Bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, ho liên tục, tâm lý lo lắng. Sau khi đo thân nhiệt, Hồng Mai dành thêm thời gian ở bên cạnh để trấn an, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần.
"Hầu hết bệnh nhân corona vào viện khám đều có chung lo lắng hoang mang, không chỉ do sự nguy hiểm của bệnh mà còn lo ngại sự xa lánh, kỳ thị từ những người xung quanh. Là người sát với bệnh nhân nhất, tôi có trách nhiệm giúp họ yên tâm điều trị", Điều dưỡng trưởng Khoa Các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Phạm Thị Hồng Mai chia sẻ.
Từ ngoài nhìn vào, khu cách ly bệnh nhân nghi nghiễm Covid-19 ở Khoa Các bệnh Nhiệt đới vắng vẻ. Phía sau tấm bảng khu vực cách ly là hai nhân viên tiếp đón trong trang phục bảo hộ màu xanh.
Đợt dịch này, ngay khi nhận nhiệm vụ tại khu cách ly bệnh nhân, chị Mai đã tiến hành "công tác tư tưởng" cho chồng, nhờ chồng chăm sóc các con. Bản thân chị cũng xác định nếu không may có bệnh nhân dương tính cũng sẽ ở lại bệnh viện để cách ly chăm sóc.
Với chị Mai, mỗi bệnh truyền nhiễm đều có đặc điểm, tính chất riêng. Khó khăn nhất là phải cách ly vì sợ mang mầm bệnh về nhà. Chị cho biết, người điều dưỡng luôn phải trực tiếp tiếp xúc gần, nguy cơ lây nhiễm cao hơn nên "những mong ước riêng tư đành gác lại để hoàn thành công việc tốt nhất".
Bác sĩ Vương Trương Trọng, Phó Trưởng Khoa Các bệnh Nhiệt đới, cho biết khi có dịch, nhân viên y tế hoạt động với phương châm "cách ly sớm, điều trị hiệu quả". Các biện pháp phòng ngừa bắt buộc tuân thủ như mặc trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang. Tất cả đều phải cảnh giác cao độ, bất kỳ ai có biểu hiện sốt nhẹ đều được chuyển đến phòng khám để kiểm tra.
"Hiện tại, bệnh viện chưa phát hiện ca dương tính nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, tiên phong để ứng biến kịp thời, hiệu quả", bác sĩ Trọng nói.
Điều dưỡng Mai (bên trái) đang sửa lại trang phục bảo hộ cho đồng nghiệp. Ảnh: Thùy An |
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng hoạt động với cường độ cao, thậm chí phải cách ly với gia đình dài ngày.
Nữ bác sĩ Ngọc Anh, Khoa Truyền nhiễm, bị sỏi thận, phải điều trị cấp cứu trong đêm nhưng vẫn xung phong tham gia chống dịch. Một bác sĩ khác phải phẫu thuật ruột thừa khi đang chống dịch đã đề xuất bệnh viện được quay trở lại làm việc sau một tuần để hỗ trợ đồng nghiệp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bệnh viện tăng cường nhân sự cho khoa truyền nhiễm nhưng tính chất chủ yếu là hỗ trợ. Riêng khu cách ly bệnh nhân nCoV vẫn do các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm đảm nhiệm chính, trực 24/24h.
Ngoài lo dự phòng, điều trị, bệnh viện còn phải xử lý tin đồn thất thiệt. "Người dân ở ngoài cổng thấy các đoàn xe cứu thương, trên xe có người mặc trang phục phòng hộ kín mít, thì đồn nhau trong bệnh viện có ca dương tính, trong khi thực tế không có", bác sĩ Minh nói.
Sự hợp tác từ người đến khám cũng là bài toán khó của nhân viên y tế. Người bệnh thường nói dối về tiền sử dịch tễ, người ngại đến viện, sợ kỳ thị có thể khiến bác sĩ nhận định sai và để lọt ca bệnh. Nhiều bệnh nhân cũng chưa có ý thức tự cách ly gây nguy cơ mất kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Thái Minh đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đống Đa. Ảnh: Lê Chi |
Tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, bác sĩ Trần Hùng Mạnh, Phó Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhấn mạnh bệnh viện vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với người bệnh phải chấp hành nghiêm túc, đúng quy định về vệ sinh, bảo hộ, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng nhằm hạn chế bị lây nhiễm nếu có trường hợp người nhiễm bệnh xuất hiện.
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội nghiêm túc thực hiện khử khuẩn, tiệt trùng, vệ sinh bệnh viện theo đúng quy định. 100% cán bộ, nhân viên y tế, người lao động của bệnh viện thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, vệ sinh tay... Tại tất cả khu vực khám và điều trị đều trang bị dung dịch sát khuẩn tay.
Bệnh viện còn sàng lọc đối với tất cả người bệnh, người thân, khách... bằng đo thân nhiệt, kết hợp điều tra yếu tố dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, bố trí khu vực cách ly đối với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Điều dưỡng Đặng Văn Huy, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đón tiếp bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho. Ảnh: Thùy An |
Theo các bác sĩ, công việc dự phòng không nhiều nhưng áp lực nặng nề không khác gì tuyến đầu, nhất là khi số lượng nhân viên y tế nhiễm bệnh trên thế giới ngày càng tăng. Cuộc chiến chống virus corona không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ y, bác sĩ mà của cả cộng đồng trong việc phòng ngừa, giữ gìn vệ sinh và đến khám sàng lọc khi có biểu hiện nghi ngờ.
Tiếp bệnh nhân nghi nhiễm xong, điều dưỡng Mai lại khoác chiếc áo trắng quen thuộc, quay lại phòng riêng. Hít một hơi thật dài, Mai nói chị tin rằng dịch bệnh nào rồi cũng sẽ được khống chế. SARS, MERS, H5N1... hay Covid-19 lần này cũng vậy.
"Khi hết dịch, tôi sẽ về nhà, nấu cho các con bữa ăn thật ngon, kể cho các con nghe về công việc của mình", chị nói, ánh mắt đầy lạc quan.
Chủ đề liên quan:
chống virus chống virus corona corona Covid 19 cuộc chiến cuộc chiến nCoV điều dưỡng nhân viên y tế những người virus corona