Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ðịa chỉ thăm khám tâm lý cho bệnh nhi ÐBSCL

Phòng khám tâm lý - hành vi của Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ hiện là cơ sở công lập đầu tiên ở miền Tây đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhi trong vùng.

Phòng khám tâm lý - hành vi của Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ hiện là cơ sở công lập đầu tiên ở miền Tây đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhi trong vùng. Hơn một năm hoạt động, các y bác sĩ nơi đây đã đồng hành cùng nhiều bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy trẻ khôn lớn.

BS Phạm Văn Ðông tư vấn cho mẹ của một bệnh nhi gặp vấn đề tâm lý.

“Qua thôi nôi, bé bắt đầu ê a, gọi Cha. Gia đình vui mừng lắm. Nhưng rồi sau đó, bé ít nói dần, không vui thích khi có đồ chơi mới. Ánh mắt của bé mông lung, không thể hiện cảm xúc khi nói chuyện hay nhìn vào vật cụ thể” - mẹ của bệnh nhi 30 tháng tuổi ở huyện Thới Lai kể. Người mẹ trẻ cho biết, vợ chồng không có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con đầu lòng. Họ tìm hiểu trên internet, nhận thấy con mình có những dấu hiệu tương tự trẻ mắc bệnh tự kỷ. Sau đó, gia đình đưa trẻ đến Phòng khám tâm lý - hành vi BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám. “Con em có thể phát triển bình thường không bác sĩ?” - người mẹ cầu cứu.

BS Phạm Văn Ðông, Phó Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, phụ trách Phòng khám tâm lý - hành vi BV Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, rất nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện trễ. Thời gian sớm đưa trẻ đi khám được khuyến cáo trước 2 tuổi, khi đó ra chương trình can thiệp phù hợp, cải thiện khả năng giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi của trẻ sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Phòng khám chỉ hoạt động vào chiều thứ năm hằng tuần, tiếp nhận trung bình từ 25-30 bệnh nhi mỗi buổi khám. Lượng bệnh đông, cha mẹ muốn đưa trẻ đến khám phải đăng ký trước cả tháng mới tới lượt. Bệnh nhi đến từ hầu hết các tỉnh trong vùng ÐBSCL. Mô hình bệnh tật của phòng khám đa dạng, thường gặp nhất là các bệnh chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn cư xử hành vi ở trẻ vị thành niên. Trước đây, khi chưa có phòng khám tâm lý, cha mẹ có con em gặp phải các vấn đề về tâm lý, không biết đưa con đi khám ở đâu.

Theo BS Ðông, tình trạng rối loạn tâm lý của trẻ khá phổ biến, do nhiều yếu tố từ lối sống hiện đại, tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử khiến trẻ chỉ giao tiếp một chiều, cha mẹ bận rộn công việc, ít có thời gian quan tâm đến con. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các gia đình có con nhỏ, khi thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói và những bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp kém, hành vi sở thích hạn hẹp so với độ tuổi trong hai năm đầu đời, cần kịp thời đưa trẻ đến BV chuyên khoa nhi để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Một số dấu hiệu về tình trạng bất thường của trẻ như khi trẻ 6 tháng tuổi chưa biết chơi ú òa, không khóc lớn thành tiếng; bé 9 tháng tuổi, không có tiếp xúc mắt; 12 tháng tuổi không giao tiếp mắt, không tương tác với người thân xung quanh. Ở mốc 2 tuổi, trẻ bình thường có khoảng 200 từ đơn nhưng với trẻ có vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp thì ít từ ngữ hơn, chậm nói, ít tương tác, hành vi lặp đi lặp lại, sở thích hạn hẹp. Sau khi chẩn đoán, xác định tình trạng của trẻ, các bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ nhận biết tình trạng bệnh của con, cùng lập chương trình can thiệp, hỗ trợ, giúp con cải thiện dần để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Nhóm vị thành niên, trong độ tuổi 12-14 cũng thường gặp phải các vấn đề tâm lý, dẫn đến rối loạn cư xử, hành vi. Một số phụ huynh không hiểu tâm lý của con, không có sự quan tâm nhiều, thiếu sẻ chia, đồng cảm cùng con, đôi khi áp đặt con. Về lâu dài, trẻ bị ức chế, dẫn đến thái độ phản kháng, chống đối, buồn chán, lâu dần rơi vào trầm cảm. Trong đại dịch COVID-19, nhóm tuổi vị thành niên cũng bị tác động cả về thể chất và tinh thần. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt khiến trẻ căng thẳng, lo lắng, dễ nổi nóng, hoặc chán nản. Ðộ tuổi này có nhu cầu cao giao lưu, kết bạn để duy trì các mối quan hệ bạn bè, nhưng dịch bệnh hạn chế các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, dẫn đến phát sinh những rối loạn tâm lý.

Từ khi phòng khám ra đời, các bác sĩ đã tiếp nhận hỗ trợ tâm lý cho khoảng 10 trường hợp mắc vấn đề về tâm lý có suy nghĩ tiêu cực, có ý định Tu tu do gặp khó khăn trong học tập, các mối quan hệ học đường, gia đình. Theo BS Phạm Văn Ðông, những sang chấn tâm lý của trẻ vị thành niên có thể để lại những tổn thương suốt cuộc đời. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn để con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Phụ huynh có nhu cầu thăm khám, tư vấn tâm lý cho trẻ, liên hệ Phòng khám tâm lý - hành vi BV Nhi đồng TP Cần Thơ, đăng ký đặt lịch khám: Khoa vật lý trị liệu; số điện thoại: 02923 748 329

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/-ia-chi-tham-kham-tam-ly-cho-benh-nhi-bscl-a135405.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY