Chiều 21/2, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Đà Nẵng cho biết vừa mời ông N.Đ.C (SN 1988, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và ông N.H.D (SN 1981, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là quản trị viên 2 nhóm facebook “Chốt KT nồng độ cồn Đà Nẵng” và “Nồng độ cồn Đà Nẵng” để làm rõ một số sai phạm trên mạng xã hội.
Theo đó, hai người này đã khai nhận lập 2 hội để các thành viên đăng tải nhiều nội dung, thông tin “báo chốt”, “chỉ điểm” lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn.
Ngay sau khi 2 người này bị xử phạt, nhiều nhóm hộ “báo chốt” CSGT đã đổi thành chế độ nhóm kín và hoạt động âm thầm trên zalo.
Để tìm hiểu hơn về những nhóm hội “chỉ điểm” lực lượng CSGT đã hoạt động, PV đã tham gia vào một nhóm hội nhưng núp bóng dưới cái tên “Phổ biến án toàn giao thông”, “Vững vàng tay lái 88”…để có thể tham gia được những nhóm này thì “người mới” phải được “người cũ” giới thiệu như thế mới đảm bảo độ an toàn.
Quản trị viên của nhóm sẽ liên tục hỏi địa chỉ, vì sao muốn gia nhập nhóm và “năng suất” hoạt động như thế nào?
Khi đã đủ độ tin tưởng, thành viên mới sẽ được quản trị viên của nhóm phê duyệt và phải tuân thủ nguyên tắc: Bảo mật thông tin, không được chụp ảnh đăng tải trên trang cá nhân.
Những nhóm này hoạt động liên tục, các thành viên khi lưu thông trên đường thấy lực lượng CGST làm nhiệm vụ như kiểm tra nồng độ cồn, các vi phạm khi lưu thông trên đường là lập tức báo lên nhóm. Có thể viết tin nhắn hoặc ghi âm giọng nói rồi gửi lên.
Những nhóm hội này rất đông người theo dõi hoặc tham gia hoạt động để có thể “giúp đỡ nhau” tránh được việc kiểm tra của lực lượng CSGT.
Các nhóm “báo chốt” lực lượng CSGT đang hoạt động núp bóng dưới mọi hình thức, nhưng đây lại là việc làm gây hệ quả tiêu cực cho an toàn giao thông.
Trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, chống đối cơ quan chức năng làm việc. Vì thế, với những người tham gia khi thông báo “chốt” và hướng dẫn người khác không nên đi vào đường đó nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính vì theo luật an ninh mạng thì hành vi này làm ảnh hưởng đến vẫn đề trật tự an ninh xã hội.
Còn với quản trị viên lập ra các nhóm “báo chốt” thì người đó cũng bị xử phạt. Hành vi này đã vi phạm Điểm e, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13-11-2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”.
Cũng theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, để không còn tình trạng này tái diễn, việc đầu tiên các cơ quan quản lý cần thông báo cho các nhóm hội này để khóa lại, yêu cầu dừng hoạt động ngay lập tức. Một việc nữa, cần xử phạt mạnh tay đối với những người lập ra các nhóm “báo chốt” để chống đối lực lượng CGST làm việc.
“Nếu như chúng ta lập ra các nhóm báo T*i n*n giao thông thì thật đáng hoan nghênh, nhưng đây lại đưa ra nhóm “báo chốt” thì thật không nên", luật sư Nghiêm Quang Vinh thông tin.
Chủ đề liên quan:
báo chốt csgt cảnh sát giao thông mạng xã hội nhóm báo chốt trên mạng xã hội thổi nồng độ cồn trên mạng xã hội xử lý