Vừa đặt chân đến Việt Nam mới 3 tháng, anh đầu bếp Nhật Bản trẻ tuổi Shimada Ryosuke đã sớm phải lòng món Nam. Mong muốn kết hợp với hương vị Nhật Bản, Shimada đã giới thiệu món bánh mì mới toanh cho chủ quán Oni Oni - nơi anh đang làm việc để đưa món bánh mì vào thực đơn phục vụ.
Bánh mì của anh mang phong cách Fusion - phong cách ẩm thực kết hợp nhiều yếu tố về nguyên liệu và cách chế biến giữa nhiều quốc gia, nhiều nền ẩm thực khác nhau. Các thực khách từ người Việt, người Nhật đến khách Tây bước vào quán Oni-Oni (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), phần lớn đều hứng thú gọi: “Cho một bánh mì!”
Anh Shimada Ryosuke - bếp trưởng quán ăn Oni Oni và chị Thủy Tiên, phiên dịch viên của anh. |
Oni Oni nằm khuất trong khu phố nhỏ, được quản lý bởi anh Shimada và chị Phạm Thị Thủy Tiên - vừa là bạn, vừa là phiên dịch viên của Shimada. Dù không biết tiếng Việt, Shimada rất hồ hởi khi chia sẻ về món bánh mì của mình: “Ở Nhật chúng tôi cũng có ăn bánh mì, nhưng tôi rất thích thú với cách ăn của người Việt Nam, xẻ đôi bánh mì và cho vào đó các loại nhân thật đa đạng.
Vì vậy khi về đây làm việc, tôi nghĩ quán bán cho người Việt lẫn người Nhật, phải có món gì đó độc đáo mà vẫn trung hòa được khẩu vị và sở thích ẩm thực của cả hai đối tượng thực khách. Quán ăn của chúng tôi hướng đến phong cách dân dã, thân thiện. Vì thế, tôi nghĩ ngay đến bánh mì.”
Anh Shimada nướng bánh trên lò than để lớp vỏ nóng giòn |
Quán ăn anh Shimada làm bếp trưởng phục vụ 4 loại bánh mì theo phong cách Fusion. Bánh mì có 4 loại nhân: gà nướng, gà chiên, gà cốt-lết và korokke (bánh khoai tây kiểu Nhật). Bánh có vỏ ngoài giòn, xốp nhưng bên trong vẫn giữ được độ ẩm vừa phải từ nước sốt.
Đặc biệt, thịt gà được nấu chín tới nên mềm và mọng nước. Mỗi chiếc bánh mì có giá từ 18.000đ -28.000 đồng. Bên cạnh đó, quán còn phục vụ đa dạng các món ăn bình dân kiểu Nhật.
Anh Shimada chia sẻ tất cả các nguyên liệu đều là của Việt Nam, chỉ có sốt tương đậu là phải nhập từ Nhật. Anh Shimada còn rất chú ý đến cách thưởng thức thức ăn của người Việt: “Khi khám phá ẩm thực Việt Nam, điều tôi thích nhất là mọi người có thể tự do, thỏa thích nêm nếm thêm cho món ăn của mình bằng nhiều loại gia vị để sẵn trên bàn, nhất là nêm tương ớt. Vì vậy ở đây, trên bàn ăn của khách luôn để sẵn chai tương ớt.”
Một chiếc bánh mì với giá chưa đến 30.000 đồng |
Theo chia sẻ của chị Thủy Tiên, quán ăn chỉ mới khai trương được 3 tháng, lại vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng lại may mắn được thực khách ủng hộ khá nhiều.
Anh Shimada lại luôn lạc quan, khi được hỏi về tình hình dịch bệnh, anh nói: “Khi đến TP.HCM làm việc, tôi không lo nghĩ gì cả vì biết ở đây rất an toàn. Quê tôi ở Kobe, tình hình dịch bệnh cũng đang được kiểm soát rất tốt. Nên cứ bình tĩnh thì mọi thứ sẽ ổn. Tôi còn đang rất mong chờ để được đi vòng quanh và trải nghiệm thêm nhiều món ăn Việt Nam nữa”.
Quán có phong cách gần gũi, ấm cúng |
|
Trên tường có treo rất nhiều đồ chơi để phát miễn phí cho các bé nhỏ đến ăn cùng gia đình |
Chủ đề liên quan:
bánh mì bánh mì Việt biến tấu đầu bếp Nhật làm bánh ngon không tưởng người nhật Shimada Ryosuke