Bức ảnh "Nàng Mona Lisa người Afghan" được đăng trên trang bìa tờ National Geographic - tạp chí du lịch – khám phá nổi tiếng nhất nước Mỹ - xuất bản tháng 6/1985 đã có hấp lực đặc biệt với độc giả lúc đó.
Nói đến Afghanistan là nhắc nhớ tới đất nước của những vụ Kh*ng b*, những vụ đánh bom kinh hoàng, những vụ hành quyết rùng rợn, nội chiến kéo dài và đẫm máu. Tất cả đã để lại hệ lụy là một đất nước Afghanistan chìm trong nghèo đói và xung đột, hàng ngàn người đã bị giết, vợ mất chồng, trẻ em mồ côi, cha mẹ mất con… Mảnh đất ấy nghèo đói và hiểm nguy đến mức một thời kỳ dài chẳng mấy phóng viên, tay máy quốc tế nào, dù hăm hở với nghề nhất, nuôi ý định đến tác nghiệp tại đây. Nhưng với phóng viên ảnh Steve McCurry làm việc cho tờ National Geographic và hãng ảnh Magnum Photos, mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Sự “máu nghề”, tình yêu thích mạo hiểm, thích dấn thân đã khiến Steve McCurry nung nấu đến với mảnh đất nguy hiểm này từ lâu. Tuy nhiên, phải đến năm 1984, khi Afghanistan đang trong những tháng ngày đẫm máu, xung đột, Steve McCurry mới hiện thực hóa mong muốn của mình. Và một sự tưởng thưởng xứng đáng đã được dành cho chàng phóng viên nhờ sự dấn thân ấy.
Trong một cuộc viếng thăm trại tị nạn dọc biên giới Pakistan – Afganistan tháng 12 năm 1984, Steve McCurry tình cờ gặp cô bé Sharbat Gula. Sharbat Gula lúc ấy đang là một học sinh tại trường học tự mở trong trại tị nạn. Đập vào mắt, khiến nam phóng viên sững người lại trong giây lát là đôi mắt đẹp đến ngỡ ngàng của nữ sinh. Trong hồi ức của Steve McCurry, đôi mắt ấy khiến anh cảm giác là mình vừa được may mắn gặp gỡ một thiên thần, bởi giữa những dòng người tị nạn thất thần, xấu xí, lam lũ, Sharbat Gula nổi bật như một đóa hoa hương sắc. "Tôi để ý thấy cô bé gái với đôi mắt đẹp đến sững người, và tôi biết rằng tôi phải chụp được cô bé ấy" - Steve McCurry nhớ lại.
Bởi “cái sự phải” thôi thúc ấy mà Steve McCurry đã phải rất kỳ công mới thuyết phục được Sharbat Gula, bởi cô bé với danh phận người tị nạn ấy còn đầy ắp những bỡ ngỡ, sợ sệt, cả những mặc cảm về thân phận của mình… vì thế nỗi e ngại trước một người nước ngoài, lại là nam giới là điều dễ hiểu. Sau này, gần gũi hơn, Sharbat Gula bẽn lẽn tâm sự rằng cô chưa từng nhìn thấy cái máy ảnh ngoài đời bao giờ.
Trong ký ức của Steve McCurry, ban đầu bởi sự ngại ngùng ấy nên khi anh giơ máy chụp thì cô bé cũng ngay lập tức lấy tay che mặt. Mấy lần lặp đi lặp lại như thế, giáo viên của Sharbat Gula phải lên tiếng bảo cô bé hãy bỏ tay xuống thì mới chụp được. Nhưng khi đã “hợp tác” thì cô bé “diễn như không diễn”, giúp Steve McCurry dễ dàng tác nghiệp.
“Thế rồi cô bé thả tay xuống và nhìn thẳng vào ống kính của tôi, đôi mắt ấy như xuyên qua tim của người nhìn. Cô bé trông xinh và tuyệt vời lắm. Tôi chỉ việc bấm máy và chụp. Tôi chụp rất nhanh, chỉ vài ba bức gì đó. Cô bé ngay sau nỗi e thẹn, chụp xong đã bỏ chạy ra chơi với bạn bè, hồn nhiên như chưa từng có chuyện “làm người mẫu ảnh” vừa xảy đến chỉ mấy phút trước đó” - Steve McCurry kể lại với nỗi háo hức khó giấu như thể câu chuyện vừa diễn ra mới đây thôi.
Đôi mắt xanh rất có hồn của cô bé, màu sắc đặc biệt của tấm khăn choàng… tất cả đã giúp Steve McCurry nuôi niềm tin rằng chùm ảnh chụp Sharbat Gula sẽ là chùm ảnh ấn tượng. Tuy nhiên, do điều kiện thời bấy giờ, mãi 2 tháng sau khi cuộn ảnh được tráng rọi thì Steve McCurry mới được nhìn thấy tác phẩm của mình. Sau khi chọn lựa, Steve McCurry gửi lên BBT tờ National Geographic hai bức ảnh: lúc Gula nhìn thẳng vào ống kính và lúc cô che mặt.
Khi Tổng Biên tập tờ National Geographic nhìn thấy bức ảnh Gula nhìn vào ống kính, ông đã không chần chừ mà rằng đây sẽ là nhân vật ảnh bìa cho tạp chí số tháng sau, bất chấp việc trước đó, một nhân vật trang bìa khác đã được chọn lựa.
Sự quyết đoán của Tổng Biên tập tờ National Geographic là có lý do của nó. Tạp chí National Geographic số tháng 6/1985 ngay sau khi xuất hiện đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng. Nhiều độc giả lên tiếng trầm trồ về đôi mắt xanh mà với họ là đầy ám ảnh, biết nói của cô bé. Họ bị quyến rũ đến mức đã gọi cô bé Sharbat Gula là "Nàng Mona Lisa người Afghan".
Gặp gỡ với nhau như một định mệnh, “nên duyên” với nhau từ một bức ảnh được nhiều người biết đến nhưng số phận khéo sắp đặt để mãi đến 18 năm sau, khi cô bé Sharbat Gula năm nào giờ đây đã trở thành một người phụ nữ xinh đẹp. Điều lạ là Sharbat Gula chẳng hề mảy may biết mình là người nổi tiếng. Điều kiện gia đình không may mắn (cha mẹ Sharbat Gula mất từ khi em mới là cô bé 12 tuổi), cuộc sống nghèo khó phải thường xuyên dịch chuyển chẳng giúp Sharbat Gula có được mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài, nói gì tới báo chí, truyền thông. Thế nên, chuyện Sharbat Gula chẳng biết, thậm chí chẳng quan tâm tới sự nổi tiếng của mình cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Cũng không biết bởi sự e ngại, mặc cảm thân phận khó giấu mà ngay cả khi biết chuyện, cả khi nhìn lại bức ảnh của mình sau 18 năm, Sharbat Gula cũng không có phản ứng gì đặc biệt. Cô gái chỉ lặng lẽ nhìn với ánh mắt không nhiều cảm xúc. Chỉ Steve McCurry là đau đớn thấu hiểu ánh mắt ấy. Nếu 18 năm trước là ánh mắt còn thoáng nhìn thơ ngây, còn trong sáng vô ngần, thì 18 năm sau đã đượm những lo toan, mặc cảm của một cô gái “vừa là dân tị nạn vừa là trẻ mồ côi”. Nhưng một điều khiến nhiếp ảnh gia ấm lòng là nhân vật để đời của anh về sau cũng được bù đắp phần nào hạnh phúc. Sharbat Gula đã có cho mình một tổ ấm riêng với người chồng và 3 người con gái. Âu cũng là sự công bằng cho một số phận mang trên mình những dấu ấn khá đặc biệt.