Tâm sự hôm nay

Bản lĩnh và trách nhiệm thời số hóa

Kỷ nguyên kỹ thuật số đã giúp cho nền báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển về mọi mặt, cả số lượng lẫn chất lượng thông tin.
Kỷ nguyên kỹ thuật số đã giúp cho nền báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phát triển về mọi mặt, cả số lượng lẫn chất lượng thông tin. Nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt chưa từng có, làm nảy sinh những thách thức to lớn đối với báo chí, trong đó phải kể đến mạng xã hội facebook đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cách thức đưa tin truyền thống của báo chí. Một câu hỏi đặt ra, báo chí hiện đại phải ứng xử thế nào với mạng xã hội, trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của người làm báo trong thời đại kĩ thuật số sẽ được thể hiện như thế nào?

Theo thống kê của Công ty We are Social, tính đến thời điểm ngày 1/1/2015, Việt Nam có 39,8 triệu người dùng internet, 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội. Trong đó facebook hiện có khoảng 19,6 triệu tài khoản của và 24 triệu người sử dụng facebook trên di động; trung bình mỗi ngày một người tiêu tốn 3 giờ 4 phút trên mạng xã hội. Điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức người dân truy cập và sử dụng thông tin. Và chỉ trong một thời gian ngắn, những nền tảng về mặt kỹ thuật của báo chí Việt Nam cũng đã kịp thay đổi một cách toàn diện với việc ra đời và phát triển của 90 tờ báo điện tử, 1.516 trang tin điện tử tổng hợp và gần 400 mạng xã hội. Công nghệ truyền thông mang tính đột phá ngày càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người làm báo.

Với không ít các nhà báo, cạnh tranh và thách thức rất lớn đến những người làm báo hiện nay là với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật thì bất kỳ ai cũng có thể làm báo được. Việc làm báo ở đây là có thể đưa thông tin lên ngay và họ có thể tiếp cận đối tượng rất nhanh. Tuy nhiên bên cạnh những tin bài tốt thì còn nhiều người lợi dụng công nghệ, trang mạng để đạt được mục đích của mình

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự đã thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang về hành vi sử dụng mạng xã hội facebook với nick name Huyen Nguyen, Tuyết Anh Trần để đăng các bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Điều đáng nói là đã có rất nhiều trang mạng điện tử xào xáo thông tin từ facebook của Trần Thị Hương Giang, khiến dư luận không biết đâu là thông tin đúng, đâu là tin sai sự thật.

Ở đây, thông tin trên mạng là ẩn danh và không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, cho nên đó là những thông tin không kiểm chứng, không đáng tin cậy, vì thế phóng viên hoàn toàn có thể coi mạng xã hội chỉ là một kênh tham khảo, báo chí cần phải sống chung với thông tin trên mạng. Tuy nhiên thái độ sống chung thế nào thì rất cần bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Có thể nói mạng xã hội đã và đang đặt ra những thách thức lớn với người làm báo, để giữ gìn đạo đức và thúc đẩy trách nhiệm xã hội của báo chí trong kỷ nguyên số, bên cạnh việc quản lý nghiêm bằng pháp luật trong hoạt động báo chí, cần phải tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho phóng viên, biên tập viên hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo.

Trọng Thường

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ban-linh-va-trach-nhiem-thoi-so-hoa-14983.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY