Nói như Faiz Siddiqui, cha mẹ phải có trách nhiệm chu cấp cho cuộc sống của anh ta tới... trọn đời; trong khi anh ta đã tốt nghiệp một trường Đại học danh tiếng hàng đầu tại Anh, nhưng sau khi tốt nghiệp lại không muốn đi làm, mà đăng ký thất nghiệp. Trong đơn kiện, Faiz cho rằng chính vì cha mẹ anh đã gửi tiền cho anh suốt hơn 20 năm qua kể từ khi bước vào trường đại học, chính họ đã “nuôi dưỡng sự phụ thuộc” của anh, khiến anh ta chật vật với cuộc sống sau khi không còn nguồn chu cấp.
Vị luật sư đại diện cho cha mẹ của Faiz chia sẻ với báo chí rằng: “Không cần phải nói, mọi người cũng hiểu rằng cha mẹ của Faiz rất suy sụp khi họ bị chính con trai của mình kiện ra tòa dù trước nay họ đã đối xử rất rộng lượng và hào phóng với con trai mình”.
Được biết cha mẹ của Faiz đều đã lớn tuổi, họ đang sống ở Dubai.
Tuy nhiên, trường hợp “thích ăn bám” vào cha mẹ như Faiz, đáng tiếc lại không phải là hiếm. Gần đây, truyền thông Hàn Quốc nhiều lần lên tiếng về cái gọi là “bộ lạc chuột túi” - có nghĩa là không muốn đi làm, không muốn lấy vợ lấy chồng, trái lại họ muốn “sống cả đời với cha mẹ”, để cha mẹ già nuôi.
Cuối tháng 7 vừa qua, không ít người bất ngờ vì một báo cáo bất thường từ văn phòng thống kê quốc gia hàn quốc. theo đó, 54,8% người thuộc độ tuổi 30 - 40 chưa lập gia đình vẫn sống cùng nhà với cha mẹ. chưa hết, trong số những nam nữ độc thân “chuột túi “ này, 42,1% không đi làm.
Nói cách khác, họ không chỉ “ở bám” mà còn tiện thể “ăn bám” cha mẹ. Người Hàn gọi các đối tượng này là “bộ lạc Kangoroo”, ám chỉ những người con đã trưởng thành vẫn phụ thuộc cả tài chính lẫn cảm xúc vào cha mẹ.
Người ta cũng biết rằng, trong số các phụ nữ Hàn độc thân vẫn sống cùng cha mẹ, thì có tới 61,6% không quan tâm đến chuyện hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ tuyên bố, chỉ cần có cha mẹ là đủ.
Trước con số trên 50% nam nữ thành niên độc thân Hàn Quốc “ở bám”, một số người lại suy đoán “lỗi tại Covid-19”. Tuy nhiên, lùi về năm 2017 và xem lại báo cáo khảo sát cùng chủ đề do Ủy ban Lao động và thu nhập Hàn Quốc, tất cả không khỏi ngỡ ngàng.
Ủy ban này đã tiến hành khảo sát 6,3 triệu thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 20 - 34. Kết quả thu lại được là: Có đến 56,8% thuộc “bộ lạc chuột túi “ và 25% là NEET (không bằng cấp, không việc làm, không thu nhập).
Về phía các bậc phụ huynh Hàn Quốc, che chở và chăm sóc con cái bất chấp tuổi tác được coi là chuyện đương nhiên. Dù đứa con của họ còn bé hay đã đến tuổi tự lập, cũng không có ngoại lệ.
“Nói thật lòng, làm sao mà tôi có thể để cậu quý tử của mình vất vả cho được” - Lee Young-wook, người cha 61 tuổi, sống tại Bundang, ngoại ô Seoul, bộc bạch. Con trai ông, Lee Jeong-kyu, 31 tuổi, vẫn sống cùng cha mẹ trong căn hộ chật hẹp, chỉ vừa đủ cho 3 người chui ra chui vào.
Trong khi đó, Kim Ji-gyeong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách thanh niên quốc gia cho rằng, “bộ lạc chuột túi” vừa gây định kiến lên xã hội Hàn Quốc, vừa khiến kinh tế chậm phát triển hơn. Từ khi Hàn Quốc rơi vào cảnh thiếu thốn việc làm, các bậc phụ huynh lại càng bao bọc con cái, sẵn sàng trợ cấp từ ăn đến ở.
Mà cũng chính vì thế, nhiều người đã đến 40 tuổi vẫn không muốn đi làm, cũng không muốn xây dựng gia đình với lý do “tình nguyện ở với cha mẹ cho đến trọn đời”.