An toàn thực phẩm hôm nay

Pate Minh Chay chứa vi khuẩn có độc lực mạnh: Khẩn cấp cảnh báo trên toàn quốc

(MangYTe) - Nhiều trường hợp sử dụng Pate Minh Chay đã phải nhập viện cấp cứu, một số bệnh nhân phải thở máy, diễn biến xấu. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp trên toàn quốc việc sử dụng sản phẩm chứa vi khuẩn gây độc tố cực mạnh này.

Ảnh minh họa.

Độc tố cực mạnh

Theo Cục ATTP, trong thời gian qua (từ ngày 13/7 - 18/8/2020) đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (2 ca) từ một số tỉnh, TP trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở...

Qua điều tra cho thấy, các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng (trang Website của công ty: pate.1001monchay.com; minhchay.com). Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B.

Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ Tu vong. Vì vậy, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm sau: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.

Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.

Hà Nội đã nhắn tin đến 1.000 khách hàng sử dụng

Ngày 30/8, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin nghi ngờ sản phẩm phẩm pate Minh Chay của công ty trên, Chi cục đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Cụ thể, ngày 20/8, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Phòng Y tế, phòng Kinh tế huyện Đông Anh và Cục ATTP kiểm tra đột xuất công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất và lấy 3 mẫu (Pate Minh chay, Ruốc nắm heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt) gửi Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia. Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở có các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên điều kiện vệ sinh thực tế còn một số tồn tại như: Tường nền 1 số chỗ bong tróc, nhân viên tham gia sản xuất không đeo khẩu trang, dụng cụ thu gom rác thải rắn không có nắp đậy, ghi nhãn không đúng quy định. Cơ sở đã bị xử lý vi phạm hành chính 17,5 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP cũng đã yêu cầu công ty dừng hoạt động sản xuất, tạm dừng lưu thông sản phẩm Pate Minh Chay. Đồng thời, Chi cục cũng đã thông báo đến khách hàng mua sản phẩm Pate Minh Chay qua phương thức gọi điện, nhắn tin, cảnh báo trên website… ngừng sử dụng, niêm phong và bảo quản tách biệt sản phẩm Pate Minh Chay sản xuất từ ngày 1/7 - 28/8/2020 với các thực phẩm khác của gia đình. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã mua sản phẩm Pate Minh Chay sản xuất từ ngày 1/7 - 28/8/2020 không sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay để chế biến thực phẩm, niêm phong và bảo quản sản phẩm tại cơ sở.

Ngoài ra, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã chuyển danh sách khách hàng đã đặt mua sản phẩm Pate Minh Chay để gửi cho các tỉnh, TP tiến hành thông báo thu hồi và xử lý kịp thời. Phòng Y tế huyện Đông Anh cũng đã nhắn tin cho hơn 1.000 khách hàng trên địa bàn đã đặt mua sản phẩm Pate Minh Chay thông báo ngừng sử dụng và thu hồi sản phẩm để xử lý theo quy định. “Chi cục ATVSTP sẽ tiếp tục thông báo tiếp đến người tiêu dùng theo danh sách được cung cấp bảo đảm để người tiêu dùng tiếp cận được thông tin cảnh báo” – ông Tụ cho biết. Ngày 28/8/2020, lãnh đạo Chi cục ATVSTP Hà Nội, phòng Kinh tế, Công an huyện Đông Anh tiếp tục phối hợp với đoàn kiểm tra của Cục ATTP kiểm tra và lấy 18 mẫu thực phẩm tại Công ty giao Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia để kiểm nghiệm.

Đoàn liên ngành kiểm tra tiếp tục phát hiện nhiều tồn tại như quy trình sản xuất không theo quy định một chiều. Các khu vực sơ chế, chế biến không phân khu riêng biệt. Kết cấu nhà xưởng một số bị bong tróc, không bảo đảm vệ sinh. Cống rãnh sàn hở. Có xuất hiện côn trùng ở khu vực chế biến. Trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến không bảo đảm vệ sinh; một số thiết bị không có kiểm định theo quy định (nồi hấp, tủ sấy). Điều kiện bảo quản trong vận chuyển của sản phẩm Pate Minh Chay không bảo đảm theo hướng dẫn của công ty.

Kiểm tra nội dung nhãn của sản phẩm Pate Minh Chay phát hiện 2 nhãn có nội dung không trùng khớp về hướng dẫn bảo quản.

Thở máy, liệt cơ do dùng Pate Minh Chay

Ông Trần Ngọc Tụ cho biết, qua khai thác bệnh nhân, cuối tháng 7, bệnh nhân Đào Gia T. cùng vợ là bà Từ Thị Bích L. có sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay. Sau ăn khoảng 4 ngày, bệnh nhân thấy biểu hiện đau họng, nói khó, sụp mi, chân tay yếu, được người nhà đưa vào Bệnh viện Lão khoa T.Ư điều trị. Ngày 18/8, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán, theo dõi ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum. Hiện tại bệnh nhân Đào Gia T. phải thở máy, liệt cơ gần hoàn toàn chỉ còn vận động nhẹ bàn tay, bàn chân. Bệnh nhân Từ Thị Bích L. mắt nhìn mờ, nói khó, vận động nhẹ.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, có 2 ca nhiễm độc tố từ vi khuẩn Clostridium Botulinum do sử dụng Pate Minh Chay đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn. Bác sĩ Dương Bích Thủy - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn cho biết, 2 bệnh nhân đang được điều trị là 2 chị em tuổi trung niên, sống cùng nhau. Ban đầu khi họ được cấp cứu, triệu chứng rất giống uốn ván, nhưng vì có 2 ca cùng lúc nên các bác sĩ đã nghi ngờ nguyên nhân khác, sau đó khai thác được là 2 người cùng ăn chay trường và có ăn sản phẩm pate này. Ngoài 2 chị em, còn 1 người anh trai cũng ăn và có triệu chứng sụp mi, nhưng do anh này mới ăn 1 - 2 ngày nên sau khi được thông báo và dừng ăn, anh đã tự hồi phục. Trong 2 nữ bệnh nhân thì người em hồi phục tốt hơn, hiện đã cai máy thở ngắt quãng và cử động được chân tay. Người chị nặng hơn, dù đã tỉnh táo nhưng chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang thở máy.

Cục trưởng cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi Sở Y tế 63 tỉnh, thành thông báo danh sách khách hàng đã đặt mua sản phẩm Pate Minh Chay để thu hồi và xử lý. Cục ATTP đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân trong việc kinh doanh và sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay bảo đảm không xảy ra ngộ độc thực phẩm

Vi khuẩn Clostridium Botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng tồn tại trong đất, phân, bùn, trên động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở, thịt, cá hun khói... nhiều tuần. Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường kiềm vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố.

Sau khi ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum từ vài giờ đến 24 giờ, bệnh nhân khởi phát đột ngột với biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy nhẹ hoặc nhiều lần, khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Nếu nhiễm độc nặng có thể Tu vong do liệt cơ hô hấp.

TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP (Bộ Y tế) 

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/pate-minh-chay-chua-vi-khuan-co-doc-luc-manh-khan-cap-canh-bao-tren-toan-quoc-394808.html)

Tin cùng nội dung

  • Thực phẩm chức năng Tảo xoắn Spirulina của Công ty cổ phần đầu tư sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Vạn Thành, có địa chỉ tại 44/5 Phạm Văn Hai, phương 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã bịu Cục An toàn thực phẩm tạm dừng lưu hành
  • SKĐS -Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian gần đây có nhiều phản ánh về tình trạng kinh doanh, sử dụng các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm để sản xuất bánh Trung thu
  • Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi cấy sinh khối hệ sợi loài đông trùng hạ thảo Cordyceps Sinensis nguồn gốc từ Tây Tạng,
  • Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, quy luật chung trên thị trường là khi nhu cầu về sản phẩm nào đó càng lớn, được ưa chuộng thì sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả, hàng nhái. Thực phẩm chức năng cũng không nằm ngoài quy luật này.
  • Ngày 20/8, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, mùa Trung thu sắp tới gần...
  • Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt 119 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng.
  • Ở nước ta, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu và khá phổ biến như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây..
  • Từ ngày 7 -14/8/ 2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 112 triệu đồng, tạm dừng lưu thông 11 lô sản phẩm thực phẩm chức năng của 04 công ty ghi nhãn không đúng quy định
  • Bản thân người dân trước khi ăn uống cũng chưa có ý thức vệ sinh chân tay vì họ nghĩ đồ ăn sạch là đủ mà không biết rằng bàn tay cũng là 1 môi trường trung gian đưa vi khuẩn vào cơ thể.Do đó,một trong những biện pháp có thể thực hiện ngay với mỗi người là rửa tay trước khi chế biến thực phẩm
  • Trong những câu chuyện hài hước với nhau, người ta luôn nhắc ăn sâu vào đầu chuyện “nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng”.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY