Tâm sự hôm nay

“Quả bóng” trách nhiệm và đích đến cuối cùng

Về cơ bản, mỗi khi sự cố xảy ra thì người ta bắt đầu cuống lên để hỏi nhau: Tại ai??? Lúc này, quả bóng trách nhiệm sẽ được lăn đi khắp sân. Nó giống như một thứ bùa tà mà đến gần ai cũng bị xua đuổi, cố gắng đẩy nó đi thật xa mình: “Tôi không có liên quan gì tới chuyện này!”.
Về cơ bản, mỗi khi sự cố xảy ra thì người ta bắt đầu cuống lên để hỏi nhau: Tại ai??? Lúc này, quả bóng trách nhiệm sẽ được lăn đi khắp sân. Nó giống như một thứ bùa tà mà đến gần ai cũng bị xua đuổi, cố gắng đẩy nó đi thật xa mình: “Tôi không có liên quan gì tới chuyện này!”.
Hôm nay vẫn như những ngày qua, tôi trăn trở về những gì xảy đến với ngành, đau lòng trước số phận nạn nhân, trước một câu chuyện đời của người đồng nghiệp, trước những công kích mạnh mẽ của báo giới và một bộ phận dư luận, trước những chất vấn mang tính “ăn thua” của các ông bà nghị dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế - người đại diện cho ngành Y Việt Nam hiện nay.
Nhưng đau đớn mấy thì cũng phải tiếp tục viết ra những dòng này để phân tích về sự đưa đẩy. Vì sao một con người hiền lành lại có thể đi tới kết cục đau thương như vậy?
Trước khi bắt đầu, có lẽ tất cả hãy cùng thay đổi một chút về cách tiếp cận vấn đề, thay vì cho rằng: “Tôi không liên quan đến chuyện này”, tất cả chúng ta hãy cho rằng “Tôi liên quan đến chuyện này” (cái này tôi tạm gọi là giả thuyết ban đầu).
Bây giờ, tôi xin chứng minh “giả thuyết ban đầu” là đúng với đa số chúng ta, những con người Việt Nam.
trách nhiệm lớn nhất trong chuyện này, rõ ràng thuộc về cá nhân anh Tường. Điều này xét về lý thì đã được cơ quan chức năng khẳng định bằng việc khởi tố anh; về tình thì đã được thể hiện bởi dư luận trong và ngoài ngành suốt mấy ngày qua. Anh đã là một người trưởng thành và có đầy đủ quyền công dân. Khi anh phạm luật nhà nước và luật ngành thì đương nhiên trách nhiệm đó anh phải nhận. Tuy nhiên có vẻ chúng ta không phải lo lắng đẩy phần trách nhiệm này đi đâu vì có vẻ anh Tường đã hối hận và nhận tội (dù là muộn màng). Việc tiếp theo là “tốc váy” tìm kiếm xem, ai là người nấp trong đống rơm?
trách nhiệm liên đới đầu tiên hẳn nhiên thuộc về hệ thống quản lý Y tế và các cơ quan chức năng. Ở đây chúng ta đều hiểu rằng, một người con của ngành đã lạc lối, vậy thì là bậc cha mẹ, chúng ta đã có lỗi với xã hội. Hơn nữa, Bộ Y tế có trách nhiệm trước hết vì đã không giành được khoản ngân sách phù hợp trong cơ cấu ngân sách của chính phủ để đảm bảo cho một cuộc sống mà đáng lẽ “không cần giàu, chỉ cần đủ sống và được khám chữa bệnh cho người dân” của cán bộ Y tế. Giả thuyết đặt ra là nếu anh Tường đủ sống thì sẽ không dẫn đến tình trạng “bất chấp pháp luật” mở cơ sở kinh doanh bên ngoài, hành nghề trái phép để kiếm tiền. Sở Y tế có trách nhiệm vì sai phạm diễn ra trong địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên dù bà Bộ Trưởng, ông Giám đốc Sở hay vài chục ông thanh tra có ba đầu sáu tay đến đâu cũng không thể moi ra hết được ngóc ngách trong ngành. Trong nghiên cứu khoa học, có những nghiên cứu mà phải nhiều năm sau người ta mới chứng minh được đó là số liệu ma, một khi tác giả rắp tâm bịa số liệu. Trong bất kể ngành nghề nào cũng vậy, khi đã bất chấp thì khó có thể cản được. Chỉ có điều, các nhà quản lý đã phát hiện ra sự việc quá muộn. Vậy thì vì sao chưa được Sở cấp phép mà thẩm mỹ viện Cát Tường đã ngang nhiên hoạt động? Thật thú vị là công an kinh tế và thanh tra kinh tế quận Hai Bà Trưng không thấy được nhắc đến? Một sự chéo cánh không hợp lý là cơ quan hành chính nhà nước cấp phép kinh doanh trong khi cơ quan quản lý ngành dọc cấp phép hành nghề. Vậy là khi chưa cấp phép hành nghề thì ông thanh tra Y tế đương nhiên sẽ chưa đưa vào danh sách kiểm tra, trong khi một cơ sở kinh doanh mọc lên ở Phường anh mà các bác quản lý tại Phường không đi kiểm tra? Hoặc đã đi kiểm tra nhưng không kiểm tra hết, chỉ sờ đến giấy phép kinh doanh. Vậy là tận dụng kẽ hở này, thẩm mỹ viện đã đi trước một bước hòng thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu.
Như vậy nếu phân tích kỹ thì còn nhiều trách nhiệm liên đới và chúng ta nên thấy rằng, đây là lỗ hổng hệ thống và các nhà quản lý phải có trách nhiệm bít lại. Vấn đề đặt ra là: Nếu như có hai nơi cấp phép mà trách nhiệm thanh tra kiểm tra đặt ở một nơi và không rõ ràng thì sẽ dẫn đến hậu quả như vậy. Tôi xin đưa một ví dụ đơn giản của các bạn du học sinh khi trốn vé tàu: Nếu có một người soát vé thì thường khó thoát tội, nhưng nếu có hai người soát vé thì tôi sẽ tiến đến người thứ nhất mà nói rằng: “Người thứ hai soát rồi”, sau đó quay lại người thứ hai mà nói rằng “Người thứ nhất vừa soát xong”.
Một lỗ hổng trong sự việc này đó chính là mô hình “thẩm mỹ viện” chưa được định hình rõ ràng trong suy nghĩ của người dân, do vậy dẫn đến việc cả tin mà đăng ký thực hiện phẫu thuật. Chúng ta có trách nhiệm khi không nói cho người dân hiểu rằng: bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ tai biến dù rất nhỏ, do vậy phải được thực hiện tại cơ sở y tế có trang bị đầy đủ các hệ thống cấp cứu, đó là các bệnh viện lớn. Nếu như mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái thì họ sẽ không lựa chọn tiến hành các cuộc phẫu thuật ở các cơ sở y tế cấp phòng khám bởi điều đó là nguy hiểm. Câu hỏi cần trả lời là giả sử Sở Y tế cấp phép rồi, anh Tường có đủ tiêu chuẩn mở thẩm mỹ viện, thì thẩm mỹ viện cũng không được phép thực hiện cuộc phẫu thuật đó. Đây cũng là bài toán cần giải đáp, bởi anh Tường đã muốn làm thì anh ta chỉ cần đóng cửa phòng, thực hiện phẫu thuật trong đó và ở ngoài thì không ai biết anh ta làm gì. Trong trường hợp này, công tác thanh tra kiểm tra trở nên bế tắc, song không phải không có giải pháp. Nếu như khách hàng tỉnh táo và biết được với quy mô đó, họ không được phép tiến hành phẫu thuật thì họ sẽ không đăng ký làm. Như vậy giáo dục tốt cho khách hàng sẽ giúp tránh được các tình huống tương tự. Thứ hai là, để thông tin về dịch vụ này đến được với khách hàng thì ắt phải có kênh truyền thông. Ở đây sau khi lần ra dấu vết thì phát hiện ra, một tờ báo tiến hành nhiều bài phản đối và lên án anh Tường nhất, lại chính là tờ báo trước đây có đăng tin quảng cáo về dịch vụ của thẩm mỹ viện này. Đương nhiên đó chính là lỗ hổng khi các báo mạng chạy theo các hợp đồng quảng cáo mà không kiểm tra kỹ tính hợp pháp của quảng cáo đó, từ đây gây khó khăn cho công tác quản lý.
Bây giờ đến các trách nhiệm rộng hơn, đó là các trách nhiệm gián tiếp
Chúng ta là một đất nước anh hùng. Điều này đã được lịch sử chứng minh. Trong muôn ngàn cuộc đấu tranh của lịch sử dân tộc, thì cuộc chiến chống lại đế quốc Mỹ đã gây tổn thất lớn nhất, không chỉ người và của mà còn là tổn hại đến nòi giống, do các động của chất độc màu da cam. Tại Hà Nội nếu ai muốn đến chứng kiến những hậu quả dài vô tận của chất độc da cam thì có thể tham quan làng trẻ Hữu Nghị. Đa số các trẻ bất thường do chất độc da cam là đời sau của những người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Các anh bộ đội sau khi ra khỏi chiến trường mang trong mình chất độc đáng sợ kia trở về làng quê. Bố của anh Tường là một trong số đó. May mắn cho anh Tường vì anh là sản phẩm của một chuyến nghỉ phép, bởi vậy anh khỏe mạnh và bình thường, khác với đứa em của anh. Và bởi vì là con trai cả, duy nhất, nên khi cha mất, mẹ yếu, đương nhiên anh là trụ cột của gia đình và phải chịu sức ép tài chính. Vậy thì trách nhiệm gián tiếp xa nhất thuộc về Đế Quốc Mỹ. Chính các ông là người đã khiến bố anh Tường trở về với chất độc trong người và sự ốm đau bệnh tật. Hoàn cảnh xô đẩy, anh ta buộc phải trở thành trụ cột của gia đình, buộc phải tìm mọi cách mà kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của những người khác, bao gồm mẹ và các em. Áp lực đó khiến anh ta ngày một liều lĩnh hơn với những cơ hội kiếm tiền rồi dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.
Anh Tường lớn lên trong môi trường làng quê ở Hà Nam, hẳn nhiên rất phù hợp với tính cách và con người của anh ta, hiền lành và chăm chỉ. Tính cách ấy trong mắt mọi người thật tuyệt vời, bởi lẽ ai cũng quý mến sự gần gũi, cần cù và tốt bụng. Tính cách ấy có vẻ cũng phù hợp với ngành Y vì “lương y phải như từ mẫu”. Tuy nhiên, thật không may là ngoài việc phải luôn rèn rũa sự nhân hậu trong môi trường khắc nghiệt, nhân viên Y tế còn phải có “một trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Trái tim nóng để yêu thương, còn cái đầu lạnh để tỉnh táo giải quyết tình huống. Ở đây, anh Tường rất tiếc vì chưa đủ yêu thương trong trái tim để nghĩ cho người bệnh trong tình huống đó, lại chưa đủ tỉnh táo để tuân thủ đúng theo pháp luật, thành ra mới gây chuyện tày trời này. Vậy thì chúng ta có thể quy trách nhiệm gián tiếp cho huyện Lý Nhân, Hà Nam, nơi đã nuôi dưỡng và hình thành tính cách của anh Tường. Yêu thương và bản lĩnh phải được rèn rũa từ thuở bé, bằng không lớn lên rồi khó mà thay đổi được. Anh Tường mới chỉ đủ yêu thương để bước vào ngành Y mà chưa đủ để yêu nó đến cùng cái sự nghiệp mà theo như đồng nghiệp của tôi mô tả, đó là sự nghiệp “hít khí trời để cứu người”.
Anh Tường được học tập, đào tạo và làm việc trong ngành Y, như vậy hiển nhiên trách nhiệm của ngành Y tế là rõ ràng. Chúng tôi, những người đồng nghiệp của anh đều có trách nhiệm chung vì còn hạn chế trong công tác chuyên môn mà chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả nhất với sốc phản vệ hay tai biến phẫu thuật. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm vì mỗi khi được học về sốc phản vệ hay tai biến phẫu thuật thì ai cũng chỉ ngán ngẩm nhìn nhau mà cầu rằng trong Y nghiệp của mình không gặp phải. Đáng lẽ thay vì như thế, chúng tôi nên dừng tất cả các hoạt động chuyên môn có nguy cơ tai biến cho người bệnh dù xác suất là một phần vài triệu. Hoặc chúng tôi phải quyết tâm mà nghiên cứu ra giải pháp tuyệt đối không có nguy cơ. Nhưng rất tiếc, các đồng nghiệp của chúng tôi bên Mỹ, bên Pháp cũng không sáng sủa hơn gì. Sốc và các tai biến phẫu thuật vẫn hiện hữu trong Y khoa dù với một tỷ lệ rất rất nhỏ, bởi một lẽ, ngành Y là ngành “không bao giờ là 100%”. Và cũng chính vì lo sợ điều gở nên chúng tôi đã không bảo nhau phải cư xử ra sao khi hồn vía đã lên mây còn người bệnh thì đã mất. Vậy thì chúng ta có thể quy trách nhiệm cho 344.876 cán bộ Y tế. Rõ ràng ngành Y tế đã không biết bảo ban nhau cho tốt, không biết chia sẻ kinh nghiệm với nhau về kỹ năng xử lý tình huống “khủng hoảng”, để cho sự việc đáng tiếc xảy ra.
Một xã hội phát triển luôn phải có những con tàu định hướng văn hóa và lối sống cho người dân. Ngành Y chắc chắn không phải là nơi anh Tường nghĩ ra cách thủ tiêu chứng cứ của một hoạt động hành nghề phi pháp. Ở thời điểm đó, ai là người đã mách nước cho anh Tường làm như vậy? Không phải ai khác, chính là định hướng hành xử xã hội của chúng ta đã mách bảo anh ta làm vậy. Nói một cách cụ thể hơn, một đất nước có được sự định hình về văn hóa và lối sống là một đất nước có truyền thông phát triển và chuẩn mực, và công cụ chính của truyền thông, không may, lại là báo giấy, báo mạng, báo tiếng và báo hình. Chúng ta hàng ngày đang sống trong một thế giới mà có thể ngồi một chỗ để biết được xung quanh ta diễn ra thế nào. Chính vì niềm tin và hành xử xã hội được hình thành ở mỗi con người xuất phát từ những thông tin ghi nhận được mà vai trò của báo chí trong một xã hội là rất quan trọng. Bây giờ chúng ta có thể làm một cuộc thăm dò niềm tin, xem rằng có bao nhiêu người đã mất niềm tin vào báo chí, khi mà có đến 80-90% lượng tin bài thiếu chất lượng, sử dụng từ ngữ mang tính phóng đại, suy diễn, khi mà ấn tượng để lại của các trang báo là “cướp, giết, hiếp”, thì ai còn tin vào cái xã hội chúng ta đang sống? Nếu như các bậc cha mẹ, tức các nhà quản lý cấp nhà nước, muốn dạy dỗ các con mình, tức người dân, theo đúng mong muốn, thì xin hãy đi thay ngay cái băng đài vẫn ngày ngày ra rả “cướp, giết, hiếp” vào tai các con, để rồi một ngày kia, người ta hành động theo những gì mà định hướng hành xử xã hội mách bảo chứ không theo niềm tin vào pháp luật. Mặc dù vẫn còn những nhà báo giỏi, có tâm, có tầm, song hình như đây mới là ngành đáng báo động về tỷ lệ “sâu/người nông dân”. Vậy thì trách nhiệm của việc đưa ra sự gợi ý về hành động phi tang của anh Tường thuộcvề chính chúng ta, xã hội Việt Nam đương đại cùng với những định hướng hành xử xã hội mơ hồ, phóng đại, cực đoan, thiếu tính chân thực, khoa học và trí tuệ, mà trong đó, vai trò của báo chí rất quan trọng.
Cuối cùng, trách nhiệm thuộc về tất cả những ai đang bất chấp mọi thứ để thực hiện giấc mơ làm giàu, mà quên đi mất rằng, đối với mỗi ngành nghề đều cần phải giữ được đạo đức của nó. Với người nông dân, đạo đức đơn giản là chăm bón sao cho cây, quả được khỏe mạnh mà không nhiễm độc, sao cho con giống được lớn lên một cách tự nhiên mà không bệnh tật.Với ngành Điện là đảm bảo điện cho người dân sử dụng, sao cho họ không phải gánh thêm giá điện bị đội lên vì những hoạt động đầu tư ngoài ngành. Với xăng dầu là giá xăng minh bạch và lên xuống theo đúng quy luật kinh tế thế giới, chứ cứ tăng mãi mà giảm nhỏ giọt thì sức ép lên toàn xã hội sẽ rất lớn. Với mỗi con người, chúng ta hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân, chúng ta sẽ chạy theo sự giàu có trong bất ổn, trong nỗi lo lắng và những cái án treo lơ lửng, hay chúngta sống với một tư thế đàng hoàng của tâm hồn và tuân thủ luật pháp? Tất cả đừng đẩy xã hội chạy theo những giá trị ảo nữa, hãy quay về thực tại và làm tốt mỗi việc mình làm bằng cả tâm huyết và trái tim. Có như vậy mới mong tránh khỏi những bi kịch như ngày hôm nay.
Mong rằng sẽ không bao giờ còn nữa, một sự việc tương tự trong ngành Y nói riêng và trong xã hội nói chung. Mong rằng những đồng nghiệp hãy giữ vững tâm huyết với ngành và tiếp tục cống hiến. Mong rằng các bạn sinh viên Y hãy giữ vững niềm tin để tiếp tục rèn rũa “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.
Thanh Huyền
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-qua-bong-trach-nhiem-va-dich-den-cuoi-cung-8341.html)
Từ khóa: trách nhiệm

Chủ đề liên quan:

quả bóng trách nhiệm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY