Bệnh ung thư hôm nay

Không được bay vì lo ngại máy scan lột trần có thể gây ung thư

Một bác sĩ cố vấn nhãn khoa bị bỏ lại phi trường vì từ chối đi ngang qua máy scan X-quang lột trần, mà ông cho rằng có thể gây ung thư.
Antonio Aguirre, một chuyên gia về mắt tại Bệnh viện Hoàng gia Huddersfield (Anh), đã đề nghị được khám xét toàn thân bằng tay theo truyền thống thay vì phải đi ngang qua máy scan. Nhưng chính vì thế mà ông đã không được phép lên máy bay để bay từ Manchester (Anh) đến Zurich (Thụy sĩ), và thậm chí còn bị cảnh sát hộ tống ra khỏi sân bay. Ông Aguirre kể lại rằng ông đã bị đối xử như tội phạm chỉ vì ông đã không sẵn sàng để chấp nhận một "cuộc tấn công của chất phóng xạ". "Tia X được biết là gây ra bệnh ung thư và tôi nghĩ sẽ có người bị mắc bệnh ung thư từ chiếc máy scan toàn thân này", Aguirre nói. Tại các phi trường Manchester, Gatwick và Heathrow, hành khách bị bắt buộc phải đi ngang qua những chiếc máy scan toàn thân. Đội ngũ nhân viên các phi trường này đã tuân thủ quy định rằng bất cứ ai từ chối máy scan sẽ không được phép lên máy bay.

Phi trường Schiphol ở Amsterdam (Hà Lan) là nơi đầu tiên áp dụng máy scan toàn thân vào năm 2007. Thiết bị X-quang này quét xuyên qua y phục, tạo ra hình ảnh của một cơ thể bị lột trần nhằm phát hiện bất cứ vật gì được che giấu bên dưới lớp quần áo. (Các nhân viên phân tích X-quang thường ở trong một phòng khác và không thể nhìn thấy những hành khách đang bị máy quét qua người). Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe Vương quốc Anh (HPA) năm ngoái đã khẳng định rằng kỹ thuật này an toàn vì mức độ phóng xạ là rất nhỏ. HPA đã phê chuẩn việc sử dụng những máy scan toàn thân đối với tất cả hành khách, bao gồm cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây cho rằng những chiếc máy scan sử dụng tia X có thể sản sinh chất phóng xạ nhiều gấp 20 lần so với tính toán ban đầu.

"Chính phủ xác nhận chất phóng xạ chỉ ở liều lượng thấp. Nhưng cho dù như thế thì tôi cũng không muốn nó vì nó không cần thiết", Aguirre nói.
Ông cũng cho rằng việc sử dụng máy scan "lột trần" là một thủ tục xúc phạm phẩm giá và nhân cách của hành khách. "Người ta không nên bị buộc phải phơi bày con người mình, và điều đó gây ra những vấn đề về đạo đức và nhân phẩm", ông nói. Ông Aguirre đã phải đi đến Liverpool, nơi không lắp đặt các máy scan, để bắt đầu một chuyến bay khác đến Zurich điều trị cho bệnh nhân như dự định. Và hãng EasyJet ở Manchester đã từ chối hoàn trả tiền vé máy bay (58,98 bảng) sau khi ông bị kẹt lại ở phi trường.

Mangyte.vn
Theo Thanh Hồng - Khoa học & Đời sống
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-khong-duoc-bay-vi-lo-ngai-may-scan-lot-tran-co-the-gay-ung-thu-10380.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY