tư tưởng du nhập mà dân tộc Việt Nam phải chia rẽ, phải sống trong nội thù oán kết. Ngài quyết tâm sử dụng chữ Nôm để khẳng định tinh thần độc lập và chủ quyền của dân tộc, nối kết bao nguyện ước của nhân dân trong phương tiện trao đổi hằng ngày.

Trong khi đó, ngày nay chúng ta đang trong thời đại phương tiện truyền thông phong phú, mà vẫn để cho phần lớn phật tử và giới trẻ xa lạ với giáo lý Phật Đà vì không đọc được chữ Hán. Và tại nơi tôn nghiêm thờ Phật, toàn là hoành phi câu đối chữ Trung Quốc, cho dù ẩn chứa những tư tưởng siêu việt thì mấy ai đã đọc được. Nếu là người Trung Quốc, họ sẽ tự hào là chùa của họ trên đất Việt Nam?

4. Sơ Tổ Trúc Lâm đã dụng công tu hành viên mãn, xong mới khởi nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Ngày nay do hoàn cảnh phát triển, chúng ta đã khẩn trương đào tạo để đáp ứng nhu cầu cơ cấu nhân sự, do đó việc học đã hơn hẳn việc tu. Đã đến lúc cần điều chỉnh lại phương pháp đào tạo, học gắn liền với tu, cần có môi trường dành cho hoằng pháp viên về tịnh tu nhập thất sau thời gian bôn ba công tác. Mở rộng các Phân ban Hoằng pháp chuyên trách pháp môn, để đáp ứng nhu cầu hoằng pháp cho các khóa chuyên tu.

Chúng con xin phép được trích lại lời dạy của Sơ Tổ Trúc Lâm: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích” tức là “trong nhà có báu thôi tìm kiếm”, báu ngọc luôn sẵn dành, nhưng chúng ta không sử dụng được bởi lẽ cứ chạy ra ngoài mà quên mất. Vì vậy, xây dựng con đường hoằng pháp - một quốc sách giáo dục không thể thiếu vắng Phật tâm của mọi người. Quay về Phật tâm chính là nền tảng đạo đức của dân tộc Việt Nam, từ đó phát triển thành biết bao lợi ích cho đất nước, cho con người. Chúng con xin mượn lời người xưa đã dạy để kết thúc bài tham luận: “Đạo đức còn là còn tất cả, đạo đức mất là sẽ đồng nghĩa mất tất cả”.

Thành tâm kính chúc Chư tôn đức đạo lực tinh chuyên, đạo hạnh sáng ngời, bản hoài viên mãn.

Trân trọng kính chúc chư quý vị thân tâm an lạc, gia quyến an vui, ruộng phúc thêm nhiều, đạo tâm luôn sáng.

Kính chúc Đại hội Phật giáo Việt Nam Toàn quốc kỳ VIII thành công viên mãn!

Thích Trúc Thông Phổ, Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp, Tuyên Quang

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)

PGVN

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/hoang-phap-voi-trach-nhiem-trong-quoc-sach-giao-duc-d29088.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY