Bình Định là xã nằm ở phía Bắc của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 762,3 ha; có 2.270 hộ với 9.751 khẩu được phân bố ở 4 thôn. Đời sống của nhân dân trong xã chủ yếu là nông nghiệp thuần tuý, các ngành nghề khác ít và chậm phát triển.
Trong vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nhiều mô hình kinh tế ở Bình Định được áp dụng và đã tạo công ăn, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình kinh tế thành công thì cũng có những mô hình gặp khó khăn, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân mà trong đó điển hình là HTX Dịch vụ Điện Bình Định với hoạt động là quản lý và kinh doanh điện.
Tại thôn Đại Nội, nhiều hộ dân đang phải sống trong tình trạng lo lắng vì nguồn điện cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt không đủ. Một số người dân bức xúc cho biết: Điện ở đây chập chờn và thường không đủ áp, nhất là vào giờ cao điểm. Đặc biệt là mùa hè, có những lúc nấu cơm còn không chín được.
Cũng theo các hộ dân, điện áp chập chờn nên các thiết bị sử dụng điện trong nhà như ti vi, tủ lạnh, máy giặt… hỏng rất nhanh và hầu như nhà nào cũng phải phải dùng ổn áp. Thời gian qua, một số người dân đã làm đơn gửi UBND xã để có biện pháp khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có giải pháp hữu hiệu gì.
Anh Đào Duy Thảo, Bí thư Chi bộ thôn Yên Quán chia sẻ: Điện hầu như yếu toàn thôn. Ngoài không đáp ứng được điện cho sinh hoạt thì một số thiết bị cần điện để sử dụng cho hoạt động làm kinh tế nông nghiệp như máy bơm nước, máy tạo khí để nuôi cá cũng không hoạt động được.
“Năm 2016, gia đình tôi phải đầu tư 16 triệu đồng để kéo đường điện 3 pha (dài 300m) về dùng. Nhưng do điện yếu, lại thường xuyên chập chờn nên các thiết bị liên tục bị hỏng. Đã nhiều lần tôi có ý kiến trong các cuộc họp thôn, xã và tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng này vẫn chưa cải thiện được. Giờ không biết kêu ai. Chúng tôi cũng như người dân trong xã rất mong hạ tầng lưới điện được đầu tư, nâng cấp để cuộc sống đỡ vất vả”, Bí thư Chi bộ Đào Duy Thảo cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện của nhân dân xã Bình Định ngày càng tăng cao nhưng do lưới điện sinh hoạt như vậy nên các đường trục chính thường xuyên bị quá tải dẫn đến chập, cháy. Thậm chí có những điểm trong khu dân cư dây điện chạy nhằng nhịt, vắt qua những bức tường của các hộ dân trông rất nguy hiểm.
Tìm hiểu được biết, năm 2010, xã Bình Định là một trong những địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc được nhận tài trợ phát triển lưới điện nông thôn từ nguồn Dự án REII của Nhật Bản, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Đường điện, hệ thống điện như vậy nhưng theo phản ánh, người dân ở đây còn bị thu cả tiền lắp đặt công tơ và phải sử dụng công tơ điện hết hạn. Theo báo cáo mới nhất của đoàn kiểm tra xã Bình Định (ngày 05/11/2019) về việc nộp tiền mua đồng hồ điện 3 pha, thì đã có 26 hộ phải nộp 113.400.000 đồng trái với quy định này. “Việc thu tiền lắp đặt công tơ là hoàn toàn trái với quy định và đây mới chỉ là kết quả xác minh sơ bộ tại thôn Cốc Lâm”, một lãnh đạo xã cho biết.
Bức xúc trước tình trạng này, người dân các thôn như Cốc Lâm, Đại Nội, Cung Thượng và Yên Quán đã đồng loạt làm đơn gửi tới các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp.
Để giúp người dân, thời gian qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Bình Định đã tìm biện pháp, có nhiều ý kiến cũng như văn bản gửi đến Ban Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Điện nhưng không nhận được sự hợp tác của đơn vị này.
Theo Báo cáo số 241-BC/ĐU ngày 13/11/2019 của Đảng ủy xã Bình Định và tại Biên bản làm việc ngày 15/11/2019 do Trung tâm Năng lượng thuộc Sở Công Thương Vĩnh Phúc chủ trì có nêu: “Hiện toàn xã có 5 trạm biến áp điện; do năng lực của Hội đồng quản trị quản lý yếu, kém, từ năm 2013 đến nay chưa xây dựng thêm được một trạm biến áp nào cũng như nâng cấp đường dây điện nào. Đường dây điện thì chỉ cải tạo, chắp vá tạm thời, có thể gây cháy nổ bất cứ khi nào, hơn thế tình hình HTX còn vi phạm rất nhiều trong quản lý hoạt động của HTX như: Thu trái quy định pháp luật”.
Còn trong công tác phối hợp, giám sát giữa UBND xã với Hợp tác xã Dịch vụ Điện, báo cáo cũng nêu rõ: “UBND xã mời các thành viên HTX họp và làm việc quản lý điện về việc đ/c Đào Tiến Vinh xin nghỉ (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX), Ban Quản trị HTX Điện không hợp tác, tự ý cho đ/c Đào Tiến Vinh nghỉ, tự ý thành lập HTX không có sự bàn giao của đ/c Đào Tiến Vinh. Ông Phạm Văn Tuấn – Chủ nhiệm HTX Điện (người mới được thay ông Vinh) tuyên bố không liên quan đến UBND xã, không chịu sự giám sát của UBND xã”.
Thực tế, những sai phạm của HTX Dịch vụ Điện Bình Định nêu trên đang gây những bất bình cho người dân. Tại buổi làm việc với Sở Công Thương Vĩnh Phúc, ông Đỗ Như Hoàn, Trưởng phòng Quản lý Năng lượng cho biết: Trong công tác quản lý điện ở địa phương do không có cán bộ chuyên môn cùng sự phối hợp lỏng lẻo nên hầu hết những vướng mắc về điện, kể cả điện yếu hoặc các vấn đề về công tơ… đều bị “đẩy” về sở. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân để dẫn đến tình trạng quá tải, gây ùn tắc trong giải quyết sự việc.
Chủ đề liên quan:
bình định dịch vụ hợp tác hợp tác xã quy định thu trái quy định trái quy định vĩnh phúc