Thời gian vừa qua, việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra chậm, kéo dài so với thời gian quy định (được biết, hiện nay, việc thanh toán, quyết toán từ năm 2017 vẫn chưa xong). Điều này đã khiến nhiều cơ sở KCB gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền mua Thu*c, vật tư y tế cho các nhà cung cấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh.
Tìm hiểu từ BVĐK TP. Vinh, Nghệ An, chúng tôi được biết: Năm 2017, BHXH vẫn chưa thanh toán số tiền vượt định mức phải trả theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 của Chính phủ là 6,2 tỷ đồng. Năm 2018, BHXH chưa thanh toán 28,2 tỷ đồng (trong đó, 8,2 tỷ vượt định mức và 20 tỷ vượt kinh phí dự toán năm 2018). Năm 2019, BHXH chưa thanh toán 47,6 tỷ đồng (vượt kinh phí dự toán năm 2019). Tổng cộng 3 năm, BHXH chưa thanh toán cho riêng bệnh viện là 82 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động, bệnh viện đã phải “mua nợ” Thu*c, vật tư y tế của các công ty, BSCKII. Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc BVĐK TP. Vinh buồn rầu: “Hiện nay, một số công ty dược, vật tư y tế đã gọi điện, gửi công văn cho bệnh viện và Sở Y tế về công nợ cần giải quyết cho họ. Khi BHXH chưa thanh quyết toán số tiền lớn như vậy thì bệnh viện cũng không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Mặt khác, bệnh viện chúng tôi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, vấn đề BHXH nợ đọng, không thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh BHYT như thế này thì sẽ rất nguy hiểm cho bệnh viện”.
Từ BV HNĐK tỉnh Nghệ An, qua tìm hiểu: Trong 3 năm 2017, 2018, 2019, chi phí KCB mà BHXH chưa thanh toán cho bệnh viện là 205 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền mà bệnh viện đang nợ các công ty dược, vật tư y tế là 111 tỷ đồng. Bà Cao Thị Hà - Kế toán trưởng BV HNĐK tỉnh Nghệ An cho hay: “Do chưa hoàn toàn thanh toán nên sổ sách bệnh viện đều là tạm tính. Những tưởng bệnh viện còn nhiều tiền để phát triển các kỹ thuật, các loại quỹ nhưng thực tế toàn là... tiền hơi. Về mặt nguyên tắc tài chính, chúng tôi đang sai hết. BHXH cần có nghĩa vụ thực hiện thanh toán theo hợp đồng đã ký với đơn vị”.
Tương tự, chi phí KCB BHYT mà cơ quan BHXH chưa thanh toán cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An từ năm 2017 đến năm 2019 cũng rất lớn (tổng tiền 73.17 tỷ đồng, có đến ngày 5/3/2020). PGS.TS. Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Việc cơ quan BHXH treo nguồn kinh phí này kéo dài với số tiền lớn làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn để chi trả lương, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cho cán bộ nhân viên, thanh toán nợ cho các đơn vị cung ứng Thu*c, vật tư y tế, có một số đơn vị đã từ chối cấp hàng, ảnh hưởng đến người bệnh.
Không chỉ những bệnh viện lớn ở tuyến tỉnh, thành phố mới bị treo, chậm thanh toán chi phí KCB mà các bệnh viện nhỏ hơn, các trung tâm y tế tuyến huyện và các bệnh viện ngoài công lập cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Số tiền mà BHXH chưa thanh toán cho đơn vị: BVĐK Khu vực Tây Nam trong 2 năm 2017-2018 là trên 19 tỷ đồng; BVĐK Quỳnh Lưu trong 3 năm 2017-2019 là 63 tỷ đồng; BVĐK Đô Lương trong 2 năm 2017-2018 là 4,2 tỷ đồng; Trung tâm Y tế Yên Thành trong 2 năm 2018-2019 là gần 15 tỷ đồng; Bệnh viện Tâm thần trong 3 năm 2017-2019 là trên 4 tỷ đồng; Bệnh viện Quốc tế Vinh trong 3 năm 2017-2019 là trên 9 tỷ đồng...
Chi phí KCB của các cơ sở y tế chưa được cơ quan BHXH thanh toán được chia làm 3 nhóm như sau: Thứ nhất, chi phí vượt định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian, nhân lực KCB mà Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 của Chính phủ đã nhất trí thanh toán theo giá dịch vụ; Thứ hai, chi phí KCB BHYT vượt kinh phí dự toán được giao hàng năm (chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các bệnh viện chỉ được sử dụng số kinh phí giao hàng năm); Thứ ba, chi phí liên quan đến định mức tính giá của một số dịch vụ y tế mà giữa Bộ Y tế và BHXH không thống nhất cách tính (đơn cử là dịch vụ kỹ thuật bằng phương pháp gây tê và gây mê trong phẫu thuật)...
Với việc chậm thanh toán, treo thanh toán kéo dài, một số đơn vị KCB “xin được” nợ các khoản đóng góp theo lương (BHXH, BHYT, thất nghiệp) của cán bộ nhân viên mà không tính lãi suất với BHXH tỉnh Nghệ An... Để giảm chi phí thanh toán BHYT, các bệnh viện “bắt buộc” phải cắt giảm Thu*c hay kê đơn Thu*c cho người bệnh mua ở ngoài; không thể mở rộng quy mô phát triển của bệnh viện, các kỹ thuật mới, chuyên sâu không thể triển khai được...
Xung quanh vấn đề chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế, ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2018, các cơ sở KCB đề nghị thanh toán là 3.334 tỷ đồng, số được quyết toán là 2.847 tỷ đồng, số chưa được quyết toán là 486 tỷ đồng. Lý do chưa quyết toán là từ chối thanh toán sau khi giám định; liên ngành đã giám định, xác định nguyên nhân vượt định mức và đã gửi hồ sơ lên BHXH Việt Nam nhưng chưa được thanh toán; một số dịch vụ kỹ thuật được thống nhất cách tính giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế. Tổng số tiền mà liên ngành đã giám định, xác định nguyên nhân vượt định mức và gửi hồ sơ lên BHXH Việt Nam nhưng chưa được thanh toán là 190 tỷ đồng. Tương tự, năm 2019, các cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán là 3.653 tỷ đồng, số được quyết toán rồi là 3.128 tỷ đồng...
Theo ông Giang: Để giải quyết vấn đề chậm thanh toán này, BHXH Nghệ An đã làm việc hết sức trách nhiệm, cụ thể với từng đơn vị. Khi đã thẩm định, xác định xong ở đơn vị nào thì gửi ngay hồ sơ kèm công văn ngay cho BHXH Việt Nam. Riêng chi phí KCB BHYT vượt dự toán được giao thì thẩm quyền lại thuộc về Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam và Chính phủ. Còn 20% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2017 của các cơ sở thì BHXH Nghệ An đã có công văn gửi BHXH Việt Nam và được trả lời sẽ quyết toán cùng chi phí năm 2019... Đây là một quá trình kéo dài, thực sự ảnh hưởng đến cơ sở KCB.
“Thời điểm này, các cơ sở KCB trong tỉnh đã thực sự “bức bách” lắm rồi. Về phía Sở Y tế, thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế đa dạng hóa dịch vụ khám, chữa bệnh để giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu BHYT; xây dựng phác đồ điều trị chuẩn - quy trình chuẩn để các cơ sở y tế thực hiện đúng, tránh tình trạng bị BHXH xuất toán”, PGS.TS. Dương Đình Chỉnh nói.
Được biết, BHXH tỉnh Nghệ An tiếp tục báo cáo BHXH Việt Nam để có các biện pháp xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của năm 2017, 2018 cho các đơn vị khám, chữa bệnh, hoàn thành trước 30/6/2020; tổ chức thẩm định, xác định tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2019 theo đúng các quy định hiện hành; kịp thời thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh năm 2019; Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế để chủ động tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT xây dựng kế hoạch, giải pháp chi tiết trong việc thực hiện dự toán chi khám chữa bệnh BHYT được giao năm 2020 đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.