Ẩm thực hôm nay

Lẩu riêu cua đồng, lẩu Thái chua cay sau những ngày Tết ăn bánh chưng, thịt gà

Bạn có thể đãi gia đình món lẩu riêu cua đồng hoặc lẩu Thái chua cay lạ miệng sau những ngày ăn nhiều bánh chưng, thịt gà.
Cách rán bánh chưng giòn ngon, không ngấy
5 món ngon, lạ miệng từ thịt chuột đồng, bạn đã thử chưa?

Sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 với những món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt gà, nem rán, các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy ngon miệng khi được đãi món lẩu. Sau đây là hai món lẩu dễ làm là lẩu riêu cua đồng và lẩu Thái chua cay.

Lẩu riêu cua đồng

Lẩu riêu cua đồng sẽ là món ăn lạ miệng vào những ngày hậu Tết Nguyên đán. (Ảnh: Tran Ha)

Nguyên liệu

- Cua đồng: 500g – 1kg (tùy theo số lượng người ăn)

- Sườn sụn: 500g

- Bắp bò: 500g

- Đậu phụ: 5 bìa – 10 bìa

- Giò tai: 10-15 cái

- Mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị

- Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ (có thể bỏ qua nếu bạn không thích, nhưng mắm tôm làm nên mùi vị rất đặc trưng cho món lẩu riêu cua bắp bò, khiến cho nước lẩu đậm đà hơn). Lưu ý, nếu sử dụng mắm tôm thì phải nêm lúc chưa nấu, nếu không mùi mắm tôm sẽ lấn át mùi lẩu.

- Cà chua: 3-5 quả thái miếng cau.

- Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt…Thêm ít rau muống nhỏ ngọn nếu thích ăn nhiều rau.

- Bún sợi nhỏ

- Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.

(Ảnh: Tran Ha)

Cách làm

Bước 1: Sườn sụn chần rồi ninh sơ qua cho mềm, rồi vớt sườn ra ướp hành khô băm nhỏ, gia vị và một chút nước mắm.

Bước 2: Làm cua

- Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ.

- Nêm một muỗng nhỏ mắm tôm và gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi canh sôi và gạch cua nổi lên thì vặn nhỏ lửa.

- Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thảnh từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một đĩa riêng rồi ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó để riêu khỏi bị vỡ.

Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi dưới đều gạch cua đã trưng lên đĩa riêu cua để riêng, một phần gạch cua giữ lại sau này dưới thêm vào nồi nước dùng. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá.

(Ảnh: Nhung Ngô)

Bước 4: Đậu cắt miếng nhỏ, rán vàng, rồi bày ra đĩa cùng giò tai bóc bỏ lá chuối và sườn sụn đã ướp.

Bắp bò thái mỏng, bày ra đĩa. Mách nhỏ là trước khi thái, chị em nên cho thịt bò vào ngăn đá khoảng 15 phút thái sẽ dễ dàng và trình bày cũng đẹp mắt hơn.

Bước 5: Rau sống rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa.

Hoa chuối thái nhỏ rồi ngâm qua vào chậu nước có pha ít giấm để cho hoa chuối không bị thâm. Sau đó, vớt hoa chuối ra rổ để ráo nước rồi bày ra đĩa. Hoa chuối dùng để nhúng dần trong khi ăn.

Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con. Có thể dùng quả dọc hoặc quả me thay thế nhé! Nhà mình nuôi được mẻ nên hay dùng mẻ hơn. Mẻ, giấm bỗng, mắm tôm làm nên hương vị đặc trưng của món lẩu riêu cua.

- Chế nước dùng cua và nước ninh sườn sụn vào trong nồi lẩu với cà chua đã xào chín.

- Cho mẻ vào, nêm thêm một chút giấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp tục thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu. Khi ăn thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, mấy lát đậu đã rán vàng, một nhúm hoa chuối sẽ được nổi nước lẩu thật đẹp mắt!

Nhúng thịt bò ăn kèm với bún, sườn sụn giòn mềm cùng với rau sống.

(Ảnh: Nguyễn Ngọc Xuân)

Lẩu Thái chua cay

(Ảnh: Tô Hưng Giang)

- Dứa: 1/2 quả

- Hành tây: 1/2 củ

- Sả: 30gr

- Riềng củ: 30gr

- Lá chanh: 5 lá

- Cà chua quả: 3 quả

- Nước cốt dừa: 100ml (có thể giảm bớt nếu không thích quá béo ngậy)

- Gia vị lẩu thái Tôm Yum: 2 thìa canh ăn phở (nếu có dầu sa tế lẩu thái Tôm Yum sẽ ngon hơn)

- Bột Knorr chanh: 1,5 thìa canh (nếu không có, thay thế bằng nước cốt chanh)

- Nước dùng (nước ninh xương): 2,5 lít

- Ớt cay: 2-3 quả (tuỳ độ cay)

- Tương cà chua: 50gr

- Đường phèn: 2 thìa canh (có thể bỏ qua nếu nước dùng ngon)

- Nước mắm: 2 thìa canh

- Cần tây: 20gr

- Bột nêm: 2 thìa ăn phở (có thể bỏ qua nếu có nước dùng ngon và nêm bằng bột canh)

(Lưu ý thìa canh tính bằng thìa canh ăn phở)

Cách làm

(Ảnh: Tô Hưng Giang)

- Ninh xương làm nước dùng đến khi nước xương màu trắng đục tỏa ra mùi thơm, xương và thịt thật mềm là đạt.

- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt thái miếng nhỏ vừa ăn.

- Cà chua thái múi cau.

- Sả cắt lát hoặc cắt khúc đập dập

- Hành tây thái múi cau

- Ớt cay để cả quả hoặc thái lát

- Riềng thái mỏng đập dập

- Cho dầu ăn vào nồi, cho tiếp ớt, sả, riềng vào xào cho thơm. Tiếp đến đổ hết phần nước dùng (nước hầm xương vào nồi), thả cà chua, hành tây, đường phèn, gia vị lẩu thái, bột knor chanh, tương cà chua, nước mắm, bột nêm...

- Đun sôi các nguyên liệu sau đó vớt hết phần sả và riềng ra, các nguyên liệu khác để nguyên.

- Thêm lá chanh và nước cốt dừa,cần tây nêm nếm lại cho vừa ăn.

- Tất cả các gói gia vị như lẩu thái Tom Yum, bột knorr chanh, cốt dừa...đều bán sẵn ở các siêu thị.

Cách ninh xương lấy phần nước dùng để chế biến cho các loại nước lẩu:

- Chọn phần xương tươi ngon, rửa sạch, chần qua nước sôi già để loại bỏ chất bẩn bám vào xương. Luộc sơ rồi đổ phần nước, luộc lần đầu đi để nước xương thơm ngon bớt mùi hôi.

- Nướng một củ hành tím, thả vào nồi nước ninh xương, cùng 1/2 củ hành tây để nguyên miếng. Đun sôi bùng lên sau đó hạ lửa liu riu,t hỉnh thoảng hớt bọt để nồi nước được trong và không đậy vung tránh nồi nước ninh bị đục.

- Cho vào chút muối tinh và không nêm bằng bột nêm. Hầm trong 3-4 tiếng. Nên kết hợp các loại củ quả như: cà rốt, ngô ngọt, củ cải, su su...để tăng thêm độ thơm ngọt cho nước hầm xương. Thời gian ninh không quá 6 tiếng.

Mạng Y Tế
Nguồn: Thời đại (https://thoidai.com.vn/lau-rieu-cua-dong-lau-thai-chua-cay-sau-nhung-ngay-tet-an-banh-chung-thit-ga-98084.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY