Xử lý nghiêm, chuyển ra khỏi ngành những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm trong xây dựng. Tuyên bố của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân mới đây cho thấy sự nghiêm khắc với tình trạng bát nháo xây dựng trên địa bàn thời gian qua.
Cơ quan quản lý, giám sát về xây dựng ở TP HCM không thiếu, được trải khắp từ cấp TP đến tận phường, xã. Thậm chí từng người dân cũng có thẩm quyền này khi phát hiện sai phạm. Thế nhưng tại sao vi phạm về trật tự xây dựng lại phổ biến đến vậy? Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm tại TP HCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép được phát hiện và xử lý. Trong 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình vi phạm, bình quân 8,5 vụ/ngày, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Đó là những công trình được phát hiện, còn số chưa bị phát hiện thì cũng chẳng ít. Những vi phạm xây dựng ở quận Thủ Đức, quận 12... là điển hình, bởi nó liên quan đến chính những cán bộ ở địa phương. Công trình xây dựng to đùng, thi công rầm rộ, nằm giữa thanh thiên bạch nhật chứ chẳng phải cây kim, sợi chỉ mà không thấy. Người dân nghi ngờ nhưng chẳng biết phải báo ai. Cán bộ địa phương có thể biết nhưng không dám vạch ra vì ngại đụng chạm và vì nhiều lý do tế nhị khác. Vụ việc kéo dài, đến khi quá ầm ĩ, cơ quan chức năng TP vào cuộc mới xử lý được những công trình này và cán bộ liên quan.
Không thể cứ đổ hết trách nhiệm cho người vi phạm là chủ công trình. Vấn đề là những sai phạm này phần lớn liên quan đến cán bộ địa phương, cán bộ phụ trách công việc liên quan. Phần lớn sai phạm do cán bộ "thậm thụt", du di hoặc bảo kê, trong khi việc xử lý vẫn chưa đủ quyết liệt để răn đe những người vi phạm hoặc có ý định vi phạm.
Số liệu công bố trong hội nghị ngày 12-12 của UBND TP HCM sơ kết 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP cho thấy qua 3 tháng thực hiện đã giảm tới 37% số vụ vi phạm so với trước đó (với hơn 800 vụ). Sự quyết liệt trong công tác này đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là sau khi "trảm" hàng loạt công trình vi phạm ở các quận, huyện.
Tình trạng vi phạm xây dựng không riêng TP HCM mà phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngăn chặn tình trạng này phải đi từ gốc, đó là xử lý cán bộ sai phạm, đồng thời với xử lý chủ công trình và xử lý hiện trường. Cán bộ liên quan công trình vi phạm không đơn giản là thiếu trách nhiệm mà chính là hành vi bao che để nhận lợi ích. Làm rõ hành vi này sẽ có không ít cán bộ vi phạm chùn tay và không dám du di cho sai phạm. Còn các ông chủ công trình, nếu xây sai phạm bị phạt nặng, cưỡng chế tháo dỡ thì cũng chẳng dám làm bừa. Còn cứ xử lý như lâu nay, phạt rồi cho tồn tại thì không khác "gãi ngứa", để người sai phạm "lờn" luật pháp.
Quy định xử lý sai phạm đã có, việc còn lại là các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào, kiên quyết đến đâu, công bằng đến đâu.
HIẾU NGHIChủ đề liên quan:
cán bộ công trình NÓI THẲNG: TP HCM không ngại xử cán bộ tp hcm trảm công trình Báo Người lao động