TS. Robert Fischer thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Hamilton, Montana và các đồng nghiệp đã so sánh 4 phương pháp khử khuẩn khẩu trang/mặt nạ N95 vốn dĩ chỉ dùng được 1 lần. Các phương pháp bao gồm: Tia cực tím UV (260-285nm); nhiệt khô 70°C; xịt ethanol 70% và VHP. Trong mỗi phương pháp, nhóm nghiên cứu đã so sánh tốc độ bất hoạt của SARS-CoV-2 trên vải của khẩu trang so với thép không gỉ. Kết quả cho thấy, cả 4 phương pháp đều loại bỏ được virus với thời gian khử khuẩn khác nhau. VHP là phương pháp khử khuẩn nhanh nhất, chỉ cần 10 phút. Trong khi nhiệt khô và tia cực tím phải cần khoảng 60 phút thì ethanol cần thời gian lâu hơn.
Để kiểm tra độ bền qua 3 lần sử dụng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khử khuẩn khẩu trang/mặt nạ N95 trong cùng một phương pháp và đánh giá hiệu quả bằng test độ khít. Sau khi khử khuẩn, các tình nguyện viên từ phòng thí nghiệm Rocky Mountain đã đeo khẩu trang/mặt nạ trong vòng 2 giờ để kiểm tra độ khít cũng như dấu bầm trên mặt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khẩu trang/mặt nạ đã được khử khuẩn bằng bình xịt ethanol không còn hiệu quả nữa và khuyến cáo không nên áp dụng phương pháp này.
Ngược lại, khẩu trang/mặt nạ sau khi khử khuẩn bằng tia UV và VHP có thể sử dụng tới 3 lần với hiệu quả như lần đầu. Trong khi đó, nếu khử khuẩn bằng nhiệt khô thì khẩu trang/mặt nạ có thể được sử dụng hiệu quả tối đa 2 lần.
Các nhà khoa học cho hay, khẩu trang/mặt nạ N95 có thể được khử khuẩn và tái sử dụng tới 3 lần đối với tia UV và HPV, 2 lần đối với nhiệt khô. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn thận kiểm tra hiệu quả của khẩu trang/mặt nạ sau mỗi lần khử khuẩn bằng các thiết bị định tính có sẵn cũng như đảm bảo đủ thời gian để tiến hành khử khuẩn theo mỗi phương pháp.
TS. Ravina Kullar - Trường Y David Geffen thuộc ĐH California, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ cho biết, kết quả từ thí nghiệm này sẽ giúp trấn an các bác sĩ lâm sàng đang ngày đêm vất vả chống dịch vì nhiều người trong số họ đã sử dụng các phương pháp này nhằm tái sử dụng N95, trong đó phổ biến nhất là tia UV và VPH.
Tia cực tím từ lâu đã được sử dụng để khử trùng phòng bệnh và hiện nay có đủ nguồn cung ứng hydroperoxide để thực hiện các phương pháp này. Tuy nhiên, nghiên cứu là chỉ đánh giá hiệu quả của khẩu trang/mặt nạ sau khử khuẩn chỉ trong vòng 2 giờ, trong khi thực tế, các bác sĩ phải đeo chúng trong thời gian lâu hơn.
Một trong các yếu tố quan trọng trong nghiên cứu này là giữ được độ khít của khẩu trang/ mặt nạ như lần đầu sử dụng. Tất cả nhân viên y tế đều phải thực hiện việc test độ khít với N95 để đảm bảo phù hợp và hiệu quả cho việc sử dụng. Đó là lý do tại sao những chiếc khẩu trang/mặt nạ loại này chỉ được khuyến cáo dành cho các nhân viên y tế, chứ không phải cho người dân.
Được biết, cho đến nay, CDC chưa chấp thuận bất kỳ một phương pháp nào để khử khuẩn khẩu trang/mặt nạ nhưng cũng không phản đối việc sử dụng các chất tẩy rửa, chất khử khuẩn, thiết bị và máy lọc không khí để tiêu diệt SARS-CoV-2 một cách hiệu quả.
Sử dụng khẩu trang/ mặt nạ an toàn và nhiều lần rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm thêm các phương pháp khác nhằm tái sử dụng N95 trong tình trạng thiếu hụt như hiện nay.