Nhịp cầu nhân ái hôm nay

Những chuyến xe nghĩa tình

Vận chuyển bệnh nhân nhưng không gọi là xe cứu thương, cũng chẳng gọi là xe cấp cứu. Hằng ngày, trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không khó bắt gặp những chuyến xe với dòng chữ “Xe chuyển bệnh miễn phí” đều đặn lăn bánh. Đã không biết bao bệnh nhân nghèo, sống vùng nông thôn xa xôi được cứu sống nhờ những chuyến xe nghĩa tình đó...

Góp phần giành lại sự sống

Xã An Hòa, huyện Tam Nông cách trung tâm tỉnh lỵ Đồng Tháp ngót nghét 50 cây số. Đây là địa phương đầu tiên của các huyện phía bắc sông Tiền tỉnh Đồng Tháp xuất hiện mô hình “Xe chuyển bệnh miễn phí”. An Hòa có tuyến quốc lộ 30 ngang qua, dân cư đông đúc. Người dân ở đây phần lớn sống bằng nghề nông, buôn bán nhỏ, làm thuê.

Gặp anh Phạm Hữu Dàng trong một buổi chiều tháng 6, khi mà từng vạt ráng chiều đã ngả vàng trên cánh đồng. Lúc này, anh vừa về tới xã sau chuyến chuyển một nữ bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Ở tuổi 35 nhưng anh Dàng có “thâm niên” đến 13 năm cầm vô-lăng chuyển bệnh nhân miễn phí. Không có con đường nào trong xã, không một bệnh viện công nào ở Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh mà không có dấu chân anh. Bước xuống xe ngồi ghế nghỉ mệt, anh mới được ăn trọn bữa cơm trưa. Bởi trước đó, vừa ăn chưa đầy chén cơm, anh nhận cuộc gọi với giọng nói hoảng hốt của một người đàn ông trong xóm nhờ chuyển gấp người thân đi cấp cứu tại TP Cao Lãnh. Trên đường quay về nhà, anh không dám tấp vào quán ăn, vì sợ có người gọi chở cấp cứu mà không về kịp để chở đi.

Trung bình mỗi tháng anh Dàng chuyển 30 ca bệnh nặng đi cấp cứu, điều trị. Có những đêm anh chuyển hai ca, khi về đến nhà cũng đã rạng sáng. Mỗi chuyến đi là mỗi lần đọng lại trong anh nhiều cảm xúc khó tả với những vui buồn lẫn lộn. Đó là một khuya tháng 2, anh Dàng nhận được cuộc gọi của chị gái bệnh nhân bảo chở giùm đứa em đi sinh gấp. Trên suốt đoạn đường đi, vừa lái xe sao cho nhanh, an toàn, anh vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe. Anh cũng không quên để ý từng trạm y tế dọc đường, nếu cảm thấy không ổn thì sẽ tấp vào sơ cứu. Khi đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, mọi người trên xe vỡ òa mừng rơi nước mắt. Thai phụ được chuyển vào cấp cứu sản khẩn cấp, bác sĩ khi ấy thốt lên: “May mà vừa đến kịp, không thôi sinh trên xe, nguy hiểm tính mạng cho cả hai mẹ con”.

Ngồi cạnh anh Dàng là anh Nguyễn Thanh Tú, 39 tuổi, ngụ ấp 2, xã An Hòa. Anh Tú cũng là tài xế xe chuyển bệnh miễn phí. Điều đặc biệt, chiếc xe chuyên dụng mà anh Tú đang cầm lái trị giá hơn 760 triệu đồng là do chính gia đình anh mua tặng cho Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa. Chỉ tay về hướng xe chuyển bệnh miễn phí, anh Tú bảo: “Xe đưa vào hoạt động tính đến nay chưa đầy sáu tháng, nhưng đã vận chuyển được hơn 120 lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bệnh rất nặng hoặc bị T*i n*n giao thông trên quốc lộ”. Lật từng trang trong cuốn sổ theo dõi vận chuyển bệnh nhân, khung thời gian ngày tháng được ghi chi chít mới thấy công việc được các anh thực hiện hầu như ngày nối tiếp ngày. Những chuyến chuyển viện của các anh gần nhất là Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự và xa nhất là TP Hồ Chí Minh.

Tại trang sổ ghi ngày 25-5 có dòng chữ “Chở chú Sáu Beo, 60 tuổi, đi cấp cứu. Triệu chứng bệnh: chú bị tai biến”. Hồi tưởng lại ngày hôm ấy, anh Tú kể: Hôm đó tôi có một chuyến chở người bệnh, về nhà tranh thủ nằm ngủ trưa, được tầm 10 phút thì anh Tâm, con chú Sáu Beo gọi bảo chở ba anh đi cấp cứu gấp, đang bị tai biến. Nói thiệt là hôm đó tôi cần vệ sinh cá nhân mà không dám đi, để vội chạy sang nhà chú Sáu xem bệnh tình ra sao. Vì nếu mà mình chậm trễ phút giây nào thì người bệnh sẽ gặp nguy hiểm hơn, vì sẽ chậm trễ “giờ vàng”. Do đó, khi thấy người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, anh tức tốc lái xe đi thẳng một lèo vào một bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ tại TP Cần Thơ. “Nhớ lại tình cảnh hôm đó mà giờ tôi còn cảm thấy run. Lúc ấy tôi đang ngoài ruộng. Chú trong xóm điện nói tôi là mọi người đang ngồi nói chuyện với nhau thì thấy miệng ba méo sang một bên, tay chân tê không cử động. Tôi đã nghĩ ngay đến xe chuyển bệnh của xã mình chở đi thì may ra mới còn kịp. Chở ba đến bệnh viện mà bác sĩ muốn run theo người nhà. Bác sĩ cho hay là ba được cứu sống nhờ kịp “giờ vàng”. Gia đình chúng tôi mang ơn anh Tú và xe chuyển bệnh miễn phí nhiều lắm. Không có xe này chắc là ba tôi đã không qua khỏi, để mà ngồi nói chuyện vui cười với con cháu như hiện giờ”, anh Trần Công Tấn, con chú Sáu Beo chia sẻ.

Xuôi về miệt cù lao long phú thuận của huyện hồng ngự, trên đường đi, tôi tình cờ gặp một xe chuyển bệnh miễn phí đi qua bến phà mương lớn. đây là chuyến xe chở bệnh nhân về nhà. ở xứ cù lao này, những chuyến xe như thế đã không biết bao lần giành lại sự sống, mang lại hạnh phúc cho bệnh nhân. niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi kể việc người thân mình vượt qua hiểm nguy nhờ xe chuyển bệnh miễn phí ở xã, chị nguyễn thị khánh, ngụ ấp phú lợi b, xã phú thuận b, huyện hồng ngự bộc bạch: “không có xe từ thiện ở xã thì giờ không biết mẹ có còn sống với chúng tôi không. mẹ tôi bị bệnh phổi, hôm đó thấy mẹ thở không nổi, đau tức ngực, gia đình liền gọi xe chuyển bệnh miễn phí ở xã. may mà ở xã có xe đi liền, chứ chờ xe cấp cứu ở huyện hay tp hồng ngự qua phà tốn nhiều thời gian, chắc là mẹ khó qua khỏi”.

Tình người qua những chiếc xe

Vào những năm 2010 trở về trước, ở Đồng Tháp xuất hiện chưa đầy 40 xe chuyển bệnh miễn phí, là những xe không chuyên dụng, do UBND xã và Hội Chữ thập đỏ các xã quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 xe ô-tô chuyển bệnh mang tính nhân đạo, trong đó xe chuyên dụng là 61 xe. Hằng năm, các xe hỗ trợ chuyển bệnh cho gần 20 nghìn lượt người bệnh, phần nhiều là bệnh nặng, T*i n*n giao thông.

Đối với bà con nghèo, những nơi đường sá xa xôi, đò ngang trắc trở, có được xe chuyển bệnh miễn phí đã như là giấc mơ. Vui mừng hơn khi ngày càng có nhiều xã ở Đồng Tháp có xe chuyên dụng và để có được những chiếc xe ấy là rất nhiều câu chuyện thật đẹp, thật ấm áp nghĩa tình.

Đó là năm 2012, chiếc xe cứu thương chuyên dụng hiệu Hyundai mới toanh với trang thiết bị y tế đầy đủ hiện đại, bảo đảm phục vụ tốt cho việc chuyên chở bệnh nhân được Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa mang về trong niềm vui khôn xiết của bà con nơi đây. Để có được xe trị giá 670 triệu đồng này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa Nguyễn Văn Hoàng đã cất công nhiều lần vận động người dân góp tiền mua xe. Thế nhưng, phần đông người dân trong xã và các địa phương lân cận cuộc sống còn lắm khó khăn, mỗi người chỉ đóng góp được một khoản tiền nhỏ. Vậy là ông nảy ra ý định vận động xin các gốc rạ sau khi thu hoạch lúa của người dân. Suốt hai năm trời, ông Hoàng vận động được 1.800 ha đất lúa vừa thu hoạch, rồi ông bán các gốc rạ (tức bán lúa rơi ngoài đồng sau thu hoạch) để các chủ chăn nuôi vịt chạy đồng mua cho vịt ăn. “Có được số tiền kha khá, mọi người mừng lắm, tức tốc đi TP Hồ Chí Minh lựa xe. Cửa hàng xe báo giá nhưng không đủ tiền trả, chủ cửa hàng bán và cho nợ hơn 100 triệu đồng. Tôi về nhà thông báo cho người dân biết, thì bà con cho Hội Chữ thập đỏ mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi cầm vay ngân hàng trả hết số tiền nợ”, ông Hoàng nói.

Khi Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa có được xe chuyển bệnh miễn phí chuyên dụng thì xe hoạt động liên tục mỗi ngày và không thể đủ chở bệnh nhân. Bởi ngoài chuyển bệnh trên địa bàn xã, nhiều xã lân cận cũng nhờ Hội Chữ thập đỏ An Hòa hỗ trợ vận chuyển người bệnh. Trước nhu cầu chuyển viện của bà con ngày càng nhiều, ông Nguyễn Văn Năm (ba của tài xế Nguyễn Thanh Tú) đã quyết định tự nguyện bỏ ra 768 triệu đồng mua xe cứu thương tặng Hội Chữ thập đỏ xã An Hòa để Hội chuyển bệnh miễn phí cho người dân trong và ngoài xã. Ngoài tặng xe, hằng tháng ông Năm còn hỗ trợ đổ nhiên liệu cho cả hai xe. Nói về nghĩa cử cao đẹp của mình, ông Năm chân tình: “Ngày xưa hoàn cảnh tôi có lúc rơi vào khó khăn. Giờ khá giả, nhìn lại tôi ngày xưa rồi tự nhiên thấy thương bà con hơn. Với lại tôi làm việc thiện để sau này các con cháu thấy giúp người thì cũng làm theo”.

Ban điều hành xe, tài xế những chuyến xe ấy cũng sống trọn với cả tấm lòng thiện nguyện. không biết bao lần, tài xế chuyển cấp cứu các nạn nhân bị T*i n*n giao thông mà không có người nhà theo cùng, các anh phải đứng ra làm người nhà nạn nhân, lo tiền viện phí ban đầu, thủ tục giấy tờ, mua thau, mua khăn, nước trà đường… để chăm sóc bệnh nhân.

Hiện Đồng Tháp có 11 trong số 12 huyện, thành phố có mô hình xe chuyển bệnh miễn phí, trong đó huyện Hồng Ngự và Tam Nông có nhiều xe chuyển bệnh chuyên dụng nhất, với mỗi huyện 12 xe. Trong hoạt động, ban điều hành xe tại các xã, phường, thị trấn không thu phí mà trên tinh thần tự nguyện của các nhà hảo tâm để có nguồn quỹ đổ nhiên liệu. Khi có nhu cầu sửa chữa xe, nếu không có kinh phí thì đại diện Hội Chữ thập đỏ đi vận động các nhà hảo tâm. Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện biên giới Hồng Ngự Lê Văn Dũng cho biết: “Phong trào vận động mua xe luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân”. Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tam Nông Nguyễn Văn Giàu, người dân trên địa bàn huyện cảm thấy yên tâm khi lỡ xảy ra ốm đau gì cũng có xe chuyển bệnh tại xã chuyển đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp xe chuyển bệnh nhân trên đường chưa về kịp, ban điều hành xe sẽ liên hệ xã lân cận hỗ trợ xe đưa đi cấp cứu.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo nhân dân (https://nhandan.com.vn/nhan-ai/nhung-chuyen-xe-nghia-tinh-650460/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY