Thế nhưng, Tổng thống Trump nói khi ngồi máy bay Air Force One của mình rằng dự định sẽ cấm TikTok thay vì buộc Công ty ByteDance ở Trung Quốc, bán lại TikTok ở Mỹ.
Tờ New York Times đưa tin, Microsoft và nhiều công ty khác đang đàm phán mua lại bộ phận hoạt động của TikTok tại Mỹ.
Ngày 12.7, Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng, nói với Fox Business rằng TikTok và WeChat "là những hình thức kiểm duyệt lớn nhất trên lục địa của Trung Quốc".
Thời điểm đó, Tổng thống Donald Trump rất kiên quyết trong chiến dịch ngăn chặn các ứng dụng liên quan đến Trung Quốc khi viện dẫn một lý do khác cho lệnh cấm TikTok: Trừng phạt Trung Quốc vì phản ứng vô trách nhiệm trước đại dịch COVID-19. "Đó là một doanh nghiệp lớn. Hãy nhìn xem, những gì đã xảy ra với Trung Quốc với loại virus này, những gì họ đã làm cho đất nước này và toàn thế giới là điều ô nhục", Tổng thống Mỹ nói.
Thời gian qua, chính quyền ông Trump điều tra về quyền truy cập của TikTok vào dữ liệu người dùng Mỹ và lo ngại Chính phủ Trung Quốc thu thập được thông tin này.
Chuyên gia chính sách công nghệ Betsy Cooper, Giám đốc Trung tâm chính sách Aspen, cho biết sẽ luôn có những lo ngại khi các ứng dụng từ các công ty nước ngoài thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng. Thế nhưng, cô nói thêm: "Không rõ chính quyền sẽ nỗ lực bao nhiêu để thực sự điều tra mức độ nghiêm trọng về các mối lo ngại bảo mật với ứng dụng so với việc xem đây như mối đe dọa cho đòn bẩy địa chính trị rộng lớn hơn".
Chính quyền liên bang có thể yêu cầu việc bán một công ty thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Hội đồng này, một phần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đã điều tra TikTok liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia. Cuộc điều tra, được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 11.2019, có thể ảnh hưởng đáng kể với các hoạt động của TikTok ở Mỹ, bao gồm cả việc bán bộ phận hoạt động tại nước này.
Ủy ban này có thẩm quyền xem xét và kiểm soát quyền sở hữu của nước ngoài với các công ty ở Mỹ.
ByteDance có chỗ đứng tại Mỹ khi mua lại công ty nước này là Music.ly vào năm 2017 với giá 800 triệu USD, sau đó sát nhập vào TikTok. Việc này giúp TikTok tạo sức hút với thanh thiếu niên Mỹ.
Trước đây từng có tiền lệ về việc các công ty Trung Quốc bán tháo các bộ phận doanh nghiệp của họ. Vào tháng 3.2020, Công ty Kunlun có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đồng ý bán 99% cổ phần của mình trong ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr cho San Vicente Acquisition LLC với giá khoảng 608,5 triệu USD sau khi ủy ban nêu lên quan ngại về an ninh quốc gia.
Theo các nhà phân tích, Chính phủ Hoa Kỳ có thể cố gắng tìm ra một lý do hợp pháp để yêu cầu Apple và Google rút TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ là App Store và Play Store.
"Cộng đồng công nghệ sẽ rất do dự trước việc có ủng hộ lệnh cấm TikTok hay không. Lý do vì nó tạo tiền lệ cho chính phủ cấm các ứng dụng khác, hoặc thậm chí các ứng dụng toàn cầu khác không thể tiếp cận được với thị trường Mỹ", Wayne Lam, một nhà phân tích công nghệ độc lập cho biết.
Bà Carolina Milanesi, nhà phân tích công nghệ của hãng Creative Strategies nhận định: “Ngay cả khi TikTok bị cấm, người dùng có thể cài đặt ứng dụng này trên thiết bị Android mà không cần tải xuống từ Google Play Store”.
Dù vậy, Carolina Milanesi nói: “Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng có thể đưa TikTok vào danh sách đen, hạn chế quyền truy cập của công ty vào các ứng dụng công nghệ Hoa Kỳ. Công ty Huawei đã nằm trong danh sách đó. Thêm TikTok vào danh sách có nghĩa là TikTok sẽ không được phép xuất hiện trên cửa hàng của Google hoặc của Apple”,
Wayne Lam nói Chính phủ Hoa Kỳ có thể chặn lưu lượng truy cập đến TikTok nhưng cách tiếp cận như vậy sẽ “không thể thành công với các hệ thống pháp lý của chúng ta".
Theo tờ The New York Times, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách chống lại TikTok theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Luật đó cho phép Tổng thống có quyền lực rộng mở để điều chỉnh hàng loạt các hoạt động giao dịch kinh tế sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với bất cứ mối đe dọa to lớn hay bất thường nào tới an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế Mỹ.
Ông Kurt Opsahl - cố vấn chung tại nhóm vận động Electronic Frontier Foundation cho biết: “Hiện không có luật nào cho phép chính quyền liên bang cấm người Mỹ bình thường sử dụng một ứng dụng".
“Chính quyền đã hạn chế quyền cấm hoàn toàn bất kỳ phần mềm cụ thể nào, như một ứng dụng, nhưng họ có khả năng vận động Quốc hội ban hành luật nhắm vào TikTok”, ông Kurt Opsahl nói thêm.
Các quốc gia khác có thể cấm các ứng dụng cụ thể và một số nước chặn chúng hoạt động trên internet ở cấp độ mạng.
“Điều này sẽ cực kỳ khó thực hiện ở Mỹ. Không có trung tâm nào mà bạn có thể đến và thực hiện chiến lược lọc thống nhất, giống như ở Trung Quốc và Iran. Thay vào đó, chính phủ sẽ phải ra lệnh cho tất cả nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước chặn ứng dụng. Ngay cả khi tất cả họ tuân thủ mệnh lệnh, không có gì đảm bảo rằng TikTok sẽ không tìm cách vượt qua những nỗ lực ngăn chặn đó”, Arturo Filasto (đồng sáng lập ứng dụng Open Observatory of Network Interference - Đài quan sát mở về can thiệp mạng) phân tích việc kiểm duyệt internet ở các nước trên thế giới.
“Bất kỳ kịch bản sẽ tạo cơ hội cho những thách thức pháp lý. Một đạo luật hoặc lệnh hành pháp nhắm vào TikTok có thể thúc đẩy thử thách sửa đổi chính sách lần đầu tiên”, Kurt Opsahl chia sẻ.
Ngoài ra, Apple và Google có thể từ chối mọi đơn đặt hàng để loại bỏ TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng của họ, sau khi Bộ Thương mại đưa TikTok vào danh sách đen.