Kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn được trình bày tại Hội nghị Tim mạch Mỹ ngày 12/11, công bố trên Tạp chí Y học New England. Tiến sĩ Michael Lincoff, chuyên gia về tim tại Cleveland Clinic, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ngoài tác dụng làm giảm trọng lượng cơ thể, thuốc có thể làm giảm cả những biến cố về tim mạch.
Nghiên cứu thực hiện trên 17.600 người từ 41 quốc gia. Các bệnh nhân tuổi từ 41 trở lên, có tiền sử tim mạch và chỉ số khối cơ thể từ 27 trở lên, không mắc bệnh tiểu đường. Các tình nguyện viên được chia thành hai nhóm, một nửa tiêm giả dược, còn lại tiêm Wegovy hàng tuần. Tất cả ở diện theo dõi trong hơn ba năm.
Kết quả cho thấy, trong nhóm dùng Wegovy 6,5% tình nguyện viên qua đời vì đau tim, đột quỵ hoặc các nguyên nhân liên quan đến tim mạch. Con số thấp hơn 8% ở nhóm tiêm giả dược. Người được tiêm Wegovy trung bình giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể, duy trì cân nặng đó suốt quá trình thử nghiệm.
Tiến sĩ Martha Gulati, chuyên gia về tim tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, cho biết người dùng Wegovy cũng có cải thiện rõ rệt về tình trạng viêm, cholesterol, lượng đường trong máu và huyết áp.
Theo báo cáo, các tình nguyện viên gặp phải tác dụng phụ là buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Đây là những phản ứng phổ biến của các loại thuốc trị béo phì. Ngoài ra, thuốc còn có mức giá khá đắt đỏ. Chi phí hàng tháng dao động từ khoảng 1.300 USD nếu sử dụng đúng liệu trình.
Novo Nordisk, hãng dược sản xuất Wegovy đã yêu cầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) bổ sung các lợi ích về tim mạch vào nhãn thuốc, tương tự nhãn của Ozempic.
Ozempic là phiên bản liều thấp hơn của wegovy. thuốc cũng từng được chứng minh là giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng về tim mạch ở người tiểu đường. nghiên cứu mới là bước đột phá, khi các nhà khoa học tập trung vào những tình nguyện viên không mắc tiểu đường.
Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, béo phì là một căn bệnh mãn tính, xảy ra do sự gia tăng quá mức chất béo trong cơ thể, làm thúc đẩy và gây rối loạn chức năng mô mỡ. Béo phì luôn là một vấn đề nan giải đối với ngành Y học, căn bệnh mãn tính này không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tâm lý của người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của tim, bởi béo phì và tim mạch có mối quan hệ rất mật thiết.
Hiện nay, tỷ lệ béo phì đang ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, gây ra sự tự ti cho người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đặc biệt là bệnh tim mạch.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, những người bị bệnh béo phì thường có chỉ số BMI ≥30 kg/m2(theo tổ chức y tế thế giới WHO) hoặc ≥ 25 kg/m2 (theo IDI và WPRO dành cho người châu Á, trong đó có Việt Nam). Thêm vào đó, những người ở độ tuổi từ 40-59 bị béo phì sẽ có khả năng mắc các bệnh về tim mạch cao hơn nhiều so với những người có số cân nặng ở mức bình thường.
Mắc bệnh béo phì không chỉ khiến người bệnh mất thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân mắc nhiều căn bệnh khác nhau. Thực tế bệnh béo phì và tim mạch có mối liên hệ rất mật thiết, chúng tương quan gây ra nhiều căn bệnh cho con người.
Béo phì liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và bệnh tim mạch. Theo Harold Bays, MD, FACC cho biết, sự gia tăng quá mức các chất béo trong cơ thể làm mở rộng tâm nhĩ, tâm thất và xơ vữa động mạch, chúng góp phần trực tiếp gây ra bệnh tim mạch. Hơn nữa, việc tăng mỡ cơ thể một cách gián tiếp thông qua sự thúc đẩy chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh huyết khối, khởi phát hoặc làm xấu đi các bệnh về chuyển hóa là các yếu tố nguy cơ chính dẫn tới bệnh tim mạch, bao gồm rối loạn lipid máu, tiểu đường loại 2, huyết áp cao và hội chứng chuyển hóa.
Béo phì thúc đẩy nguy cơ viêm hệ thống, và ngược lại tình trạng viêm có thể thúc đẩy quá trình tạo mỡ cho cơ thể. Tình trạng viêm hệ thống mãn tính, cùng với sự tích tụ của mô mỡ hạ vị thường được tìm thấy ở những người bị bệnh béo phì. Điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, trong đó các lipoprotein xấu LDL-C, thúc đẩy và hình thành nên các mảng bám. Khi các mảng bám trên thành mạch bị vỡ ra sẽ dẫn tới hình thành nên các cục huyết khối đưa tới các cơn đau tim, đột quỵ não, tắc động mạch mạc treo, tắc động mạch chi dưới,...
Ngoài ra, tình trạng viêm mãn tính và tích tụ mỡ ở vùng hạ vị có liên quan mật thiết với sự hiện diện, mức độ nghiêm trọng và tiến triển của bệnh động mạch vành. Các tế bào mỡ biểu mô bình thường có chức năng tương tự như các tế bào mỡ từ mô mỡ màu nâu, giúp đốt cháy axit béo và nuôi dưỡng các mô lân cận. Chúng tiết ra adiponectin, giúp giảm thiểu tình trạng viêm và xơ hóa trong các động mạch vành và cơ tim. Ngược lại, mỡ vùng hạ vị ở những người béo phì dễ bị phân giải, dẫn đến giải phóng axit béo và gây ra phản ứng viêm. Trong béo phì, sự tiết adiponectin từ mỡ vùng hạ vị bị giảm và các adipokine tiền viêm được giải phóng, thúc đẩy sự xâm nhập của các đại thực bào, làm phá hủy các hệ thống vi mạch và kích hoạt các con đường xơ hóa.
Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim, đột quỵ hoặc mắc phải một số căn bệnh về tim mạch khác. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển rung nhĩ do béo phì, khiến tim bị loạn nhịp và dần dần hình thành nên các cục máu đông.
Khi cơ thể bị béo phì sẽ khiến tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn và căng thẳng hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn tới suy tim.
Các chuyên gia tim mạch thường khuyến cáo rằng, nam giới nên để vòng eo dưới 90% vòng mông, và nữ giới nên duy trì ở mức dưới 80%. Tuy nhiên hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng béo phì của mình để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.