Dù nhiều địa phương trong cả nước xảy ra các vụ dịch lớn, nhưng ở Nghệ An, nhờ chủ động phòng, chống nên không có dịch lớn, nguy hiểm xảy ra. Ở tỉnh chỉ xuất hiện một số vụ dịch nhỏ nhưng đã kịp thời phát hiện sớm, bao vây, khống chế.
Với sự đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, ngành y tế đã thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chính đề ra như: dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS, chống lao, sốt rét. Các chỉ tiêu pháp lệnh cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Số bác sĩ/vạn dân đạt 8,5; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ đạt 90%; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 34% (KH 30%); mức giảm tỷ lệ sinh 0,3‰; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 17%...
Hướng tới nền y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả những năm qua y tế Nghệ An tập trung nhiều cho y tế cơ sở. Ngành đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hoạt động tại 9 trung tâm y tế huyện, 26 trạm y tế xã và một số bệnh viện tuyến huyện. Nội dung kiểm tra gồm xây dựng vườn Thu*c nam mẫu, cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp; kiểm soát nhiễm khuẩn; phòng, chống dịch bệnh; quản lý bệnh không lây nhiễm; thẩm định lại cho 93 xã đã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế trên 3 năm. Ngoài ra, ngành đã đầu tư phát triển trạm y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế đã thành lập hội đồng quản lý chất lượng ngành, tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, hội thi 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Thời điểm này, tất cả các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn toàn tỉnh đã thực sự thay đổi tư duy trong việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế cải đã được nâng lên đáng kể.
Ở các đơn vị khám, chữa bệnh, việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã giúp các đơn vị có nhiều biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư phát triển. Điều này đã giúp cho các đơn vị có điều kiện nghiên cứu, ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật mới như: Nối mạch máu thần kinh, tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật nội soi chuyên sâu các chuyên ngành tim mạch, ngoại, sản, tai mũi họng, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), ghép thận, ghép tế bào gốc tự thân điều trị ung thư máu, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não, kỹ thuật truyền hóa chất và dưỡng chất bằng buồng tiêm truyền dưới da...
Một thành công lớn của ngành y tế đó là đã thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Da liễu Nghệ An... Hiệu quả công tác sau khi sắp xếp là rất tốt, nhất là ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.
Lúc này, thách thức lớn nhất của ngành y tế Nghệ An là việc đối mặt với nguy cơ dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, y tế Nghệ An cũng đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức khác. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch; các bệnh dịch mới, bệnh lạ khó lường trước, có tỷ lệ Tu vong cao. Trong khi đó, kinh phí đối ứng địa phương cho Chương trình mục tiêu y tế - dân số hạn hẹp; các dự án đã thực hiện cắt giảm tài trợ, ảnh hưởng đến việc triển khai, vận hành các chương trình do dự án chi trả kinh phí.
Thách thức trong công tác khám, chữa bệnh cũng không hề nhỏ. Cơ chế quản lý của BHXH vẫn chưa đồng bộ trong quản lý, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện thanh toán BHYT cho các đơn vị dẫn đến việc các cơ sở khám, chữa bệnh không dám phát triển chuyên môn, kỹ thuật, nhất là tuyến y tế cơ sở chưa tương xứng với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là khu vực miền núi; tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến còn cao, dẫn đến chi phí điều trị nhiều, tăng sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Thời gian tới, ngành y tế Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các giải pháp trọng tâm là thực hiện tốt công tác dự phòng, dự báo, giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời các loại dịch bệnh; phát triển mạng lưới y tế vừa chuyên sâu, vừa phổ cập.