Thông tin từ Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Dự án RGEP về mục đích sử dụng số tiền 16 triệu USD làm SGK của Bộ GDĐT vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Theo tìm hiểu, 16 triệu USD là một phần của khoản tiền 80 triệu USD Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông từ năm 2016-2020 (Dự án RGEP), trong đó có 77 triệu USD là vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, vốn đối ứng trong nước là 3 triệu USD.
Dự án RGEP gồm 4 thành phần, trong đó 16 triệu USD dành cho thành phần 2 của Dự án, hỗ trợ biên soạn SGK theo chương trình. Kết quả là hoàn thành việc biên soạn một bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức thực hiện gồm: Lựa chọn và tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định SGK; biên soạn, tổ chức góp ý kiến, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng SGK; biên soạn một số SGK điện tử; biên soạn một số SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) ở cấp tiểu học; cấp phát SGK cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa…; thẩm định các SGK (gồm một bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn và SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn).
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện Dự án RGEP, đến buổi họp báo của Bộ GDĐT công bố danh mục SGK lớp 1 sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới hôm 22/11/2019, khi được hỏi về số tiền này Bộ đã sử dụng như thế nào? Những gì Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành trả lời khiến nhiều người sau đó tỏ ra hoài nghi về cách sử dụng tiền của Bộ GDĐT cho việc biên soạn 1 bộ SGK phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Cụ thể, ông Thành cho biết, trong Dự án RGEP, việc biên soạn bộ SGK trước đây do Bộ tổ chức thực hiện, trong thiết kế Dự án RGEP được WB hỗ trợ biên soạn chương trình, hỗ trợ biên soạn SGK. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, do xã hội hóa biên soạn sách nên cấu phần này trong RGEP hiện nay được sử dụng một phần, với sự thống nhất của WB để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định SGK. Tới đây tài liệu này cũng sẽ được sử dụng cho những người tham gia biên soạn SGK để có thể tiếp cận chương trình, hiểu được tiêu chí để việc biên soạn SGK tốt, phục vụ cho những bước tiếp theo…
Còn một phần kinh phí nữa tới đây sẽ tiếp tục tái cấu trúc Dự án RGEP và sẽ được sử dụng vào các cấu phần khác, các hoạt động khác phục vụ cho việc đổi mới chương trình, SGK…
Trong quá trình thực hiện, việc biên soạn SGK chỉ là một phần còn triển khai tài liệu bồi dưỡng, học liệu điện tử… nên phần kinh phí cũng không nhiều. "16 triệu đô nghe có vẻ là to nhưng đối với cả đất nước thì cũng không phải là số kinh phí lớn", ông Thành nhấn mạnh tại buổi họp báo.
Mặc dù sự lý giải của ông Thành phần nào làm rõ được nguồn gốc số tiền, mục đích sử dụng và quá trình sử dụng nguồn vốn vay này nhưng vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về sự minh bạch trong việc sử dụng số tiền 16 triệu USD của Bộ GDĐT.
Sau đó, Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cũng trả lời nhiều cơ quan báo chí khác, tuy nhiên đều khiến mọi người thấy không rõ ràng, minh bạch ở đây chính là việc giờ Bộ GDĐT không biên soạn 1 bộ SGK nữa thì 16 triệu USD đó dùng làm việc gì, có cần thiết không; Bộ sẽ sử dụng vốn vay của WB như thế nào, có đúng như mục tiêu của Dự án đối với khoản tiền này?.
Bộ GDĐT cũng đã có thông tin về việc sử dụng số tiền này của Dự án, theo Bộ, cũng như bất cứ dự án ODA nào, trong Dự án RGEP, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong Hiệp định, Sổ tay thực hiện dự án các cấu phần cụ thể với nguồn kinh phí tương ứng. Trong quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể.
Để giải ngân được phải xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm theo đúng thiết kế ban đầu... Việc rút vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện và tuân thủ quy trình quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, WB.
Việc Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn SGK theo thiết kế ban đầu của Dự án và đã tổ chức việc biên soạn SGK theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản kinh phí.
Bộ cũng đang đàm phán với WB để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai Chương trình mới như: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 900.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; mua SGK cho thư viện của các trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học. Các nội dung này hiện thiết kế trong dự án nhưng so với nhu cầu của thực tiễn thì thiếu nhiều.
Bộ cho biết, sau khi đạt được sự thống nhất để tái phân bổ kinh phí, Sổ tay của dự án sẽ được chỉnh sửa và triển khai thực hiện. Tất cả các vấn đề liên quan đến kinh phí của dự án đều phải được sự chấp thuận và giám sát của WB, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.
Phía WB cũng đã lên tiếng về việc sử dụng khoản tiền này của Bộ GDĐT. Bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của WB cho biết, trong cam kết giữa WB với Chính phủ Việt Nam thực hiện Dự án RGEP, trong đó có việc biên soạn một bộ SGK tương ứng với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam đã thông báo với WB về việc nhiều NXB Việt Nam đã chủ động biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau cho tất cả các môn học. Vì vậy, để tránh chồng chéo giữa các nguồn lực, hai bên đã thống nhất ngừng biên soạn bộ SGK, tập trung nguồn lực cho việc thẩm định SGK. Hiện tổng số tiền 16 triệu USD vẫn nằm trong tài khoản của WB.
Do Dự án đang được thực hiện nên phía WB cũng đang đợi Chính phủ chính thức đề xuất với WB về việc sử dụng khoản tiền này cho việc thực hiện các mục tiêu của Dự án sắp tới, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng thông qua việc cải tiến chương trình và SGK.
Như vậy, với ý kiến hồi đáp của WB về việc thực hiện kế hoạch sử dụng vốn vay của Bộ GDĐT phần nào khiến chúng ta tạm yên tâm về số tiền 16 triệu USD. Tuy nhiên, về phía Bộ GDĐT là đơn vị trực tiếp triển khai dự án, nên cũng cần phải cụ thể hóa kế hoạch thực hiện các công việc tiếp theo trong quá trình triển khai dự án này, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong sử dụng vốn vay của WB.
Trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin của người dân vào giáo dục Việt Nam đang ngày một giảm, Bộ GDĐT nên tăng cường những người có trách nhiệm cao hơn vào cùng xử lý. Có như vậy mới hy vọng sẽ có một cơ hội để khiến người dân có những cái nhìn mới về đổi mới giáo dục Việt Nam.
Chủ đề liên quan:
đề xuất giáo dục phổ thông kế hoạch Ngân hàng Thế giới nguyễn xuân thành sách giáo khoa sử dụng sử dụng vốn vay thiết kế triệu usd