Dinh dưỡng hôm nay

Những món ăn chứa nhiều muối không tốt cho sức khỏe

(MangYTe)- Các món mắm, đồ muối, ngũ cốc, đồ ăn vặt... là các món ăn chứa rất nhiều muối.

Muối làm cho món ăn của chúng ta trở nên đậm đà hơn, tuy nhiên việc ăn quá mặn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và các bệnh thận. Thực tế, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Do đó, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Viện dinh dưỡng đã chỉ ra một số loại thực phẩm chứa nhiều muối, người tiêu dùng cần tránh.

Các món mắm

Ở một số vùng miền, các món mắm trở thành một gia vị và món ăn truyền thống như nước mắm, mắm cá, mắm tôm chua, mắm ruốc, mắm cáy…

Các món mắm như mắm cá, mắm tôm... thường chứa hàm lượng muối cao. Ảnh: Internet

Theo Viện dinh dưỡng, các loại mắm này được làm từ các loại cá, tôm, ruốc, tép, cua, cáy… trộn cùng muối và một số gia vị khác đặc trưng rồi ủ trong một thời gian cho lên men, tạo ra màu sắc và hương vị đặc trưng. Vì thế, lượng muối trong các loại thực phẩm này đặc biệt cao, đơn cử chỉ với 5 g mắm tôm chứa 515 mg muối, 5 g mắm tép chua chứa 135 mg muối.

Các món muối lên men

Ví dụ như dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối… luôn kích thích vị giác trong ăn uống. Tuy nhiên, các món ăn này cũng được làm bằng cách ngâm cà, dưa… với nước muối pha và chút đường để lên men. Người ta ước tính trong 100 g dưa chuột muối có khoảng 2.5 g muối.

Các loại thực phẩm đóng hộp

Các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… tiện dụng nhưng cũng chứa rất nhiều muối.

Các loại thực phẩm này có hàm lượng muối cao vì muối giúp bảo quản và làm chậm quá trình hư hỏng của đồ ăn trong hộp. Ngoài ra, muối cũng giúp bổ sung hương vị cho những món ăn này.

Một nghiên cứu đã chỉ ra chỉ trong một chén ngô đóng hộp đã chứa 384 mg muối. Ngược lại, ngô tươi và đông lạnh chứa ít hơn 10 mg muối trên mỗi khẩu phần.

Các loại súp, nước dùng, nước sốt

Các loại súp, nước dùng cũng đặc biệt chứa nhiều muối. Viện dinh dưỡng ước tính trong một bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200 ml nước dùng) chứa khoảng 2-4 gr muối.

Đồ ăn vặt

Một số đồ ăn vặt như bim bim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Trong gói bim bim 48 g có tới gần 900 mg muối; trong một chiếc bánh gạo chỉ nặng 3 g có tới 195 mg muối.

Đồ ăn vặt cũng là món ăn chứa nhiều muối. Ảnh: Dreamstime

Ngũ cốc

Ngũ cốc là món ăn lành mạnh để bạn bắt đầu ngày mới. Tuy nhiên, LeeAnn Smith Weintraub - chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại thành phố Culver, California (Mỹ) đã chỉ ra nhiều loại ngũ cốc chứa tới 180-300 mg natri mỗi khẩu phần. Do đó, tốt hơn hết bạn nên dùng cháo bột yến mạch và trái cây.

Nước sốt và dầu giấm

Chuyên gia LeeAnn Smith Weintraub cũng chỉ ra nước sốt và dầu giấm là hai loại gia vị chứa muối với hàm lượng cao. Theo tính toán, hai muỗng canh dầu giấm hoặc nước sốt thịt nướng có thể chứa tới 300 mg natri (chiếm 10%-15% lượng muối cho phép mỗi ngày của bạn). Bạn chỉ có thể kiểm soát lượng natri trong những món này bằng cách tự làm ở nhà.

(PLO)- Muối sẽ làm tăng vị giác khi ăn, khiến cho đồ ăn của bạn trở nên có vị ngon hơn bình thường.

HẠ QUYÊN

Mạng Y Tế
Nguồn: PLO (https://plo.vn/an-sach-song-khoe/nhung-mon-an-chua-nhieu-muoi-khong-tot-cho-suc-khoe-903641.html)

Tin cùng nội dung

  • Thói quen uống rượu bia, hút Thu*c lá, thừa cân ở nam giới...không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng cả vấn đề sinh sản
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Sỏi tiết niệu trong y học cổ truyền thuộc phạm vi chứng “Thạch lâm” với nguyên nhân chủ yếu là do cảm nhiễm thấp nhiệt bên ngoài, ăn quá nhiều đồ cay nóng, béo ngọt, uống rượu vô độ, rối loạn tình chí lâu ngày làm tổn thương các tạng phụ khiến thấp nhiệt nội sinh tụ lại ở đường tiết niệu mà tạo thành sỏi.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY