SCMP dẫn kết quả một công trình nghiên cứu từ các chuyên gia Mỹ, Anh và Australia về quá khứ tiến hóa của virus corona mới, đặt ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã lây từ động vật sang người từ rất lâu trước khi nó lần đầu bị phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.
Mặc dù vẫn có thể có khả năng khác xảy ra, nhưng các nhà khoa học nói rằng virus corona mới dường như mang theo một đột biến đặc biệt không được tìm thấy ở các vật chủ động vật nhưng lại xuất hiện ở các ổ dịch quy mô nhỏ liên quan tới con người.
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi nhà khoa học Kristian Andersen từ Viện nghiên cứu Scripps (California, Mỹ), Andrew Rambaut từ Đại học Edinburgh (Scotland), Ian Lipkin từ Đại học Columbia (New York, Mỹ), Edward Holmes từ Đại học Sydney (Úc) và Rober Garry từ Đại học Tulane (New Orleans, Mỹ). Nội dung nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Medicine hôm 17/3.
Chuyên gia Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) - người không tham gia vào nghiên cứu - nhận định rằng kết quả nói trên có thể cho thấy một kịch bản rằng virus corona mới đã lây truyền giữa động vật và người từ lâu trước khi nó gây ra bệnh Covid-19 trên người.
“Do sự tiến hóa dần dần trong nhiều năm hoặc có thể là hàng thập niên, virus corona mới đã dần đạt được khả năng lây lan từ người qua người và gây nên mầm bệnh nghiêm trọng, có thể gây ch*t người”, ông Collins nhận định trong một bài viết đăng tải trên trang web NIH hôm 26/3.
Tháng 12, các bác sĩ ở Vũ Hán bắt đầu phát hiện sự gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi lạ. Tuy nhiên, các xét nghiệm về cảm cúm và các chủng virus khác đều cho kết quả âm tính. Một chủng không xác định đã bị phân lập và các nhà khoa học từ viện Virus học Vũ Hán truy ra nguồn gốc của chủng này từ con dơi được tìm thấy trong hang động gần biên giới Trung Quốc - Myanmar.
Hai virus giống nhau 96% về bộ gen nhưng virus trên dơi không lây nhiễm cho người vì nó thiếu gai protein để bám với thụ thể trong tế bào người.
Một nhóm nghiên cứu từ Quảng Châu và Hong Kong sau đó đã tìm thấy các virus corona có protein tăng đột biến ở tê tê Malaya, làm dấy lên giả thuyết rằng đã có sự tái tổ hợp bộ gen giữa virus trên dơi và virus tê tê.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Andersen và các cộng sự, chủng SARS-CoV-2 đã có đột biến trong bộ gen chưa được tìm thấy trong bất cứ virus corona nào trên dơi hay tê tê.
Theo các nghiên cứu độc lập khác từ các chuyên gia từ Trung Quốc, Pháp và Mỹ, đột biến trên có thể tạo nên một cấu trúc đặc biệt trong gai protein của virus để liên kết với furin, một loại enzyme trong cơ thể người. Điều này có thể đã kích hoạt sự hợp nhất giữa vỏ virus và màng tế bào người.
Một số virus lây giữa người với người như HIV hay Ebola cũng có cơ chế tương tự liên quan tới furin, khiến chúng trở thành chủng virus lây lan.
Theo nghiên cứu, hoàn toàn có khả năng rằng các đột biến của virus corona đã diễn ra một cách tự nhiên khi nó nằm trên vật chủ động vật. Virus gây nên dịch Sars hay Mers cũng được cho là “hậu duệ” của của virus tìm thấy trên cầy hương và lạc đà, với 99% trùng khớp về bộ gen.
Tuy nhiên, chưa có những bằng chứng tương tự như vậy với chủng virus corona mới vì sự khác nhau giữa virus trên người và virus trên động vật là khá lớn. Vì vậy, nhóm của ông Ardersen đã đưa ra một giả thuyết khác.
Nghiên cứu nói rằng có khả năng rằng tổ tiên của SARS-CoV-2 đã bị lây từ động vật qua người, sau đó chúng thích nghi và thay đổi rồi gây ra truyền nhiễm giữa người với người. Những thích nghi này sau đó đã khiến bệnh dịch bùng phát thành các ổ dịch nhỏ, đủ để hệ thống giám sát phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Theo ông Collins, nghiên cứu trên đã gần như bác bỏ hoàn toàn giả thuyết rằng virus corona mới có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.