Phóng sự hôm nay

Ký ức Chăm

Tôi nhớ, vào khoảng năm 1983, khi chuyến tàu dừng tại ga Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận, tôi đã đổi cả yến gạo để lấy 5 cân nho đem ra Hà Nội làm quà.

Dạo đó ai đi vào Sài Gòn đều buôn gạo ra, bán dần qua các ga để lấy lại vốn chi tiêu dọc đường. Nhưng nhìn những chùm nho chín với màu hồng sậm mà tôi thèm ứa nước bọt. Thế là nửa bán nửa mua, tôi nói đổi gạo lấy nho thì cô bé có đôi mắt bồ câu mơ màng xách giỏ nho gật đầu. Đoàn tàu chuyển bánh hối hả tiếp tục hành trình ra Bắc. Tôi vội nhào ra cửa sổ vẫy tay chào cô bé...

Tôi đột ngột trở lại TP. Tháp Chàm - Phan Rang như một cánh chim lạc vậy. Nhưng thật kỳ lạ, tôi vừa xuống ga Tháp Chàm lúc 3 giờ chiều thì một trận gió nổi lên. Cuối tháng 7, thời điểm vào mùa mưa, khi gió từ trên vùng cao thổi về, khi lại từ biển thổi vào TP nên gió cứ như dòng xoáy rú rít, bứt từng cọng lá cuốn tung lên trời, làn mưa quất rát mặt. Chả thế ở đây người dân còn truyền miệng về sự khắc nghiệt của thiên nhiên qua câu ngạn ngữ dân gian hài hước rằng, ở Ninh Thuận có đặc điểm là “Nắng như rang - Gió như phang”. Một làn gió mạnh đẩy tôi lùi vào góc hiên nhà ga. Mưa xiên chéo như trút nước. Tôi vội gọi cho bạn để cầu cứu chỗ nghỉ gần nhất nếu không sẽ bị cả một biển gió cuốn tôi lên núi mất.

Nho Ba Mọi.

Hôm sau kỳ lạ thế, nắng lại chang chang từ sớm, tôi thuê được chiếc xe đi đến làng gốm Bàu Trúc. Đây là một làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, cỡ cả ngàn năm. Làng ở dải đuôi nhô ra con sông Quao nên gió cũng dữ dằn. Mỗi khi nhà ai đó đốt mẻ gốm mà có gió và mưa thì đi đứt cả lứa hàng. Cái làng gốm này kỳ lắm, hàng trăm năm qua cho đến nay, đàn bà con gái đều như cái cánh của con chong chóng, đi giật lùi quanh bệ đất làm hàng. Theo như nghệ nhân Đàng Thị Phan, mỗi ngày bà phải lùi quanh đến cả chục cây số để làm ra 20 sản phẩm gốm tiêu dùng. Người Chăm ở làng có triết lý của sự đi lùi khi làm một chiếc bình hoa, rằng nếu con người biết lùi để quan sát sẽ chính xác hơn mọi sự vật, tránh mọi sự khuất lấp trước mắt. Lùi mà tiến là như thế. Hàng sẽ tròn hơn, hồn nhiên và rõ ràng có in đậm ánh mắt tình cảm của người phụ nữ Chăm mỗi khi tạo hình cho đất.

Thật tình cờ, tôi rẽ vào nhà họa sĩ Đàng Năng Thọ và được ngắm những bức tượng của anh hiện lên qua những nắm đất sông Quao của làng. Và tôi sững sờ khi gặp lại đôi mắt Chăm ngày nào trên bức tượng “Cô gái Chăm”. Rõ là đôi mắt của cô bé bán nho thuở ấy. Tôi đứng lặng hồi lâu và nhớ đến tiếng còi tàu hú lên trong tiếng vọng chia tay của tôi. Anh nói, đất sông Quao như một thứ vàng non nên bức tượng dưới ánh nắng bao giờ cũng đỏ ươm, mịn màng và long lanh. Quả thế, đôi mắt ấy sao long lanh mãi với thời gian. Giờ đây, gặp lại, nó vẫn sáng một cách dịu dàng và đầy bí ẩn. Đôi mắt “Cô gái Chăm” hút hồn tôi vì lẽ đó.

Bất ngờ, con gió từ sông Quao lại nổi lên. Nắng vẫn chói chang nhưng gió lại cuồn cuộn trong đam mê, chạy dọc con đường làng. Mẹ Phan vội gọi con trai con gái về dỡ lò vì tro đã tàn, trấu đã nguội và lửa đã tắt. Ở đây chỉ có gió cất tiếng. Con sông Quao cất tiếng chào đón một chuyến hàng mới ra lò. Con trai bà - anh Đàng Năng Tự cũng đã theo nghề điêu khắc, tạo được nhiều vũ nữ Chăm uyển chuyển trong điệu múa làm say đắm lòng người. Và tôi lại gặp đôi mắt Chăm ấy, qua vòng tay cong nõn nà duyên dáng của bản tình ca Apsara. Gió sông Quao chợt mạnh hơn. Đôi mắt ấy bay lên cùng nắng và gió mênh mang. Tiếng gió cuộn từng cơn, từng cơn trên cồn cát phía xa. Và tôi biết đôi mắt của tôi đang đội nước trên đường về làng. Đôi mắt của tôi đang ngoái nhìn con sông dâng sóng. Tôi đã gặp lại em, đôi mắt ấy cùng ngọn gió ký ức thời gian. Lúc này, tôi đứng như chôn chân trong cái nắng bỏng rát vì đôi mắt Chăm ấy, tại nơi đây, giữa cái làng cổ đầy bí ẩn này. Gió gào lên từ phía sông. Đó là vẻ đẹp của nỗi nhớ trong lòng tôi.

Đó là một nửa câu thơ của nhà thơ Inrasara khi tôi chợt nhớ đến quê anh - làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp kề gần làng gốm Bàu Trúc. Tôi hỏi tới Nhà Văn hóa Chăm của gia đình nhà thơ Inrasara cùng vợ là Inrahani. Nghe nói ở đây gia đình nhà thơ nổi tiếng này còn giữ được một máy dệt và một xe trâu cổ. Khi tôi đến còn biết thêm chiếc xe trâu cổ ở đây rất hiếm hoi vì là 1 trong 3 chiếc còn lại ở nước ta. Thật may, cô cháu gái nhà thơ đang dệt những chiếc khăn thổ cẩm cho khách. Chị say sưa dệt và kể nhiều chuyện về làng mình. Làng có tới hàng chục cơ sở sản xuất hàng cho quốc tế.

Thật bất ngờ, tôi thấy như có đôi mắt đang ánh lên trong ánh nắng soi rọi. Hình như có tiếng nói thì thầm bên tai rằng: “Đôi mắt Chăm”. Nhìn những quả chuông nhỏ, hình bầu rượu dùng để đánh go, đang rung lên theo nhịp điệu, cùng với bàn tay nhanh nhẹn như múa trên những đường chỉ, tôi nhận ra đôi mắt ấy hiện lên trong nét hoa văn của chiếc khăn màu hồng nhạt, pha những đường chỉ màu ghi dịu nhẹ. Đôi mắt nhìn tôi một màu ấm ngọt như muốn nói đến sự hẹn hò, đến một ký ức quá vãng nhớ nhung. Một tia chớp lóe sáng của tình yêu trong mộng tưởng chăng. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu ngày nào khi định nghĩa về tình yêu: “Đến như tia chớp ấy thôi/Mà gieo trận bão kinh người trong anh”. Nhưng rồi tôi lại nhớ đến thơ của chính Inrasara - chủ ngôi nhà dệt này, trong tập thơ “Lễ tầy trần tháng Tư” về tình yêu: “Hình như hồn buồn nàng hé nắng/Sẵn sàng mọc trái cây ban mai”. Và tôi nghe như hồn nàng ngủ trên vai tôi.

Tôi lang thang trên con đường làng Mỹ Nghiệp, nhiều cửa hàng bày nào là túi, là khăn, là áo. Những tấm vải thổ cẩm Chăm không sặc sỡ như nhiều hàng của dân tộc vùng cao phía Bắc. Tất cả đều dịu nhẹ, phảng phất nỗi buồn nơi cồn cát trắng, kèm theo nỗi bâng khuâng của những bông hoa nho đung đưa trước gió. Bàn tay khéo léo của cô cháu gái nghệ nhân Hani đã nói lên điều đó. Chính vì thế chăng mà hàng ở đây không đắt chút nào. Một chiếc ví rất đẹp màu ghi vàng nhạt, 3 ngăn với chất liệu mềm như lụa, giá 30.000 đồng. Một chiếc khăn trải bàn dài cỡ 120cmx60cm, màu đỏ đen với hoa văn hình thoi màu vàng chìm khá tinh tế, đề giá 120.000 đồng... Người Chăm quan niệm, gọi là bán đấy, nhưng lại là sự đổi trao, gửi gắm cái tình, cái hồn cốt của mảnh đất đầy khắc nghiệt với cái nắng, cái gió miên man. Vẳng đâu đây, từ phía chân cồn cát kia, sau những bụi xương rồng, tiếng trống vỗ dồn dập và tiếng kèn Saranai réo gọi tôi trở về với hồn tháp xưa Po Klong Garai đầy bí ẩn.

Nghệ nhân Phan làm gốm.

Thì ra nho ở đây không cao giá như tôi tưởng, chỉ 24.000 đồng/cân. Nho ngon nổi tiếng của trang trại ông Ba Mọi cũng chỉ nhỉnh hơn chút, gọi là thêm một giá. Làng nho ở chân vùng tháp Po Klong Garai. Tuy trang trại nho của gia đình ông Ba Mọi không phải là lớn nhất vùng, chỉ với diện tích 1,5ha, trồng nho và 0,5ha trồng táo, cái tên Ba Mọi đã trở thành thương hiệu khoảng mươi năm nay. Đó là một câu chuyện dài về một đời người, vượt lên cái đói nghèo, đem lại miếng cơm manh áo cho cộng đồng và làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi, khô khát này. Nhất là giống nho từ xưa đâu phải gốc ở đây. Ông Ba Mọi kể, người Pháp đã đem giống về trồng cách đây khoảng 100 năm, nhưng người Chăm đã thuần chủng nó hàng chục năm mới có được giống nho như hiện nay.

Đi dạo dưới những dàn nho của gia đình ông Ba Mọi mới thấy được ông đã ứng dụng công nghệ mới vào cây nho ra sao. Kiên trì theo tiêu chí sạch, an toàn, chất lượng dễ đã tới 8 năm qua nên gốc cây nho ở đây đều to khỏe, nhánh mập đều, những chùm quả mọng to tròn hơn nhiều nho của những gia đình khác. Hương vị của nho Ba Mọi có chút riêng mà khó lẫn, thơm ngọt như hơi có chút men thấm ngay đầu lưỡi, có thể ăn no. Rượu vang làm từ nho Ba Mọi cũng vậy, ngọt dịu pha chút chua đê mê luôn. Nó được đóng nhãn “Vang Phan Rang” từ năm 2007, nhưng vẫn phải đề hàng chữ “Made in Ba Moi”. Thế đây, ông Ba Mọi đưa ra chai rượu vang mời mọi người, rồi cười rất thật thà rằng, cứ uống khắc biết khỏi nói nhiều. Nụ cười của ông đúng là của một nông dân Chăm thứ thiệt, chân tình, bộc trực. Chả thế mà ông mở rộng cửa trang trại của mình, đón bất kể ai rẽ vào chơi, dù mua hàng hay không. Thậm chí ông còn mở lớp dạy trồng nho theo công nghệ mới cho mọi người, không giấu riêng gì cho mình. Ông muốn mọi người đều biết cách làm và cùng hưởng cái phúc, cái lộc từ cây nho.

Đang nhâm nhi chén rượu nho tê lịm người, tôi chợt nghe thấy tiếng cười của mấy cô bé đang chơi đùa cuối vườn. Một cô bé áng chừng 12 tuổi, da ngăm ngăm đen chạy tới đưa tôi một cành nho và chơi trò bán hàng. Mấy đứa tranh giành bán nho cho ông Ba Mọi. Giống như một bầy chim vậy. Một cô bé ngơ ngác bước tới đòi tôi trả tiền và ngước nhìn. Ôi! Đôi mắt. Đúng là ánh mắt Chăm ngày ấy. Tôi vẫy chào qua cửa sổ con tàu và đôi mắt là nỗi nhớ trong tôi. Giờ tôi đã gặp lại, sững sờ như ngày nào, một cô bé có đôi mắt buồn, to tròn bên những chùm nho chín mọng. Thế là tôi đã trở về và gặp Tháp Chàm với niềm vui được bù đắp sau hàng chục năm đi xa.

Bài và ảnh: DUY ANH

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ky-uc-cham-n165833.html)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Các liệu pháp dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện, duy trì chất lượng cuộc sống và tăng khả năng hồi phục bệnh.
  • Việc ăn uống bằng miệng luôn là tốt nhất nếu có thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có đủ dinh dưỡng qua đường miệng vì các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư. Một số loại Thu*c giúp tăng cảm giác thèm ăn có thể được sử dụng.
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Bộ phận nhạy cảm này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn thể chất khỏe mạnh, đời sống T*nh d*c như ý của các chị em.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
  • Viêm thanh khí phế quản là một bệnh thông thường gây ảnh hưởng đến đường dẫn khí làm cho trẻ khó thở. Thường biến ở trẻ biết đi và tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi
  • Chất độc hại bao gồm các hóa chất, sản phẩm gia dụng, Thu*c trừ sâu và các loại mỹ phẩm. Bảo vệ con bạn và đưa trẻ tránh xa các chất độc hại.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY