Hỏi đáp dịch vụ y tế hôm nay

Hỏi đáp dịch vụ y tế

Huyết áp, đường huyết thấp: Không thể xem thường!

Cao huyết áp, cholesterol cao, đường huyết cao... là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nhưng nếu một ngày mọi thứ lại thấp đến đáng ngạc nhiên, đừng vội mừng vì điều này

Nhận kết quả xét nghiệm máu, ông Tr.Q.P (50 tuổi) vui mừng khi chỉ số nào cũng ở mức mấp mé ngưỡng trên của giới hạn bình thường, có mỗi HDL là thấp đến mức dưới cả giới hạn bình thường. Tra trên mạng, ông thấy HDL là cholesterol nên càng mừng.

Có thể là bệnh

Tuy nhiên, một người bạn là bác sĩ (BS) yêu cầu ông P. xem lại chế độ sinh hoạt, vận động, vì HDL cholesterol thực ra là cholesterol "tốt", khác với cholesterol "xấu" LDL.

Tương tự, anh Tr.A.V (45 tuổi) than thở khi đi tái khám: "Mấy tháng trước, tôi xét nghiệm phát hiện axít uric thấp nên rất mừng nhưng bác sĩ cảnh báo nếu thấp hơn giới hạn bình thường có khi còn đáng lo hơn".

BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết mọi chỉ số cơ thể đều có cái gọi là "giới hạn bình thường", thấp hay cao hơn giới hạn đó đều không tốt. Ví dụ huyết áp cao hay thấp hơn mức bình thường đều cho thấy hệ tim mạch không hoàn toàn khỏe mạnh. Đường huyết cao có thể dẫn đến tiểu đường nhưng đường huyết thấp dưới chuẩn thì cơ thể không đủ năng lượng để vận hành. Cholesterol toàn phần thấp sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa tế bào bởi nó cũng đóng góp trong quá trình tái tạo tế bào, dẫn truyền thần kinh, tham gia một số phản ứng hóa học trong cơ thể… "Các chỉ số thấp hơn giới hạn bình thường là đáng lo chứ không đáng mừng" - BS Anh Vũ khẳng định.

Theo PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, một số chỉ số khi thấp dưới giới hạn có thể là biểu hiện của một bệnh hay tình trạng sức khỏe đáng lo ngại. Ví dụ, axít uric - thứ mà nhiều quý ông luôn sợ cao, nếu bị thấp hơn giới hạn bình thường (2,5-8 mg/dL ở nam; 1,9-7,5 mg/dL ở nữ; 3-4 mg/dL ở trẻ em) thì có thể là dấu hiệu của hội chứng SIADH (ảnh hưởng tới việc cân bằng nước và chất khoáng trong cơ thể), bệnh to đầu chi (do sự sản xuất hormone tăng trưởng dư thừa), bệnh Celiac (ruột non bất dung nạp gluten), hoặc một số loại loạn di truyền như bệnh Wilson, bệnh Xanthin niệu… Để xác định các bệnh này thì bệnh nhân cần thực hiện thêm một số bước kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Hay như cholesterol "tốt" HDL mà thấp có nghĩa khả năng thải trừ mỡ trong máu giảm, dễ bị các bệnh lý xơ vữa mạch máu, từ đó tăng nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim… do HDL có vai trò vận chuyển chất béo dư thừa từ mạch máu đến gan để chuyển hóa.

Một nghiên cứu công bố mới đây của Bệnh viện Brigham and Women (bang Massachusetts, Mỹ) cảnh báo cholesterol "xấu" LDL mà bị thấp thì… phụ nữ coi chừng đột quỵ. Mức LDL thường được khuyến cáo nên dưới 100 mg/dL. Nghiên cứu mới này khẳng định chỉ nên dưới mốc đó một chút là đủ. Nếu LDL hơi cao (100-130 mg/dL), nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não tăng 0,4%; nếu LDL cực thấp, dưới 70 mg/dL, nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não đến tận 0,8%.

Xét nghiệm máu tại Trung tâm Y khoa Medic TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa. )Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tùy bệnh mà xử lý

Theo PGS Trần Phủ Mạnh Siêu, tùy vào loại chỉ số bạn bị thấp sẽ có cách xử lý khác nhau. Biện pháp đầu tiên là thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt, Thu*c men để xem chúng có trở lại bình thường hay không.

Axít uric nếu bỗng dưng thấp cũng có thể do một loại Thu*c nào đó bạn dùng làm tăng thải axít uric qua đường tiểu. Do đó, điều đầu tiên nên làm là nhớ xem mình có đang hoặc vừa điều trị căn bệnh nào hay không. Nếu có, hãy trao đổi với bác sĩ để xem axít uric bị thấp có phải do Thu*c.

Cholesterol "tốt" bị thấp có thể điều chỉnh bằng cách ăn ít mỡ, ít đạm, ưu tiên ăn cá thay cho thịt, tăng rau xanh, chất xơ, tăng cường tập thể dục thể thao, kiêng bia, rượu, Thu*c lá… Ngoài trừ một số ít trường hợp dễ nhận diện nguyên nhân ở những người bị các cơn hạ đường huyết, hay hạ huyết áp (khổ chủ cảm thấy rất mệt, có khi choáng, ngất), trong nhiều triệu chứng khác thì phải đợi xét nghiệm mới biết rõ nguyên nhân. Cần lưu ý trong mọi trường hợp, nếu các chỉ số xét nghiệm tiếp tục bất thường sau khi đã thay đổi lối sống và đã loại trừ các nguyên nhân tạm thời, thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng đi gặp BS.

"Đôi khi sự bất thường của các chỉ số sức khỏe chỉ là nhất thời. Bất kể khi nào có một chỉ số thấp hay cao, BS sẽ hẹn kiểm tra lại, tùy loại chỉ số mà có thể kiểm tra lại sớm trong một vài ngày hoặc chờ một thời gian. Trong thời gian cần kiểm tra lại, hãy cố ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ" - BS Trương Quang Anh Vũ tư vấn.

Đi khám khi huyết áp, đường huyết thấp đột ngột

Theo các BS, hạ đường huyết hay hạ huyết áp có thể xảy ra do một số nguyên nhân: mệt mỏi, làm việc quá sức, vận động không phù hợp, ăn uống không đầy đủ, tác dụng phụ của một số Thu*c... Nhiều người nghỉ ngơi một lúc thì khỏi nhưng nếu những lần "đột xuất" này lặp lại nhiều lần, cần đi khám bệnh ngay.

ANH THƯ
Mạng Y Tế
Nguồn: Người lao động (http://nld.com.vn/suc-khoe/huyet-ap-duong-huyet-thap-khong-the-xem-thuong-20191106210205049.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY