Trước khi Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ ra đời, những người dân miền Tây bị đột quỵ nguy kịch phần lớn được chuyển lên TP.HCM để điều trị, vì ở miền Tây chưa có bệnh viện nào chuyên trị đột quỵ nên thiếu trang thiết bị y tế cần thiết cũng như khả năng chẩn đoán, điều trị căn bệnh này của các bác sĩ. Trong khi đó, căn bệnh đột quỵ lại có sự khắt khe nhất về thời gian, nếu vượt qua ngưỡng “thời gian vàng” thì khả năng cứu sống rất thấp, hoặc không thể cứu sống.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nội thần kinh, người bị đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ mất khoảng 2 triệu tế bào não. “Thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 4 giờ đồng hồ sau khi phát bệnh. Sau khoảng thời gian đó, tỷ lệ cứu sống đối với bệnh nhân đột quỵ là rất thấp.
Do đó, theo TS.BS Trần Chí Cường, nếu bệnh nhân đột quỵ từ các tỉnh miền Tây chuyển lên TP.HCM là gần như mất đi “thời gian vàng”, nhất là các bệnh nhân đến từ các tỉnh từ Cần Thơ trở xuống Cà Mau, khả năng cứu sống là rất thấp.
Thực tế cho thấy, trong khoảng 10.000 người dân miền Tây bị đột quỵ mỗi năm có đến hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện đã qua “thời gian vàng”, khả năng cứu sống là rất thấp.
Ông Cường cho biết, trong 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đột quỵ Cần Thơ đã điều trị khoảng 10.000 lượt bệnh nhân thần kinh - đột quỵ, trong đó có 2.361 trường hợp cấp cứu.
Điều đáng chú ý, trong năm 2019 vừa qua, bệnh viện này đã tiếp nhận cấp cứu 781 ca đột quỵ nguy kịch và đã cứu sống gần 95% số bệnh nhân trên, tương đương khoảng 740 ca được cứu sống. Đây là những bệnh nhân chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây.
“Sở dĩ chúng tôi cứu sống bệnh nhân đột quỵ nguy kịch có tỷ lệ cao như trên là nhờ người dân đến bệnh viện trong “thời gian vàng” chiếm tỷ lệ cao hơn, cùng với đó là những trang thiết bị y tế hiện đại chuyên dụng cho điều trị đột quỵ như: máy DSA thế hệ mới chuyên sâu cho can thiệp đột quỵ, C- Arm DSA di động, MRI 3 Tesla, máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh...”, bác sĩ Cường nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Cường cho rằng, với 781 ca đột quỵ nguy kịch mà bệnh viện này tiếp nhận trong năm 2019 vừa qua, chỉ có 110 ca đến trong thời gian vàng (chiếm 18%) vẫn còn là một con số khiêm tốn. Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh miền Tây mắc bệnh đột quỵ, nhưng gia đình không biết chuyển đến bệnh viện nào cho phù hợp, hoặc không nhận biết được người thân bị bệnh đột quỵ làm mất đi “ thời gian vàng” điều trị.
“Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ, sau khi đưa đến nhiều bệnh viện khác rồi mới chuyển đến chúng tôi nên đã qua mất 'thời gian vàng'. Có thể người dân chưa biết ở miền Tây có một bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ hoặc cũng có thể, nhiều người không nhận biết được người thân mình mắc bệnh đột quỵ. Điều này rất cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về căn bệnh đột quỵ để giúp người dân hiểu hơn về căn bệnh này cũng như biết được những nơi điều trị phù hợp”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Theo bác sĩ Cường, hiện nay bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) đang là nguyên nhân gây Tu vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới. Cứ 45 giây trôi qua, thế giới là có ít nhất 1 người bị đột quỵ và cứ 3 phút trôi qua, thế giới lại có 1 người Tu vong vì đột quỵ.
Người mắc bệnh đột quỵ thường có biểu hiện tê liệt cấp tính, ốm yếu hoặc tê cứng mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên của cơ thể... Mất thăng bằng đột ngột, chóng mặt, mất phối hợp; mờ mắt hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt đột ngột, hoặc nhìn đôi.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân bị đột quỵ cứu sống cứu sống... đột quỵ miền tây người dân người dân miền Tây nguy kịch nhồi máu não thời gian vàng