Đêm trước những dịp trọng đại như ngày cưới, ngày đầu tiên làm việc ở một công ty mới hay đơn giản là một chuyến bay, nhiều người gặp tình trạng lo lắng đến mất ngủ. tiến sĩ phyllis zee, giám đốc trung tâm y học về giấc ngủ và mạch máu tại trường y feinberg thuộc đại học northwestern, cho biết đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, xảy ra với nhiều người.
"Tôi gặp tình trạng này nhiều lần. Nếu bạn không thể ngủ ngay lập tức, đừng lo lắng, tâm trạng lo lắng chẳng giúp ích gì đâu", ông nói.
Raj Dasgupta, phó giáo sư y học tại Đại học Y khoa Keck, có nhận định tương tự. Ông cho biết đồng hồ sinh học của cơ thể được lập trình một cách tự nhiên. Với những người là "cú đêm", thường xuyên thức khuya, việc đi ngủ sớm là cực kỳ khó khăn.
Các chuyên gia đã đưa ra một số phương pháp để giảm bớt nỗi lo lắng vào đêm trước ngày trọng đại, từ đó giúp mọi người ngủ sớm, ngon giấc hơn.
Các chuyên gia lưu ý mọi người không nên lên giường quá sớm, từ khoảng 8-9h tối nếu đây không phải lịch sinh hoạt thường ngày. Điều này sẽ tạo cảm giác trằn trọc, lo lắng.
Thay vào đó, "hãy bắt đầu mở đèn ở chế độ thấp kể từ 8h hoặc 9h tối và đặt mục tiêu đi ngủ vào 10h", tiến sĩ Zee cho biết.
Tiến sĩ Dasgupta cũng khuyến nghị mọi người tránh ánh sáng xanh từ đèn LEDs, màn hình điện thoại, thiết bị công nghệ. Đây là loại ánh sáng "đánh lừa não bộ", khiến bộ não nghĩ rằng trời vẫn còn sáng.
"Điều này ngăn cản cơ thể giải phóng các hormone quan trọng như melatonin, giúp bạn dễ ngủ", Dasgupta nói.
Ông khuyến nghị mọi người tắt các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng khoảng hai tiếng trước khi quyết định đi ngủ.
Các chuyên gia khuyến cáo không lên giường nằm quá sớm để tránh cảm giác trằn trọc. Ảnh: Freepik
Dasgupta cho biết tâm trạng căng thẳng về việc "mình có ngủ đủ giấc hay không" chính là rào cản lớn nhất để đến với giấc ngủ thoải mái, có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ hiện tại như mất ngủ.
Ông đề nghị thực hành chánh niệm và thiền định để lấy lại tâm thế bình tĩnh. "những phương pháp này có thể làm dịu tâm trí và cơ thể, giúp quá trình đi vào giấc ngủ trở nên dễ chịu, nhẹ nhàng hơn", ông nói.
Các chuyên gia cho biết một trong những cách tốt nhất để đi vào giấc ngủ là tập trung vào hơi thở.
"Có một kỹ thuật gọi là 'phương pháp thở 4-7-8', đã được chứng minh là làm giảm căng thẳng. Bạn chỉ cần hít thở sâu trong 4 giây, giữ hơi thở trong 7 giây và từ từ nhả hơi, thở ra khi đếm từ một đến 8. Lặp lại các bước này vài lần rồi tạm dừng và để ý xem bạn có thể cảm thấy thư giãn hơn hay không", tiến sĩ Dasgupta nói.
"Tránh tiêu thụ caffein sau bữa trưa và tránh uống rượu gần giờ đi ngủ, vì cả hai đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Khi ảnh hưởng của rượu giảm đi, hệ thần kinh được kích hoạt đánh thức bạn dậy sớm hơn thường ngày.
Bên cạnh đó, trong rượu chứa rất nhiều chất có hại như methanol, chì... Những người thường xuyên uống rượu trước khi đi ngủ có thể bị một số bệnh về dạ dày, gan, ruột, thần kinh...
"Nếu đói sau bữa tối, hãy ăn nhẹ các món không đường, dễ tiêu hóa để không bị mất ngủ", tiến sĩ Dasgupta nói.
Trước ngày trọng đại, nhiều người sẽ cảm thấy phiền nhiễu vì các cuộc gọi cuối ngày để xử lý nốt những công việc còn dang dở, đôi khi các cuộc gọi đến vào nửa đêm. vsevolod polotsky, giáo sư y khoa, giám đốc nghiên cứu giấc ngủ tại trường y đại học johns hopkins, chỉ ra những biện pháp để đối phó với tình huống này.
Đầu tiên là không bật đèn, cố gắng bình tĩnh, kết thúc cuộc trò chuyện ngay lập tức và quay trở lại giường. Tiếp theo, nếu bạn không thể ngủ lại trong vòng 10 phút, ông khuyến nghị đi sang phòng khác, bật đèn mờ và đọc một cuốn sách thật nhàm chán. Lúc này, mọi người không nên sử dụng thiết bị điện tử, bởi chúng phát ra ánh sáng xanh có thể đánh thức bạn hoàn toàn.
Giáo sư Polotsky cũng không khuyến khích kiểm tra các email, tin nhắn, không nên rửa bát đĩa hoặc đi ra khỏi nhà. Bạn nên ngồi thiền, thư giãn và nghĩ về những điều dễ chịu. Khi ấy, cơn buồn ngủ sẽ tự nhiên kéo đến.
Chủ đề liên quan:
giấc ngủ