Tâm linh hôm nay

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P6)

Thật vậy, người có trí là người biết gìn giữ giới hạnh, tu tập từ bi hỷ xả, bố thí giúp đỡ mọi người thì dù có hay không có TGSH họ vẫn tái sinh làm các Thiên Nhân. Chính đức Thế Tôn đã dạy rõ trong kinh Phật thuyết như vậy.

Bốn thế giới siêu hình trong kinh tạng Nikāya

3. Thế giới siêu hình (TGSH) của tưởng tri và của tuệ tri


Trong hai phạm vi này, người học Phật cần phân định rõ: Tưởng tri là những tri kiến, những nhận thức do tưởng tượng hoặc do định tưởng mà có. TGSH của tưởng cũng như vậy, chúng được hình thành trên cơ sở con người không lý giải được các sự vật hiện tượng quanh mình nên đành phải tưởng tượng ra những đối tượng bên ngoài để khoả lấp. Vì dựa trên sự tưởng tượng do tự mình hoặc người khác đặt ra cho nên có đôi khi những tri kiến này ngẫu nhiên phù hợp với thực tại khách quan, thế nhưng phần lớn chúng đều không đúng.


Ví dụ khi thấy nước ồ ạt từ trên trời đổ xuống con người thời xưa không thể lý giải được tại sao, vì thế họ nghĩ ngay ra phải có một vị thần Mưa quyền linh ở trên hư không nên mới làm nổi chuyện ‘vĩ đại’ nhường ấy.


Cũng vậy, trời đang yên lành bỗng dưng nổi lên một trận gió lốc hung hãn làm tốc nhà, cây đổ, cát bay, đá chạy, con người không hiểu vì sao thiên nhiên lại có một sức mạnh phi thường như vậy, và thế là họ bèn tưởng ngay ra một vị thần Gió đầy uy lực.


Tương tự, các vị thần Sấm, thần Sét, thần Bão, thần Giông... lần lượt ra đời cũng theo cách thức này, và từ đây TGSH hình thành để giúp cho con người giải thích được tất cả các hiện tượng sự vật mà họ không sao hiểu nổi. Hơn thế nữa, đứng trước những hiện tượng siêu nhiên quá khủng khiếp như động đất, sóng thần, bão lụt... con người trở nên bất lực sợ hãi, và vì vậy TGSH trở thành một thế lực cho họ cầu xin, quy phục, nương dựa nhằm tìm kiếm sự an ổn.


Trong khi đó tuệ tri là những tri kiến, nhận thức do tư duy, quán sát, thực nghiệm, kiểm chứng từ thực tế mà có. Chính vì tuệ tri được hình thành trên cơ sở của trí tuệ thực tiễn, nên nó phản ánh thực tế các sự vật hiện tượng tự nhiên chính xác hơn (chỉ đúng hơn, chứ chưa phải hoàn toàn đầy đủ).


Và vì tuệ tri phản ánh tự nhiên chính xác hơn, nên tuệ tri gần với chân lý khách quan hơn (chỉ gần hơn, chứ chưa phải là chân lý khách quan). các tri thức khoa học nằm trong phạm trù của tuệ tri, khoa học tiến bộ đến đâu thì các nhà khoa học thức tri được thế giới khách quan đến đó.


Tuy vậy vì thế giới thực tại còn ẩn chứa rất nhiều điều mà khoa học chưa thể thấu suốt được, chưa thể khám phá hết được, do vậy các tri thức khoa học vẫn chưa phải là thực tế chân lý khách quan hoàn toàn đáng tin cậy. lịch sử đã cho thấy có không ít những phát kiến khoa học một thời được ca ngợi tin tưởng, thế nhưng sau đó lại trở thành sai lầm trước những phát kiến chính xác hơn.

Ảnh minh họa

Chính vì cả hai tưởng tri và thức tri đều không khẳng định được ưu thế tuyệt đối của mình, cho nên tgsh đã, đang và sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi muôn thuở giữa một bên chấp chặt vào tgsh thuần tuý và một bên chấp chặt vào thế giới vật chất hữu hình thuần tuý. thế nhưng, tranh cãi về một vấn đề mà không một ai có thể nhìn thấy trực tiếp tận mắt hoặc chứng minh cụ thể cho người khác thấy trực tiếp tận mắt như thấy hai bàn tay của mình, e rằng điều này chỉ tốn công sức, thời gian và giấy mực.


Ngay từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, đức Thế Tôn đã nói rõ về điều này cho các cư sĩ:


“Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la- môn có luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc” (cõi vô sắc = cõi vô hình hay TGSH, PNGP). Lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn, đối nghịch với các Sa-môn, Ba la môn ấy. Các vị này đã nói như sau: “Chắc chắn có cõi vô sắc.” Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau?


- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Ở đây, này các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan niệm như sau: "Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc”, ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối có cõi vô sắc”, ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: "Ðây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm”, thời như vậy không xứng đáng với ta.


Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc", nếu lời nói của những Sa-môn, Ba la môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sinh tại chỗ các chư Thiên có sắc, do ý sở thành.


Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối có cõi vô sắc”, nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sinh tại chỗ các chư Thiên vô sắc, do tưởng sở thành.

Do duyên với cái gì có sắc, chấp gậy, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ đều được thấy. Nhưng sẽ không có những sự việc này trong cõi vô sắc”. Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự ly tham, sự diệt tận các sắc pháp” (Kinh Không Gì Chuyển Hướng, TB2, số 60 = [So.13.14]).


Thật vậy, người có trí là người biết gìn giữ giới hạnh, tu tập từ bi hỷ xả, bố thí giúp đỡ mọi người thì dù có hay không có TGSH họ vẫn tái sinh làm các Thiên Nhân. Chính đức Thế Tôn đã dạy rõ trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy:


“- Này các Tỷ-kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên. Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, kiên trì, không bị làm tan nát bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ác ma, Phạm Thiên hay bất cứ ai ở đời thì được gọi là khéo an trú của chư Thiên” (It. 76 = [Iti.83])

Biết rõ như vậy, người phật tử không còn phí thì giờ tranh luận chuyện ‘có hay không có tgsh’, hoặc cũng không nên một chiều tin theo mọi tgsh, phủ nhận những cơ sở khoa học có giá trị để rồi trở thành mê tín, cuồng tín; hoặc cũng không nên một chiều chạy theo thế giới hữu hình thuần tuý, phủ nhận mọi tgsh để rồi dẫn đến ‘chấp gậy, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ.’


Người học phật phải luôn ghi nhớ rằng: thế giới này tồn tại một cách khách quan đến bốn tgsh của tưởng tri, của tuệ tri, của thắng tri và của liễu tri. cho nên mỗi người đều có quyền và phải chịu trách nhiệm trước nhận thức của mình. chính vì thế, nếu trong kinh điển nikāya có nói đến tgsh thì người học phật, theo mức độ của người đi tìm chân lý cứu khổ và dựa trên ‘pháp môn căn bản’, có quyền và phải có trách nhiệm tự mình phân định rõ tgsh ấy thuộc ‘tưởng tri tgsh là tgsh’ hay thuộc ‘tuệ tri tgsh là tgsh.’


Ví dụ nếu kinh điển Nikāya có nói đến thần Mưa thì người học Phật có thể ‘tưởng tri thần Mưa là thần Mưa’, tức là có một ông thần Mưa quyền linh thuộc tưởng. Nhưng nếu ‘tuệ tri thần Mưa là thần Mưa’ thì phải hiểu đó là một ông thần trên trời mang hơi nước gặp lạnh cùng các yếu tố ngưng kết biến thành giọt nước và rơi xuống.


Nếu kinh Nikāya có nói đến thần Gió, người học Phật có thể ‘tưởng tri thần Gió là thần Gió’ với một ông thần có thể nổi gió bằng tưởng, còn theo ‘tuệ tri thần Gió là thần Gió’ phải hiểu ông thần này sinh ra là do sự chênh lệch về áp suất không khí.


Nếu kinh Nikāya nói đến thần Sét, người học Phật có thể ‘tưởng tri thần Sét là thần Sét’ tức một vị thần mang một lưỡi tầm sét xẹt lửa trên trời, nhưng cũng có quyền ‘tuệ tri thần Sét là thần Sét’ có nghĩa là ông thần này mang hai khối mây có điện tích trái dấu chạm nhau và cũng xẹt lửa.


Các ông thần khác trong kinh Nikāya cũng cần nhận thức như vậy, và hơn thế nữa, nhận thức này cần phải ghi nhớ là Pháp Môn Căn Bản.


Đến đây một câu hỏi đặt ra: Khi đọc kinh điển Nikāya trường hợp nào người học Phật nên tưởng tri TGSH là TGSH, trường hợp nào cần phải tuệ tri TGSH là TGSH? Trả lời: Vấn đề này phụ thuộc vào nội dung, ý nghĩa, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể của từng bài kinh; và trình độ nhận thức của mỗi người học Phật.


Một câu hỏi khác: Giữa TGSH của tưởng tri và TGSH (hoặc hữu hình) của tuệ tri, cái nào có giá trị hơn, đúng đắn hơn? Trả lời: Vấn đề này cũng phụ thuộc vào nội dung, đối tượng cụ thể của từng bài kinh, và vào trình độ nhận thức của mỗi người học Phật; vả lại khẳng định một chiều sẽ lại rơi vào tranh luận vô ích như vấn đề muôn thuở ‘có hay không có TGSH.’


Nếu một chiều chấp chặt vào thế giới vật chất hữu hình thuần tuý và cho rằng mọi tgsh của tưởng tri là giả dối, sai lầm, chẳng lẽ phải dẹp bỏ tất cả những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian có giá trị đạo đức nhân bản được xây dựng trên nền tảng tgsh của tưởng tri hay sao? ngược lại chấp chặt vào mọi tgsh thuần tuý để rồi cứ tiếp tục mê tín dị đoan, thực hành theo cả những nghi thức phi nhân quả, phi đạo đức, phản khoa học hay sao? rõ ràng cả hai cực đoan này đều không thích đáng đối với người có trí.


Muốn lý giải xác đáng cho vấn đề này, mỗi người phật tử phải thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn trong bài kinh ‘Nên Hành Trì, Không


Nên Hành Trì’ (Trung Bộ 3, số 114.) Theo bài kinh này cùng một sự việc, một vấn đề nhưng có trường hợp nên thực hành theo nhưng trường hợp khác không nên thực hành.


Cụ thể đối với tưởng chứng đắc và tri kiến do tư duy, đức Phật dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, Ta nói tưởng đắc cũng có hai loại: "Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa tưởng đắc”. Kiến đắc, này các Tỷ-kheo, Ta nói cũng có hai loại: "Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa kiến đắc (ditthipatilabha)” [U.33.4]


Vận dụng lời dạy trên, mỗi người học Phật cần phân định rõ ràng:


- Tưởng tri cũng có hai loại: nên hành trì và không nên hành trì. Và vì vậy có những TGSH của tưởng tri nên hành trì, nên tin, nên theo; nhưng cũng có những TGSH của tưởng tri không nên hành trì, không nên tin, không nên theo. Đây là sự tương đối của TGSH thuộc tưởng.


- Tuệ tri cũng có hai loại: Nên hành trì và không nên hành trì. Và vì vậy có những TGSH (hoặc hữu hình) của tuệ tri nên hành trì, nên tin, nên theo; nhưng cũng có những TGSH (hoặc hữu hình) của tuệ tri không nên hành trì, không nên tin, không nên theo. Đây là sự tương đối của tư duy siêu hình hoặc tư duy hữu hình.


Đến đây, một câu hỏi quan trọng khác đặt ra: Những TGSH (hoặc hữu hình) nào nên hành trì, nên tin, nên theo? Và những TGSH (hoặc hữu hình) nào không nên hành trì, không nên tin, không nên theo?


Ngay từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, vấn đề này đã được tôn giả Xá-lợi-phất trả lời và đã được đức Thế Tôn chấp nhận: “Một tưởng đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, tưởng đắc như vậy không nên hành trì. Và một tưởng đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, tưởng đắc như vậy nên hành trì...


Một kiến đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, kiến đắc như vậy không nên hành trì. Và một kiến đắc nào khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, kiến đắc như vậy nên hành trì.” (Sđd = [U.33.10/11])

Vận dụng lời dạy trên, người học Phật cần rút ra kết luận như sau:

- Một TGSH (hoặc hữu hình) nào, khi hành trì khiến các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, TGSH (hoặc hữu hình) như vậy không nên hành trì.


- Và một TGSH (hoặc hữu hình) nào, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, TGSH (hoặc hữu hình) như vậy nên hành trì.


Từ đây lại có thêm câu hỏi quan trọng khác nữa: Những TGSH (hoặc hữu hình) nào khi hành trì khiến các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm nên từ bỏ? Và những TGSH (hoặc hữu hình) nào khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng để thực hành theo?


Trả lời: Những TGSH (hoặc hữu hình) nào không tuân theo quy luật nhân quả thì những TGSH (hoặc hữu hình) đó khi hành trì theo sẽ khiến các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm vì thế nên từ bỏ. Ngược lại những TGSH (hoặc hữu hình) nào tuân theo quy luật nhân quả thì TGSH (hoặc hữu hình) đó khi hành trì theo sẽ khiến các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, vì thế cần phải thực hành theo. Vì sao như vậy?


Vì những TGSH (hoặc hữu hình) không tuân theo quy luật nhân quả - tức không thể hiện theo quy luật nhân bản một nhân làm ác, nói ác, nghĩ ác phải chịu quả báo dị thục khổ đau; đồng thời một nhân làm thiện, nói thiện, nghĩ thiện sẽ được quả dị thục an vui sung sướng, và điều này cũng có nghĩa chúng làm tăng trưởng tham-sân-si.


Chính vì những TGSH (hoặc hữu hình) này không thể hiện quy luật nhân bản ‘gieo gió gặt bão’ hoặc ‘ở hiền gặp lành’ và làm tăng trưởng tham-sân-si, cho nên người hành trì theo có thể gây hại cho mình, cho người và cho xã hội; đồng thời cũng không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội. Vì có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và không có lợi cho mình, cho người và cho xã hội, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm cho nên những TGSH (hoặc hữu hình) này không nên thực hành, không nên tin, không nên theo.

Ngược lại những TGSH (hoặc hữu hình) nào tuân theo quy luật nhân quả tức thể hiện theo quy luật nhân bản một nhân làm ác, nói ác, nghĩ ác phải chịu hậu quả dị thục khổ đau, đồng thời một nhân làm thiện, nói thiện, nghĩ thiện sẽ được quả dị thục an vui sung sướng, và điều này có nghĩa chúng cũng giúp đoạn trừ tham-sân-si.


Chính vì những TGSH (hoặc hữu hình) này thể hiện theo quy luật nhân bản nhân quả và giúp đoạn trừ tham-sân-si như vậy, cho nên người hành trì theo không gây hại cho mình, cho người và cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội. Vì không gây hại cho mình, cho người, cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội, làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm vì thế những TGSH (hoặc hữu hình) này nên thực hành, nên tin, nên theo.


Tất cả TGSH trong kinh điển Nikāya chánh gốc, dù hiểu theo tưởng tri hay tuệ tri, cũng đều tuân theo nguyên tắc này.


Không phân biệt rõ ràng sự khác biệt nêu trên sẽ dễ rơi vào một trong hai cực đoan có hại: Một đàng chấp chặt tin theo mọi TGSH kể cả những TGSH không theo quy luật nhân quả nhân bản để rồi trở thành mê tín, cuồng tín, làm hại mình hại người; nhưng đàng khác một chiều dựa vào tư duy hữu hình thuần tuý dẫn đến phủ nhận tất cả TGSH của luật nhân quả nhân bản, coi thường nghiệp báo thiện ác hai đời, trước sau gì kiểu ‘kiến đắc’ này cũng sẵn sàng gây ra tội ác như bất kỳ kẻ cuồng tín nào khác:


"Ai vi phạm một pháp, Ai nói lời vọng ngữ, Ai bác bỏ đời sau, Không ác nào không làm." (PC 176)


Không ai có thể phủ nhận những tiến bộ của khoa học đã mang lại biết bao những lợi ích cho con người, giúp nâng cao cuộc sống xã hội. thế nhưng bên cạnh đó cũng có những thành tựu của khoa học khiến con người phải khổ đau nhiều hơn, ch*t chóc nhiều hơn, môi trường tàn phá khủng khiếp hơn (bom nguyên tử, vũ khí hoá học...). đây là tính tương đối của khoa học.


TGSH cũng có sự tương đối hai chiều như vậy. Theo chiều thứ nhất, trong lịch sử nhân loại và của mỗi dân tộc đều có những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại chứa đầy giá trị nhân bản, chúng thể hiện quy luật nhân quả một cách tuyệt vời, đây chính là những kho tàng về luân lý và đạo đức của loài người.


Bởi lẽ những giá trị nhân bản nhân quả này đã, đang và sẽ mãi mãi giúp con người đứng vững trên nền tảng đạo lý của chân-thiện-mỹ. Do vậy, không có một thời đại có lý trí nào lại muốn phủ nhận những giá trị nhân quả nhân bản này, trừ khi muốn bị tha hoá và suy đồi.


Trong kho tàng văn hoá của Việt Nam và của thế giới, những câu chuyện cổ tích như Cô Bé Lọ Lem, Tấm Cám, Ăn Khế Trả Vàng, Thạch Sanh - Lý Thông... là những bài học có giá trị giáo dục đạo đức sâu sắc cho biết bao thế hệ trẻ và ngay cả đối với những người đã lớn.


Mặc dù những người lớn đều hiểu rõ bà Tiên trong ‘Cô Bé Lọ Lem,’ bà Bụt trong ‘Tấm Cám,’ con chim thần trong ‘Ăn khế trả vàng,’ cung tên thần của Thạch Sanh đều thuộc TGSH không có thật; thế nhưng họ cũng hiểu rằng chính những hình tượng này đã giúp cho những người biết tin chúng, quý trọng chúng, nhớ đến chúng còn đứng bên lề của cái thiện (2)


Chính vì thế, không một nhà khoa học chân chánh nào lại muốn nhân danh khoa học phủ nhận những tgsh nhân bản nhân quả trong các câu chuyện cổ tích này.


(2) Chuyện cổ tích “Tấm Cám” đã có những dị bản khác biệt. Ở đây tác giả chỉ nói đến bản với một kết thúc có hậu như hầu hết các câu chuyện cổ tích khác. Đại ý như sau:“Phần Tấm, dù đã là Hoàng Hậu, nhưng nàng vẫn giữ bản tánh hiền lành nhân hậu, nên đã tha thứ cho mẹ con bà dì ghẻ. Còn mẹ con Cám, do ác nghiệp chín muồi, chẳng bao lâu sau bị ch*t và bị đọa vào địa ngục để trả nợ các ác nghiệp mà họ đã gây ra.” Giá trị nhân quả nhân bản là ở chỗ tự bản thân một nghiệp ác phải chịu quả báo dị thục khổ đau. Ngược lại trong một kiểu đoạn kết khác, cô Tấm khi được làm hoàng hậu đã biến thành kẻ trả thù tàn nhẫn cô em gái và bà mẹ ghẻ của mình, tác giả không muốn đề cập đến ở đây. Bởi lẽ, đoạn kết lấy ác trả thù ác không phù hợp với truyền thống đạo lý nhân ái Từ Bi của Việt Nam. Lại nữa con người cứ lấy ác trả đũa cho cái ác thì còn gì là thiện. Vả lại nếu Tấm có dã tâm trả thù thì cần gì phải chờ đến lúc làm hoàng hậu nàng mới thực hiện được? Và như vậy cô Tấm đã không còn là cô Tấm biểu tượng cho cái đẹp, cái thiện, và cô là hình tượng phản giáo dục đối với trẻ em.


Tuy vậy, bên cạnh những TGSH có giá trị giáo dục đạo đức nhân bản còn có cả những TGSH vô lý, có hại, bất chấp quy luật nhân quả và đạo đức nhân bản đích thực. Những người tin theo những TGSH này có thể gây hại cho mình và cho người khác.


Đã có không ít người chỉ vì quá tin vào thần thánh sẽ cho mình trúng số, nên sau khi cầu xin liền lao vào đánh đề để rồi phải bán nhà bán cửa, gia đình tan vỡ.


Lại có nhiều người bị bệnh, không lo tìm hiểu nguyên nhân, cứ tin bừa mấy ông thầy lừa bịp, cuối cùng tiền mất tật vẫn mang. Thậm chí có những kẻ lợi dụng đức tin của người khác tung tin đồn thất thiệt, hoặc dụ dỗ gạt người, hoặc gây bất an cho xã hội.


Những biểu hiện mê tín, cuồng tín vì những TGSH kiểu này có muôn hình vạn trạng, nhưng sự tác hại do chúng gây ra thì ở đâu cũng vậy.


Người học Phật cần nhận thức và phân biệt rõ hai loại TGSH này để cứu khổ cho mình, cho gia đình mình và cho những người khác.

Tỳ kheo Pani Giới Pháp

Trích trong Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình Còn nữa... - TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Tỳ kheo Pani Giới Pháp

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nikaya-voi-khoa-hoc-va-the-gioi-sieu-hinh-p6-d22091.html)

Chủ đề liên quan:

khoa học thế giới

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY