Sự phát triển của Phật giáo Lankavông ở Thái Lan bắt đầu trong giai đoạn trị vì của vua Ram Kham Haeng dưới triều đại Sukhothai sau đó được duy trì và phát triển trên đất Thái qua biết bao thăng trầm, biến động để trở thành tôn giáo chủ đạo cho đến tận ngày nay.
Trong giai đoạn Ayutthaya, Phật giáo Tiểu Thừa Lankavông vẫn tiếp tục duy trì được vai trò quốc đạo của mình tuy không phát triển rực rỡ được như giai đoạn trước.
Thứ nhất: Vương quốc Ayutthaya nằm trong vùng đất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Angkor của người Khmer nên bên cạnh Phật giáo, khu vực này cũng chịu ảnh hưởng lớn của đạo Bàlamôn và điều này đã chi phối không nhỏ tới chính sách tôn giáo của các vị vua Ayutthaya. Do đó, bên cạnh việc coi Phật giáo là quốc giáo, các vị vua Ayutthaya còn tiếp nhận hệ thống vương quyền của người Khmer và tín ngưỡng Deva - Raja (Thần - Vua) từ Hinđu giáo nhằm củng cố và nâng cao uy quyền của các vị vua, nhất là với một vương quốc non trẻ như Ayutthaya. “Vì thế, ngay sau khi lên ngôi, vua Rama Thibodi I đã cho xây dựng một bộ luật dựa trên một bộ luật cổ của đạo Hinđu là Dharmashastra cộng với luật tục Thái để xây dựng nên pháp chế của Hoàng gia, đồng thời tạo cho Phật giáo Tiểu Thừa một sức mạnh của “thần linh” để cai trị dân chúng. Cộng thêm các quy định Hoàng gia, đạo luật này về cơ bản được sử dụng cho đến tận thế kỷ XIX” [14; tr46].
Thứ hai: Trong các vương quốc của người Thái ở lưu vực Mê Nam, Ayutthaya là vương quốc thành lập muộn nếu so với Lanna và Sukhothai, đặc biệt vương quốc Sukhothai đã bước đầu định hình được những đặc trưng riêng của người Thái cả về tôn giáo và văn hóa. Do đó, khi vương quốc Ayutthaya được thành lập, các vị vua Ayutthaya bên cạnh việc tiếp nhận những truyền thống của giai đoạn Sukhothai đã tạo ra những nét riêng trong sự phát triển đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng, đặc biệt là sự đan xen giữa phong cách Sukhothai và Ăngkor tạo cho Phật giáo giai đoạn này một bước phát triển mới cả về tăng đoàn, phong cách tạc tượng, kiến trúc…
Thứ ba: Trong hơn bốn thế kỉ tồn tại, lịch sử Ayutthaya được coi là lịch sử của những cuộc chiến tranh liên miên với các vương quốc đồng tộc và với bên ngoài để mở rộng lãnh thổ và khẳng định vị thế của vương quốc trong khu vực. Đáng kể nhất là 14 lần thôn tính vương quốc Lanna ở phía Bắc trong các năm 1386, 1390, 1409…; sáp nhập Sukhothai vào lãnh thổ năm 1377; đặc biệt là các cuộc chiến tranh với một quốc gia láng giềng lớn mạnh tại Đông Nam Á lục địa khi đó là Miến Điện (Myanma) vào các năm 1569, 1767…
Tất cả các cuộc chiến tranh đó khiến cho các vị vua Ayutthaya phải hao tổn rất nhiều công sức, tiền bạc và binh lực trong cả nước. Do vậy, ở một khía cạnh nhất định không có điều kiện quan tâm hết mức cho sự phát triển Phật giáo. Tuy nhiên, chính những cuộc chiến tranh này sẽ tạo cho Phật giáo Ayutthaya có những điểm mới và khác biệt so với các giai đoạn trước và sau.
Ngay sau khi lên ngôi, vua Rama Thibodi I (1351 - 1369) đã tuyên bố Phật giáo Tiểu Thừa Lankavông là quốc giáo và ông đã cho mời một Tăng đoàn Phật giáo Sri Lanka tới Ayutthaya để thiết lập một trật tự tôn giáo mới và truyền giáo cho thần dân của mình.
Theo biên niên sử Hoàng gia Ayutthaya, năm 1357, vua U - Tong (Rama) đã cho xây dựng một ngôi Wat và một tu viện mang tên Pa Kaew để dành riêng cho các nhà sư trong dòng truyền thừa Phra Maha Thera Watnaratna sau khi đã nghiên cứu và học tập kinh Phật tại Sri Lanka trở về và phong tặng danh hiệu Somdet Phra Watnaratna (Tăng Vương) cho vị sư đứng đầu dòng này và đổi tên Wat Pa Kaew thành Wat Chao Phraya Thai nghĩa là “Đền thờ của Đức Thượng phụ tối cao” [13; tr11]. Hiện nay, Wat Pa Kaew được biết tới với tên gọi Wat Yai Chaimongkol để kỉ niệm chiến thắng của vua Naresuan Đại đế trước quân đội Miến Điện vào năm 1569.
Đồng thời với việc xây dựng Wat Pa Kaew, vua Rama Thibodi I còn cho xây dựng ba ngôi Wat mà phế tích còn đến ngày nay là Wat Nopphathat (Wat Mahathat), Wat Ratchaburana và Wat Doem (Wat Ayotthaya).
Dưới sự bảo trợ của vương triều, Phật giáo rất thịnh hành, Ayutthaya trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước. Tiếp nối các vị vua Sukhokhai, các vị vua Ayutthaya tiếp tục duy trì và phát triển mối liên hệ văn hóa, tôn giáo giữa Xiêm và Sri lanka, đồng thời khuyến khích phát triển và kiện toàn tăng đoàn Phật giáo Singhalese (Lanka Vông) tại Xiêm. Thời kì trị vì của vua Boromatrailokanat (Trailok) (1448 - 1488) được coi là những năm tháng phát triển rực rỡ của Phật giáo Lanka Vông tại Thái Lan. Trong 40 năm cầm quyền, Trailok đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo tại Ayutthaya trên nhiều khía cạnh. Ông là vị vua đầu tiên đã nhường ngôi cho con trai và đi tu trong thời gian 8 tháng và được thụ phong tại Wat Chulamani (Phitsanulok2) vào năm 1465.
Theo biên niên sử Ayutthaya “Đã có 2.388 nam giới được thụ giới Tỳ kheo để kỉ niệm sự kiện đáng nhớ này” [10; tr54]. Trailok cũng là vị vua Thái đầu tiên hiến tặng cung điện riêng của mình cho Tăng đoàn Phật giáo. Hơn nữa, rất nhiều tu viện, chùa chiền và tịnh xá đã được xây dựng trong khu vực cung điện của nhà vua. “Năm 1458, Trailok đã ra lệnh đúc các tượng đồng thể hiện 500 kiếp trước của đức Phật. Việc làm này đại diện cho niềm tin mãnh liệt của nhà vua đối với Phật giáo”[10; tr54]. Để kỉ niệm sự kiện này, một lễ hội lớn đã được tổ chức tại kinh thành “Năm 822 (các viết lịch của người Thái: 822+ 638 = 1460), năm của một con rồng, một lễ hội lớn được tổ chức để chúc mừng việc đúc tượng Phật đồng thời nhà vua ban tặng quà của hoàng gia cho tất cả các nhà sư, các tu sĩ Bàlamôn và tất cả những người ăn xin” [13; tr16].
Hệ thống tổ chức Tăng đoàn giai đoạn đầu Ayutthaya vẫn giống như thời kì Sukhothai cho đến năm 1424 khi một nhóm các nhà sư Chiang Mai, Campuchia và Miến Điện sau khi thọ đại giới tại Sri Lanka trở về. Trên đường về, họ đã dừng chân tại Ayutthaya, Sukhothai và Sawankhalok. Sau năm mùa an cư kiết hạ lập giới đàn tại Ayutthaya và các nơi khác, các nhà sư này đã góp phần rất lớn vào việc củng cố và phát triển toàn diện Phật giáo Lanka Vông trên toàn lãnh thổ Thái Lan.
Đồng thời, sự kiện này cũng dẫn tới việc xuất hiện một dòng Phật giáo mới tại Ayutthaya là Vatnaratnavong (hoặc PaKaew3) bên cạnh hai dòng Phật giáo đã có từ thời Sukhothai là Aranyavasi và Kamavasi. Dòng Vatnaratnavong bắt đầu xuất hiện ở ayutthaya trong giai đoạn trị vì của vua intharaja i vào năm 1422. Đây là dòng Phật giáo trước đó vốn đã rất hưng thịnh tại nakhon Si Thammarat và Patalung. Đến thời Ayutthaya, dòng Vatnaratnavong bắt đầu mở rộng sự ảnh hưởng lên miền Trung và miền Bắc Thái Lan.
Cũng chính vì sự ra đời của một dòng Phật giáo mới và do sự ảnh hưởng của truyền thống Khmer - Ấn Độ giáo, hệ thống tổ chức Tăng đoàn từ đây được phân cấp nhiều hơn xếp hạng và hệ thống Samanasak cũng phức tạp hơn rất nhiều thời kì Sukhothai.
Cơ cấu tổ chức hành chính của Tăng đoàn trong giai đoạn Ayutthaya có thể được mô tả ngắn gọn như sau:
Tăng Vương (Somdet Phra Sangharat): là người đứng đầu về danh nghĩa của Tăng đoàn trong cả nước.
Dưới Tăng Vương là 3 vị Tăng Thống (Chao Kana Yai): Người nắm thực quyền đứng đầu trong trật tự của Tăng đoàn. các vua ayutthaya thường bổ nhiệm các cấp cao hơn chao kana Yai của một trong hai Kamavasi trái hoặc aranyavasi như Tăng Vương.
Dưới Tăng Thống là Tăng già tôn trưởng (Phraracha kana): Các nhà sư đứng đầu ở thủ đô và các tỉnh quan trọng.
Tỳ kheo (Tỳ khưu) (Phra Khru): Thứ hạng các nhà sư đứng đầu các tỉnh, thành phố nhỏ hơn.
Ở dưới cùng của hệ thống phân cấp Tăng đoàn: Là Tu viện trưởng - người giám sát các hoạt động tôn giáo tại các Wat [16; tr24].
Các tăng sư - các quan chức trong hệ thống Tăng đoàn được ủy quyền trong việc bổ nhiệm các nhân viên hành chính của mình trong phạm vi quy định của Giới Luật. Tăng Thống và các Tăng già tăng trưởng cũng thiết lập một ủy ban cố vấn cho nhà vua trong các vấn đề liên quan đến giới Luật, tôn giáo, nghi lễ và các lễ nghi cung đình. Các nhà sư tham gia Tăng đoàn và tất cả các nhà sư trong cả nước đều nằm dưới sự giám sát và kiểm soát của Giáo hội Phật giáo Thái Lan.
Theo mô tả của Van Vliet - đại diện của công ty Đông Ấn của Hà Lan tại Ayutthaya từ 1629 đến 1634 “Trong các tu viện có rất nhiều tu sĩ (những người sống trong hòa bình), những người được coi là tu viện trưởng và thuộc về các phần khác của tu viện (người cai trị với kỷ luật cao và có nhiều quyền lực) và họ lại phải tuân theo các vị sư cao nhất - đó là bốn Tăng Thống tại các ngôi đền chính ở Judia4. Trong đó, các vị sư của Napphatthat (MahaThat) là có sức mạnh tuyệt đối. các vị sư trụ trì tại ngôi Wat này nhận được những vinh dự và sự tôn trọng, kính cẩn trong cả nước nhưng họ vẫn phải tuân theo nhà vua trong các vấn đề thế tục” [15; tr180]. Các vị sư trụ trì trong các ngôi đền nằm trong khu vực cung điện Hoàng gia là có quyền lực lớn nhất, họ có quyền thụ giới cho các nhà sư, chủ trì các nghi lễ quan trọng của Phật giáo, lễ hội nến vào mùa kiết hạ, bố thí, hỏa táng các vị vua...
Cũng theo Van Vliet “Trong kinh thành Judia có khoảng 20.000 tu sĩ. Số tu sĩ này trong cả nước không thể xác định một cách chính xác nhưng không nghi ngờ là nó nhiều hơn gấp 4 lần so với số lượng tại Judia” [15; tr180].
Những người đứng đầu trong hệ thống Tăng đoàn sống một phần dựa vào những gì nhà vua và các quý tộc ban cho họ, cũng như từ hoa quả và lợi tức thu được từ các nguồn lợi khác tại các vùng đất của tu viện. Nhưng về cơ bản, họ nhận được sự đóng góp to lớn từ những người dân thường - những người cung cấp cho họ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Năm 1455, một đạo luật có tên Phra Aiyakan Tamnang Nai Thaharn Lae Phonlarnan đã được ban hành bởi vua Trailok. Theo đạo luật này, dân số cả nước được phân loại theo cấp bậc tương đương với quyền lực mà họ nắm giữ. Sự sắp xếp thứ bậc trong trật tự xã hội này được gọi là hệ thống Sakdina.
Trong bộ luật có một điều khoản dành cho các nhà sư, những người mới (novices), các tu sĩ Bàlamôn và những người đàn ông thuộc các tôn giáo khác. Thứ bậc Sakdina của họ cho thấy khả năng và trách nhiệm của họ trong hệ thống Tăng đoàn. “Các Tỳ kheo (Tỳ khưu - Phra Khru) - những người có trình độ hiểu biết về Phật pháp được 2.400 rai (6,25 rai = 1ha); các Tỳ khưu cùng cấp, người không có thẩm quyền trong Giáo hội được cấp 1.000 rai; Một nhà sư bình thường, có kiến thức về Phật Pháp được 600 rai trong khi các thứ hạng khác, những người mới và những người không có hiểu biết về Phật Pháp được 400 rai. Một người mới làm quen với Phật giáo (Sadi) được 300 rai và một người hoàn toàn bình thường được 200 rai”. Hệ thống Sakdina trải qua nhiều phiên bản và hoàn toàn bị bãi bỏ trong thời kì cai trị của vua Rama V (Chulalongkorn) [16; tr6].
Cũng trong giai đoạn trị vì của vua Trailok, bộ quản lí Giáo hội (Krom Dhammamakan) cũng được thành lập. bộ này có trách nhiệm đối với hoạt động của Tăng đoàn; là cơ quan trực tiếp nằm dưới sự quản lý của nhà vua. Qua bộ này, nhà vua thực hiện việc bổ nhiệm các chức danh cao cấp trong hệ thống Tăng đoàn và cấp bậc trong hệ thống Samanasak. Bộ phận này được trao quyền giám sát hành vi của các nhà sư trong tất cả các tỉnh. Gắn liền với bộ này là một Tòa án đặc biệt của những người có trách nhiệm để xét xử các tội nghiêm trọng vi phạm giới luật của các nhà sư. Hệ thống này cũng tồn tại cho đến giai đoạn đầu của triều đại Bangkok mới bị xóa bỏ.
Cũng giống như vương quốc Sukhothai, một truyền thống được duy trì đến thời kì Ayutthaya và Bangkok đó là việc, mỗi vị vua sau khi lên ngôi đều cho xây dựng cung điện và nhiều chùa chiền mới để thể hiện công đức cũng như uy tín của nhà vua đối với việc hỗ trợ và phát triển của Tăng đoàn. ngôi chùa được xây dựng bởi nhà vua hoặc dưới sự bảo trợ của ông được gọi là Wat Luang (Tu viện hoàng gia) còn các ngôi chùa được xây dựng bởi một người bình thường được gọi là Wat rath (thường dân, tu viện tư nhân). “Trong thời kì Sukhothai và Ayutthaya, các vùng đất của tu viện bao gồm các cánh đồng lúa và vườn cây ăn trái. Những vùng đất này đã được trồng bởi các Kha Phra hoặc những người thuê vùng đất này của các Wat và việc thu hoạch những cánh đồng lúa và đất vườn là để bổ sung nguồn lực cho tu viện” [16;tr5].
Việc xây dựng các ngôi chùa, đặc biệt trong giai đoạn Ayutthaya, cho thấy một sự khác biệt so với thời kì Sukhothai. Việc xây dựng chùa, tu viện không chỉ là cách để đóng góp công đức mà còn để phục vụ cho các mục đích thực tế trong việc lôi cuốn người dân cùng nhau lao động bổ sung tại các đền chùa vì mục đích phòng thủ và kinh tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do: Thứ nhất, sự thiếu hụt nhân lực tại Ayutthaya tăng lên vì thương vong trong các cuộc chiến tranh với Miến Điện và theo quy định dành cho người chiến thắng.
Thứ hai, sự thiếu hụt còn tăng lên bởi những người trốn đi nghĩa vụ quân sự và lao động cực nhọc. Để tránh trở thành những người nằm ngoài vòng pháp luật và trốn các nghĩa vụ trên họ sẽ đăng kí với chính phủ làm việc tại một Kha Phra (tu viện nô lệ - nô lệ đền chùa). Những người nô lệ tại các tu viện được giao các nhiệm vụ phục vụ các nhà sư trong các chùa và được miễn các công việc lao động cực nhọc. Kha Phra định cư gia đình của họ trong vùng đất lân cận của tu viện và trên đất thuộc quyền sở hữu của các chùa. Họ được yêu cầu bảo trì tu viện, bảo đảm an ninh cho các ngôi chùa và các tài sản khác. Trên đất canh tác thuộc sở hữu của tu viện, các Kha Phra làm việc vì quyền lợi của tu viện, của các nhà sư tại các ngôi Wat đó. Trong một số trường hợp, các Kha Phra được phép giữ lại phần sản phẩm dư thừa sau khi đã nộp đủ cho tu viện nếu được sự đồng ý của tu viện.
Việc phân bổ các Kha Phra tới các tu viện được xem như một cách mà chính phủ giải quyết vấn đề nhân lực, đồng thời tạo ra những khu định cư vĩnh viễn để có thể dễ dàng kiểm soát dân số trong cả nước, đảm bảo vấn đề nhân lực bị thiếu hụt cũng như đảm bảo vấn đề an ninh chính trị của vương triều.
Ngoài ra, khi một ngôi Wat mới được xây dựng nó cũng trở thành trung tâm của một cộng đồng mới và thu hút thêm các nhóm người tới cư trú trong và khu vực xung quanh chùa. “Bắt đầu từ thời kì Ayutthaya, ngôi chùa không chỉ còn là nơi tu hành của phật tử mà còn trở thành trung tâm văn hóa, xã hội của từng bản, làng, từng địa phương. Ngôi chùa đã hút vào mình tất cả những hoạt động tinh thần của người Thái. Ở đó diễn ra các hoạt động nghi thức của Phật giáo, các hội lễ dân gian, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của dân chúng nằm trong khu vực chi phối của ngôi chùa. Dần dần, Phật giáo thâm nhập và ảnh hưởng vào mọi sinh hoạt tập thể của người Thái. Các sư đứng ra làm chủ các nghi lễ. Các văn bản Phật giáo được đọc, được diễn và trở thành món ăn tinh thần cho mọi người. Cứ như thế, qua các truyện, tích ly kỳ, hấp dẫn đó, Phật giáo thấm sâu và bén rễ vào đông đảo dân chúng” [2; tr69].
Vào giai đoạn cuối của lịch sử Ayutthaya, Thái Lan trở thành trung tâm gìn giữ và lan tỏa ảnh hưởng của Phật giáo Lankavông. Từ giữa thế kỉ XVIII, vua Sri Lanka là Kittisiri (1747 - 1781) đã cử một phái đoàn đến Ayutthaya nhờ vua Thái giúp chấn hưng Phật giáo cho đất nước mình. Vua Boromakot (1733 - 1758) đã cử một phái đoàn Phật giáo “do hai vị Cao tăng là Phra Upali Maha Thera và Phra Arijamuni Thera cùng 12 vị tăng sư Thái Lan sang Sri Lanka để tổ chức lại Tăng đoàn tại đây” [13; tr452].
Sau một thời gian hoạt động, các vị sư người Thái đã cải đạo được cho 700 người thành sư và 3.000 người thành tín đồ Phật giáo. Kể từ đó, một dòng Phật giáo mới được hình thành ở Sri Lanka là dòng Xiêmavông (Xiêmmavamsa) hay Upali Khămxả dòng Tăng Xiêm. Cho đến nay, dòng Phật giáo này của Xiêm vẫn còn là một trong những dòng Phật giáo quan trọng tại đảo quốc Sri Lanka.
Như vậy, có thể thấy rằng, so với giai đoạn Sukhothai, cơ cấu tổ chức hệ thống trong Tăng đoàn thời kì Ayutthaya đã có những bước tiến nhất định.
Hệ thống phân cấp trong Tăng đoàn và hệ thống Samanasak đã hoàn thiện hơn, chi tiết hơn và cũng đã có những quy định rõ ràng đối với các thứ bậc trong hệ thống sư tăng, đồng thời cho thấy quyền lực và trách nhiệm của họ đối với Tăng đoàn, với chính quyền và đối với nhân dân. Vào cuối thế kỷ XIV, Ayutthaya đã được xem là cường quốc mạnh nhất Đông Nam Á. nhưng vương quốc này không phải là một quốc gia thống nhất và đơn nhất, mà là một chắp vá của các tiểu vương quốc tự trị và các tỉnh chư hầu trung thành với quốc vương của Ayutthaya theo hệ thống Mandala.
Chính vì thế, việc quản lí đối với Tăng đoàn, nhất là hệ thống cấp bậc tại các địa phương sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn và nó cho thấy khả năng thiếu nhất quán trong hệ thống này là điều không thể tránh khỏi. Dù vậy, Phật giáo vẫn phát triển và vẫn trở thành tôn giáo chủ đạo của vương quốc và tiếp tục thể hiện rõ vai trò của mình cho tới tận ngày nay
Lương Hoài Thanh
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2/2014, phát hành ngày 15/03/2014
1. Chris Baker và Pasuk Phongaichit (Bản dịch của Võ Thị Thu Nguyệt), Lịch sử Thái Lan, Tư liệu lưu Thư viện Viện ng- hiên cứu Đông Nam Á
3. Trương Sỹ Hùng (2001), “Phật giáo Đông Nam Á”, Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb Thanh niên.
6. Viện nghiên cứu Đông Nam Á (1994), Tìm hiểu lịch sử - văn hóa Thái Lan, T1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
7. Chanvit Kasetsivi and Micheal Wright, (2007), Discover- ing Ayutthaya, Toyota Thailand foundation and the founda- tion for promotion of social science and Humanities Textbook.
9. Prince Damrong Rajanubhab (1973), Monuments of the Buddha in Siam, The Siam Society Under Royal Patron- age, Bangkok
10. Jeremias Van Vliet (1975) (bản dịch Tiếng Anh của Leonard Andaya), The short history of the King of Siam, The Siam Society, Bangkok.
11. John F.Cady (1966), Thailand, Burma, Laos and Cam- bodia, The modern nations in historical Perspective, Prentie
12. Mers Charuwan Phungtian, Thai – Cambodia art, cu- ture relationship through arts, Buddha Dharma Education Association Inc. Website: www, Buddha.net.
13. Richard D.Cushman (2000), (Bản dịch tiếng Anh của David K.Wyatt), The royal chronicles of Ayutthaya, The Siam Society under Royal patronage, Bangkok.
14. Rong Syamananda (1973), A history of Thailand, Chua- longkorn University, Thai Watana Panich Co. LTD, Bangkok.
15. S. J Tambiah (1976), World conquest and World Re- nouncer a study of Buddhism and polity in Thailand against a Historical Background, Part of Cambridge studies in Social and Cultural Anthropology, 15/Cambridge University Press.
16. Soomboon Suksamran (1981), Political Patronage and control over the Sangha, Research Notes and Discussion pa- per No.28, Institute of Southeast Asia Studies, Singapore.
Chú thích:
2 Phitsanulok kinh đô của Xiêm trong giai đoạn trị vì của Trailok sau khi ông hiến tặng cung điện của mình tại Ayut- thaya cho Tăng đoàn Phật giáo Ayutthaya.
3 Phái Pa Kaew là tên một dòng mới của Phật giáo Nguyên Thủy, xuất hiện lần đầu tiên ở giai đoạn Ayutthaya sớm, trước triều đại của vua Borommotrailokanat. Pa Kaew là một từ tiếng Thái nghĩa là “Rừng ngọc” hoặc “Rừng Thủy tinh”; trong đó Pa là rừng; Kaew là kính. Dòng này cũng được phân loại giống như trật tự trong dòng Kamavasi vì các thành viên cũng tập trung nghiên cứu và giảng dạy Phật pháp. Từ Ayutthaya cho đến giai đoạn đầu của triều đại Rama III (Bangkok), tổ chức Tăng đoàn đã được tạo thành bởi 3 dòng trên, trong đó Kamavasi chia thành hai bên Phải, Trái, còn Aranyavasi vẫn giữ nguyên.
4 Tên gọi Ayutthaya lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Châu Âu vào cuối thế kỉ 15 trong một bản đồ khu vực Đông Nam Á bởi một nhà địa lí học người Ý là Giacomo Gastaldi. Trong bản đồ, tên Ayutthaya xuất hiện là “Odia” và sau này tùy cách phiên âm mà người phương Tây gọi Ayutthaya với nhiều tên khác nhau: Iudea, Judia và Juthia.
5 Người chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của Ayut- thaya với bên ngoài có quyền lấy đi những người nô lệ cũng như cướp bóc tại các thành phố bị đnáh chiếm.
6 Truyền thống của việc gán Kha Phra để phục vụ các nhà sư và hiến đất cho chùa từ lâu đã được thực hành trong các quốc gia Ấn Độ giáo – Phật giáo. Phật giáo tiếp nhận truyền thống này từ Ấn Độ giáo trên cơ sở các vị vua hiến đất và nô lệ cho các ngôi đền để bảo trì sự tồn tại của các ngôi đền đó. Đến thế kỉ 13, hình thức này trở nên phổ biến trong Phật giáo Tiểu Thừa tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia...