Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Những bước tiến vượt bậc của y tế Việt Nam

Liên tiếp trong thời gian qua, hệ thống y tế cả nước tiếp tục có thêm nhiều thành tựu gây tiếng vang lớn, đầu tiên là kỷ lục trong 1 tuần các thầy Thu*c thực hiện thành công 15 ca ghép tạng - ghi một dấu ấn đặc biệt cho chuyên ngành này;

Lần đầu tiên ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi cân nặng ít nhất Việt Nam thành công hay ca phẫu thuật kéo dài nhiều tiếng liền để hồi sinh sự sống cho bệnh nhân đã được gia đình xin về chờ ch*t... Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tại các tuyến y tế cũng không ngừng đầu tư trang thiết bị, triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, tiếp tục đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh, đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người bệnh...

Tất cả nỗ lực này nhằm tạo nên những đột phá để “hút” và giữ chân người dân khám chữa bệnh trong nước, không phải vất vả ra nước ngoài, đồng thời từng bước thực hiện thành công đề án “sợi dây rút ngược” của ngành - kéo người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, người dân trong nước khám chữa bệnh nhiều hơn ở tuyến dưới...

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và động viên bệnh nhân được ghép tạng tại Trung tâm Ghép tạng BV Việt Đức.

Những ngày cuối thu tháng 8 này, các thầy Thu*c của BV Việt Đức đã làm nên kỷ lục của nền y khoa Việt Nam, đó là chỉ trong 1 tuần, bằng sự điều phối nhịp nhàng, sự nỗ lực không mệt mỏi và đặc biệt là trình độ chuyên môn làm chủ kỹ thuật cao, đã có 15 ca ghép tạng, trong đó có 1 ghép phổi - kỹ thuật ghép khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng được thực hiện thành công. Nhiều cuộc đời, sự sống vốn mong manh như ngọn đèn trước gió đã được hồi sinh ngoạn mục. Chính vì vậy, tư lệnh ngành y - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm bệnh nhân ghép tạng và khen thưởng “nóng” cho các thầy Thu*c đã vui mừng bày tỏ: “Với 15 ca ghép tạng đã tạo dấu ấn đột phá, thể hiện nỗ lực lớn của tập thể lãnh đạo BV Việt Đức và các y bác sĩ. Đây cũng là kỷ lục về năng suất lao động, cống hiến hết mình vì người bệnh”. Đồng thời, theo Bộ trưởng, đáng vui mừng hơn cả là sự trưởng thành ngày càng lớn mạnh và khẳng định thương hiệu của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam.

Theo Giám đốc BV Việt Đức, Trần Bình Giang, hiện nay các y bác sĩ BV Việt Đức không chỉ thực hiện nhiều ca ghép tạng khó, ghép tạng thường quy mà còn hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng - nhất là ghép thận cho tuyến dưới như tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An... Một số nơi đã thực hiện ghép thận thành thường quy, giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh.

Cũng về chuyên ngành ghép tạng, trước đó tại BV Nhi TW, trải qua hơn 12 giờ phẫu thuật, 40 thầy Thu*c “made in” Việt Nam cùng với chuyên gia ghép tạng đến từ Đài Loan đã ghép thành công một phần gan trái của người bố cho cứu sống bệnh nhi 1 tuổi, nặng 6,7kg. Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi, cân nặng ít nhất được thực hiện thành công tại Việt Nam. Thành công của các ca ghép gan này thể hiện sự quyết tâm rất lớn và sự nỗ lực của các y bác sĩ BV Nhi TW trong việc từng bước làm chủ các kỹ thuật cao, phức tạp để hồi sinh sự sống cho nhiều bệnh nhi.

Cách đây khoảng 3 tuần, một ca phẫu thuật đặc biệt tại BV Việt Đức đã cứu sống thần kỳ bệnh nhân 61 tuổi ở Hưng Yên bị lóc động mạch chủ loại A cấp đã có biến chứng tắc mạch máu lên não và suy hô hấp đồng thời với suy thận nặng. Điều đáng nói là trước đó, gia đình bệnh nhân đã xin bệnh nhân về nhà để... chờ ch*t.

Ca phẫu thuật thay thế cuống tim và hệ thống mạch máu nuôi não cho bệnh nhân này kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ với hệ thống máy tim phổi nhân tạo, điều khiển hạ nhiệt độ sâu dưới mức thân nhiệt bình thường tới hàng chục độ C để có thể tạm ngừng tưới máu cho phần lớn cơ thể mà vẫn giữ được tương đối an toàn. “Đây là những kỹ thuật rất khó, ảnh hưởng nặng tới sự cấp máu của toàn bộ cơ thể và có nguy cơ cao gây ra các rối loạn nặng sau mổ như suy đa tạng, chảy máu dữ dội... Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết sức của toàn kíp mổ, cuộc mổ đã diễn ra thuận lợi” - TS. Vũ Ngọc Tú, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức cho biết.

PGS.TS. Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết TW hướng dẫn phẫu thuật nội soi tuyến giáp cho học viên người nước ngoài.

Ngày 28/8, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (BVĐK Xanh Pôn - Hà Nội) chính thức đưa vào sử dụng máy PYREXAR tăng nhiệt hỗ trợ điều trị ung thư. Việc trang bị này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới sở hữu hệ thống điều trị ung thư bằng gia nhiệt Pyrexar 3D, sử dụng sóng cao tần không xâm lấn với mức nhiệt từ 40 - 450C. Thiết bị này có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị, trong nhiều liệu trình điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư thể rắn.

BS. Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BVĐK Xanh Pôn cho biết, đây là thiết bị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ 3D, có tác dụng tốt trong điều trị các khối u đặc, diệt các tế bào ung thư bằng cách tăng dần nhiệt độ đến mức tối ưu và không làm ảnh hưởng đến tế bào lành, hiệu ứng đạt cao nhất khi nhiệt độ ở mức 430C. Phương pháp này cũng ngăn chặn sự phân chia không kiểm soát đặc trưng của tế bào ung thư.

Trước đó, cuối tháng 7/2019, Bệnh viện K đã đưa vào sử dụng hệ thống máy điều trị xạ phẫu bằng gamma knife thế hệ icon, đây là thế hệ máy xạ phẫu hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Theo TS. Nguyễn Đức Liên - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện K, ngoài tính năng điều trị như các máy thế hệ cũ, gamma knife icon còn được trang bị thêm hệ thống chụp cắt lớp vi tính trong khi điều trị, hệ thống theo dõi di động. Do vậy có thêm tính năng điều trị xạ phẫu gamma knife bằng cố định mặt nạ (không cần khung cố định ghim lên đầu), giúp bệnh nhân thoải mái, không bị đau, không cần gây tê mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị như dùng khung cố định. Điều trị gamma knife đặc biệt hiệu quả với các tổn thương ở các vị trí khó tiếp cận bằng phẫu thuật, các tổn thương tái phát hay u còn tồn dư sau phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần điều trị 1 lần, chỉ cần nằm viện 1 ngày, giảm chi phí điều trị.

Cũng trong tháng 7/2019, BVĐK Đức Giang đã đầu tư hệ thống robot để phục vụ cho các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, giúp bệnh nhân mắc các bệnh lý về cột sống có thêm nhiều sự lựa chọn, mà không phải đến cơ sở y tế tuyến TW để được phẫu thuật bằng robot

Bên cạnh đó, với chủ trương và định hướng phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu (tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh) đến nay, nhiều BV đã được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại mà “nước bạn có gì, mình cũng có cái đó”, giá tiền khám, chữa bệnh lại rẻ hơn.

Phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Một trong những băn khoăn, trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong các sự kiện lớn của ngành y tế với sự tham gia của giám đốc nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước là làm thế nào để người dân Việt Nam - nhất là những người có khả năng chi trả không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh? Rồi làm sao để người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam chọn các cơ sở y tế của nước ta để khám chữa bệnh, chăm sóc sau điều trị? Và làm sao để người dân trong nước yên tâm khám chữa bệnh ngay tại tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên?

Bộ trưởng Bộ Y tế đã rất thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù số lượng người nước ngoài và Việt kiều về Việt Nam chữa bệnh tăng, tuy nhiên trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. “Sở dĩ có hiện tượng này vì nhiều cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường, chưa đầu tư phát triển các kỹ thuật cao. Nhiều BV chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện” - Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng hiện vẫn còn tình trạng nhiều BV tuyến TW “tham bát bỏ mâm”, chữa cả các bệnh thông thường mà tuyến dưới có thể làm được. Để giải quyết bài toán này, ngành y tế đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện đề án “sợi dây rút ngược”. Theo đó, ngành y tế nhất thiết phải đẩy mạnh kỹ thuật cao tại các tuyến trên. Tại BV tuyến Trung ương sẽ giảm việc khám chữa điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, tập trung vào làm kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu, thiết lập các phòng bệnh theo mô hình đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Còn tại tuyến xã, tuyến huyện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông để người dân tin tưởng ở lại các tuyến này khám, điều trị những bệnh thông thường và bệnh mạn tính. Để đạt mục tiêu này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện đưa bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về thăm khám tại tuyến xã theo lịch. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực tài chính từ vốn vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, WHO, Quỹ Toàn cầu, EU và các đối tác phát triển để tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đổi mới cơ chế tài chính y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thực tế cho thấy, cùng với sự tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại kết hợp với trình độ thầy Thu*c Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực (có không ít thầy Thu*c Việt Nam như GS. Nguyễn Thanh Liêm, PGS.TS. Trần Ngọc Lương... là thầy dạy của nhiều bác sĩ trên thế giới); cùng với những đổi mới của y tế cơ sở việc thực hiện thành công đề án “sợi dây rút ngược” - “níu” người Việt ở lại khám chữa bệnh trong nước, kéo người nước ngoài đến cơ sở y tế của Việt Nam khám chữa bệnh và giữ chân người bệnh khám chữa bệnh thông thường tại tuyến dưới là hoàn toàn hiện hữu...

Thái Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/nhung-buoc-tien-vuot-bac-cua-y-te-viet-nam-n162893.html)

Chủ đề liên quan:

việt nam y tế y tế việt nam

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY