Bệnh theo mùa hôm nay

Những bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa bão

Mưa bão, lũ lụt… khiến các nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng dẫn đến nhiều căn bệnh bùng phát, nguy cơ trở thành dịch.

Các bệnh thường xuất hiện mùa mưa bão

Bệnh đau mắt

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Khi bão lụt điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Hơn nữa mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi rút gây bệnh đau mắt.

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh….

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; không dùng chung khăn, gối, chậu rửa mặt… của người bệnh; không dùng tay dụi mắt, có thể vệ sinh mắt bằng nước muối S*nh l* hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt...

Bệnh về da

Trong và sau mưa, lũ lụt, vô số vi sinh vật gây bệnh hòa vào nước tràn ra làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Nếu không xử lý kịp thời nguồn nước, môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là các bệnh về da bùng phát như: như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Do lũ lụt điều kiện vệ sinh kém, thiếu dịch vụ y tế, thực phẩm, nước uống, sử dụng các vật dụng chung... Các bệnh về da gây lở, loét, ngứa rát ảnh hưởng sức khỏe, công việc và thẩm mỹ.

Bệnh đường tiêu hóa

Bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...) hoặc amíp, Giardia. Nhóm các bệnh này thường dễ gây dịch với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Điển hình hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy cấp.Đứng hàng đầu trong bệnh tiêu chảy là tiêu chảy cấp tính. Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera).

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả rất nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì căn nguyên gây tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống ).

Bệnh sốt vàng da

Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra: Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Trong và sau mưa, lũ lụt, nếu ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở gây bệnh cho người.

Do đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng), phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường, triệt các nguồn sinh sôi phát triển của muỗi.

Phòng ngừa bệnh mùa mưa bão

Để phòng ngừa bệnh trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ,nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, Thu*c, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Theo Hà Anh - Tổ quốc

Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/nhung-benh-thuong-xuat-hien-trong-mua-mua-bao-n282696.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY