Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Mỗi buổi sáng, hàng triệu người Việt hồi hộp theo dõi từng bản tin cập nhật tình hình dịch bệnh, thở phào nhẹ nhõm khi cả nước không phải tiếp nhận thêm ca nhiễm nào. Khắp nơi trên thế giới, cộng đồng kiều bào từ người lao động đến du học sinh luôn hướng về quê hương với cảm tình thân thương nhất, dù chính họ cũng đang trải qua nhiều thử thách trong đời sống.
Trường cho nghỉ học, mất việc làm thêm, cuộc sống của bạn Lê Đoàn Phương Uyên, du học sinh Nhật 23 tuổi hơn 1 tháng vừa qua ít nhiều bị xáo trộn. Tâm sự đang khá buồn và nhớ gia đình, nhưng vừa nhắc đến em trai, Uyên trở nên hào hứng hơn hẳn. "Tôm hợp tính với em nên có thể tâm sự nhiều thứ linh tinh, hay giấu giếm mấy tội lỗi cho nhau nữa". Vốn là người phụ trách nấu nướng, rửa dọn và giúp mẹ đi chợ, những công việc ở nhà của Uyên trước đây hầu như được khoán lại cho cậu em trai 17 tuổi.
"Việc khá mệt và Tôm thì ẩu nên chắc mẹ phải đi sau dọn dẹp chiến trường Tôm để lại." - Uyên chia sẻ.
Nghe em trai kể bố mẹ đều muốn chị về nước tránh dịch, Uyên cho biết mình cũng thường xuyên cập nhật tình hình để phụ huynh an tâm. Dù thế lượng tin nhắn của bố mẹ cũng phải gấp 3 lần bình thường. "Bố mẹ lo cho con cái là chuyện dễ hiểu, nhưng thật sự bên này cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Thời gian này dù ở đâu thì ý thức tự giác phòng tránh dịch vẫn là quan trọng nhất." - Cô bạn thấu hiểu tâm tư của gia đình dành cho mình khi là người duy nhất xa nhà lúc này.
"Dịch bệnh này mà ở nhà chắc bố mẹ chăm cho sướng lắm, không phải lo nghĩ gì nhiều. Nhưng đã chọn du học thì em sẽ tận dụng cơ hội này để sống tự lập hơn."
Hỏi Uyên điều gì khiến cô bạn lo lắng nhất lúc này, Uyên ngẫm nghĩ một lát rồi hồn nhiên chia sẻ: "Trước khi em đi Tôm giảm gần 20kg. Nhưng mẹ kể đợt này ở nhà Tôm lại chứng nào tật nấy ăn bất kể mọi lúc rồi ạ. Em lo là Tôm lại béo lại trông ục ịch lắm!".
"Chị Uyên là quần áo tốt nhất và không ai bằng. À, em cũng thích món bánh đa cà chua thịt băm chị làm nữa." - Bạn Thái Vũ (Tôm) nhận xét về chị gái.
Khác với những hoàn cảnh vì học tập và công việc mà phải sống xa gia đình như Uyên, trường hợp của bạn Nguyễn Hải Châu lại có phần đặc biệt hơn khi là một trong những tình nguyện viên (TNV) chủ động tham gia cuộc chiến chống dịch tại Hà Nội từ ngày 28/3 vừa qua.
Có mẹ là cán bộ y tế từng công tác trong đợt dịch SARS năm 2003, hơn ai hết, Châu nhận thức rất rõ về độ nguy hiểm của công việc TNV.
Vô tình xem được bài đăng trên mạng xã hội về việc tìm kiếm TNV hỗ trợ khử khuẩn cũng như phiên dịch cho cộng đồng người nước ngoài tại khu vực Tây Hồ, Châu dứt khoát đăng ký tham gia và lên đường nhận nhiệm vụ ngay sáng hôm sau. "Lúc đó, em nghĩ về cảm giác của những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Việc thiếu thông tin lại thêm bất đồng ngôn ngữ hẳn sẽ khiến họ cảm thấy rất hoang mang." - Châu hồi tưởng.
Ở vị trí là kỹ thuật viên khử khuẩn, sau khi chuyên viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, Châu sẽ tiến hành khử khuẩn cho bản thân người lấy mẫu cũng như xung quanh khu vực lấy mẫu. Bên cạnh đó, bạn cũng hỗ trợ cán bộ dịch tễ điều tra thông tin của bệnh nhân nước ngoài. Được biết, nhân viên cơ quan Châu hiện tại đã chuyển sang làm việc tại nhà theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên bạn có thể linh hoạt sắp xếp giữa công việc chính với lịch làm tình nguyện.
"TNV được bố trí chỗ ăn ở tại Trung tâm Y tế Quận nên luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ khi phát hiện các ca tiếp xúc gần. Bản thân em cũng quyết định sẽ tham gia cho đến khi hết dịch."
Liên hệ với Châu khi bạn vẫn ngày đêm hăng say theo đuổi công việc tình nguyện, Châu khá cởi mở khi chia sẻ về những người đồng hành cùng mình trong cuộc chiến này. "Từ các y bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch đến các cán bộ y tế địa phương phải liên tục theo dõi số liệu dịch tễ nhằm kiểm soát sự lây lan của virus, đến những người thuộc diện tiếp xúc gần phải tự cách ly và ngay cả các TNV hàng ngày nấu cơm để toàn đội có sức chiến đấu với dịch bệnh, em nhận ra sự đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của một cộng đồng trước bất kỳ khủng hoảng nào. Nếu từng cá nhân đều chung tay góp sức, em tin chúng ta sẽ sớm bước qua giai đoạn khó khăn này".
Cùng với khoảng 30 bạn TNV khác tại quận Tây Hồ, Châu đã góp một phần sức trẻ của mình trong việc hoàn thành mục tiêu ngăn chặn lây lan, đẩy lùi dịch bệnh.
Trong khi hàng trăm cán bộ y tế đang phải tạm gác trách nhiệm gia đình để theo đuổi sứ mệnh với đất nước, nhiều du học sinh, người lao động hay các tình nguyện viên tham gia chống dịch cũng đang bày tỏ thái độ lạc quan, tích cực để thích nghi tốt hơn với diễn tiến của trận chiến này. Tin rằng mọi nỗ lực rồi sẽ được đền trả xứng đáng, chúng ta của hiện tại đã hoàn thành tốt khả năng "chiến đấu" từ trong tư tưởng, bằng cách không ngừng khích lệ, động viên lẫn nhau bình tĩnh đối mặt với mọi thử thách, luôn bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh thật tốt.
Bắt đầu từ trách nhiệm với gia đình và xã hội, dần dần, chúng ta nhận ra đây cũng là cơ hội để được thấy mình "gần" với gia đình hơn và trân trọng từng phút giây gắn bó. Dũng cảm bước qua khó khăn hôm nay, ngày trở về tin chắc sẽ bình yên và viên mãn.
Theo Trí Thức Trẻ