Thông tin trên được Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc công bố trong một thông báo ngắn gọn. Thông báo không nêu chi tiết về các cáo buộc nhắm vào ông Cung nhưng những cuộc điều tra như thế này có thể dẫn đến nhiều mức án khác nhau, thậm chí tử hình.
Trước đó, vào ngày 14.6, Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh Đặng Khôi Lâm cũng bị điều tra vì có nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng” điều lệ của đảng. Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân bị sa thải hồi tháng 4 trong khi ông Guo Zhongqiu, một chỉ huy cảnh sát cấp cao khác, cựu cấp trên của ông Cung, cũng bị bắt vào tháng 5 bởi cáo buộc tham nhũng.
Được biết ông Cung rất được lực lượng cảnh sát Thượng Hải quý mến và được xem là một nhà lãnh đạo cấp cao có năng lực, am hiểu về công nghệ.
Cuộc điều tra ông Cung diễn ra sau khi chiến dịch "giáo dục và chấn chỉnh" được bắt đầu tại Trung Quốc hồi tháng 7 để "loại bỏ triệt để các khối u" khỏi hệ thống tư pháp Trung Quốc. Chiến dịch đặt mục tiêu thanh trừng tận gốc tham nhũng trong giới cảnh sát, công tố viên, thẩm phán và sẽ kéo dài đến năm 2022.
Những chiến dịch chống tham nhũng như vậy đã trở thành điểm nhấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ gần 8 năm của ông Tập với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, với hơn 3 triệu cán bộ bị bắt trong các cuộc điều tra tham nhũng tính đến tháng 1 năm nay.
Nỗ lực mới nhất được đưa ra được cho là để củng cố vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm cho đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào năm 2022, dự kiến sẽ quyết định liệu ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 kéo dài 5 năm nữa hay không.
Ông Trần Nhất Tân, Tổng thư ký kiêm Ủy viên Ủy ban Chính pháp Trung ương đảng hôm 17.8 cho biết chiến dịch đã bước sang giai đoạn thứ 2, khẳng định rằng các quan chức ở Bắc Kinh sẵn sàng "tự kiểm tra" và "tự sửa chữa".