GD&TĐ - Hình ảnh người mẹ đã khuất vì T*i n*n đã thôi thúc Nguyễn Thị Thảo Nguyên không ngừng hiến máu cứu người. Chỉ mới 19 tuổi nhưng Nguyễn Thị Thảo Nguyên đã 12 lần hiến máu cứu người.
Đứa trẻ “không cha, mồ côi mẹ”! Nguyễn Thị Thảo Nguyên (19 tuổi, sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là con thứ 2 trong một gia đình nông dân nghèo. Một ngày khi Thảo Nguyên lên 3 tuổi, mẹ chở em và chị gái đi tiêm vắc-xin.
Chẳng may, chiếc xe của 3 mẹ con bị ô tô tông trúng. Mẹ và chị gái bị thương nặng được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, may mắn không đến với gia đình Thảo Nguyên, do mất máu quá nhiều mẹ em đã ra đi mãi mãi. Còn người chị qua cơn nguy kịch.
Sau khi mẹ mất, bố Thảo Nguyên buồn phiền, bỏ đi biệt tích. Thương 2 người cháu mồ côi mẹ, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, bà ngoại đã đón chị em Thảo Nguyên về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng.
Hai chị em sống trong tình yêu thương của người bà đã già yếu. Thương ngoại vất vả, ngoài giờ lên lớp, Thảo Nguyên thường xuyên phụ bà làm công việc nhà.
Không được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, mỗi ngày đến lớp Thảo Nguyên thường xuyên bị bạn bè trêu ghẹo “không cha, không mẹ”. Vốn đã thiếu thốn tình cảm, cô bé ngày càng tự ti hơn. Em không còn cởi mở, mà sống thu mình lại. Thảo Nguyên trầm lặng lớn lên trong tình yêu của bà ngoại và chị gái.
Lớn dần, nữ sinh bắt đầu quen biết với nhiều anh chị tình nguyện viên. cô bé nhút nhát khi xưa đã dần cởi mở, tham gia nhiều hoạt động đoàn đội, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. cũng từ đó, thảo nguyên chứng kiến các anh chị thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện. hình ảnh chiếc kim to như đầu đũa vẫn ám ảnh cô nữ sinh không nguôi.
Thế rồi, vào một hôm đang học trên lớp, Thảo Nguyên nhận được thông báo có bệnh nhân cấp cứu đang cần máu gấp. Hình ảnh của người mẹ năm xưa cứ thôi thúc Thảo Nguyên phải lập tức cứu người.
Tình thế cấp bách, cô học trò lấy lý do “bị ốm” nên xin thầy cô nghỉ học. Ra khỏi lớp, Thảo Nguyên vội vã chạy đến bệnh viện để hỗ trợ trường hợp đang nguy kịch.
Nhưng khi đến nơi, nữ sinh bắt đầu sợ khi thấy chiếc kim tiêm. khi y tá tìm ven để lấy máu, thảo nguyên bỏ chạy quanh phòng. phải sau 10 phút định thần em mới bình tĩnh để các y bác sĩ lấy máu.
“Lần đầu tiên đi hiến máu, thấy cây kim to như đầu đũa em hoảng lắm. Khi đó, đầu óc em trống rỗng không nghĩ được gì, em chỉ biết bỏ chạy. Nhưng sau một lúc em nghĩ đến mục đích mình tới bệnh viện là cứu người nên dần ổn định tinh thần. Em nói chuyện với các y bác sĩ để vượt qua nỗi sợ của mình. Cuối cùng em cũng chiến thắng cây kim kia”, Thảo Nguyên tâm sự.
“Nghiện” hiến máu Trải qua lần hiến máu đầu tiên, thảo nguyên dạn dĩ hơn. mỗi khi có người cần máu, nữ sinh lập tức lên đường với hy vọng không ai phải ch*t. nhưng nỗi sợ kim tiêm thì vẫn theo nữ sinh đến tận bây giờ.
Những lần hiến máu cứu người, thảo nguyên không dám nhìn vào chiếc kim mà trò chuyện với y bác sĩ để vơi bớt nỗi sợ. đến nay, thảo nguyên đã trải qua 12 lần hiến máu. tuy nhiên, mỗi lần hiến máu xong nữ sinh vội vã ra về, vì em không muốn gia đình bệnh nhân mang ơn mình.
“Sau những lần hiến máu cứu người, em hạnh phúc khi hay tin bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Những giọt máu của em tuy ít ỏi, nhưng phần nào có thể giúp được những người khó khăn, ca bệnh nặng.
Thấy bệnh nhân khỏe mạnh là động lực để em tiếp tục cố gắng học tập, trao đi những giọt máu ý nghĩa cho cuộc đời. Giờ đây em thấy mình như “nghiện” hiến máu, chỉ cần cứu được người, ai gọi em đều lên đường”, Thảo Nguyên chia sẻ.
Ban đầu, nhóm của Thảo Nguyên chỉ có 3 người sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào có bệnh nhân cần. Nhưng thấy nhu cầu cấp thiết của việc hiến máu cứu người, Thảo Nguyên bắt đầu kết nối với nhiều bạn trẻ trên khắp địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đến tháng 7/2019, Thảo Nguyên và 14 thành viên khác thành lập Câu lạc bộ máu nóng Kon Tum và Tây Nguyên. Mỗi khi có trường hợp nào cần máu, bệnh viện sẽ liên hệ câu lạc bộ.
Các thành viên sẽ sắp xếp và tình nguyện xung phong đi hiến máu với phương châm “Hiến máu vì đam mê - Cho đi khi còn có thể”. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 1.000 thành viên ở nhiều độ tuổi khác, ở nhiều tỉnh thành.
Bác sĩ Lê Thị Kim Linh, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum) cho biết, qua gần 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên đã hiến tặng hơn 1.500 đơn vị máu. Mỗi khi bệnh viện có ca bệnh nặng, đột xuất cần máu, câu lạc bộ luôn có mặt để kịp thời hỗ trợ.
Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. Không những vậy, có 8 trường hợp được Thảo Nguyên hiến máu khi khỏi bệnh đã tham gia câu lạc bộ để cùng chung tay trao tặng những giọt máu ý nghĩa.
Ông A Xây, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết, Câu lạc bộ máu nóng khu vực Kon Tum và Tây Nguyên đã chung tay cùng Tỉnh đoàn thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa. Những trường hợp cần máu gấp ở những tỉnh lân cận, câu lạc bộ cũng sẵn sàng hỗ trợ. Không chỉ hiến máu, Nguyễn Thị Thảo Nguyên còn dẫn dắt câu lạc bộ quyên góp giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tặng giống cây dổi và hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ…