Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Phòng chống dịch COVID-19 cần kiên định, kiên trì, lâu dài

Đã 17 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Dù vậy, người dân không nên chủ quan, bởi nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống, dịch sẽ bùng lên như một số nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai, được hiểu là hết dịch rồi lại bị bùng phát trở lại. Tuy nhiên, tại Việt Nam khó xảy ra nguy cơ này vì việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch đã và đang được làm rất tốt.Thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra nhưng chỉ là rải rác và sẽ kiểm soát được.

Để ngăn chặn và phòng dịch hiệu quả, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020, của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND, ngày 28/4/2020, của Chủ tịch UBND thành phố. Xác định việc phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ phải thực hiện kiên trì, kiên định và lâu dài. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và người dân trên toàn địa bàn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân tự giác, tự nguyện cùng tham gia cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc thành công hay không thành công trong ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại.

Học sinh cần được đo thân nhiệt trước khi vào trường, lớp học.

Học sinh cần được đo thân nhiệt trước khi vào trường, lớp học.

Lực lượng chức năng từ cấp xã đến cấp thành phố có trách nhiệm trực 24/24/7 để tiếp nhận và xử lý tất cả thông tin, trình báo, phản ánh, kiến nghị của người dân, đặc biệt đối với các trường hợp trình báo về các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh như ho, sốt, đau họng để kịp thời có phương án xử lý. Khuyến khích người dân phản ánh các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch trên ứng dụng Hà Nội Smart City.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở khám chữa bệnh, hiệu Thu*c khi phát hiện người dân đến khám bệnh hoặc mua Thu*c có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh nêu trên phải khẩn trương hướng dẫn khai báo y tế, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách theo quy định, đây là yếu tố bắt buộc. Việc này cần thực hiện liên tục trong thời gian dài để trở thành thói quen, nếp sống trong sinh hoạt hằng ngày đối với tất cả mọi người dân.

Những ngày tới, sau khi việc giãn cách xã hội được nới lỏng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố, học sinh, sinh viên được đi học trở lại, cơ quan công sở, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp dần trở lại, lưu lượng tham gia giao thông sẽ tăng nhanh chóng, việc giữ đúng khoảng cách khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi dừng chờ đèn đỏ cần phải thực hiện nghiêm, do đó, cần tích cực tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện, nhằm bảo vệ cho chính mình và người xung quanh.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng thời gian mở cửa. Yêu cầu các cơ sở này treo biển về thời gian mở cửa để khách hàng biết.Trước mắt, việc này sẽ được thành phố thực hiện đến hết ngày 31/12/2020. Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh bán hàng dưới mọi hình thức. Chính quyền quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định.

Sở Y tế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh theo các chỉ đạo của thành phố; tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố, đặc biệt khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh, việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn và giữ khoảng cách theo quy định là bắt buộc. Các cơ sở giáo dục chủ động trong việc phân chia các ca học đảm bảo học sinh, sinh viên giữ khoảng cách khi tham gia học tập và sinh hoạt tại trường.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh, sinh viên khi đến trường và từ trường về nhà không tham gia tập trung đông người, “đi đến nơi, về đến chốn”. Chủ trì tham mưu, đề xuất phương án cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn hai huyện Mê Linh và Thường Tín sau khi thực hiện xong việc cách ly theo quy định.

Sở Công Thương thực hiện tốt công tác kết nối cung cầu hàng hóa, đảm bảo tốt nhu cầu về hàng hóa thiết yếu cho người dân như lương thực, thực phẩm...

Về vấn đề đi học của học sinh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành phố quyết định tất cả các trường từ cấp THCS bắt đầu đi học trở lại từ 4/5; học sinh tiểu học, mầm non đi học lại từ ngày 11/5. Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị tất cả lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện, hiệu trưởng, giáo viên các trường chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, bố trí máy đo thân nhiệt cho học sinh, nước sát khuẩn, tính toán thời gian giải lao tránh tụ tập đông. Ngoài ra, các nhà trường phải tuyên truyền các bậc phụ huynh để giám sát, đưa đón học sinh phải “đi đến nơi về đến chốn”, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. “Thành phố chỉ ấn định khung giờ học, việc giãn cách là thẩm quyền quyết định của các trường... làm sao để đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh”, ông Nguyễn Đức Chung lưu ý.

Hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Do đó, Việt Nam phải xác định duy trì phòng, chống dịch lâu dài. Dù nước ta có ghi nhận các ca mắc mới hay không thì người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch, đó là đeo khẩu trang, tránh giao tiếp gần, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài, nhất là người già và người có bệnh lý nền, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tay, thực hiện khai báo y tế, đặc biệt với những người có ho, sốt, triệu chứng nghi vấn hoặc có yếu tố dịch tễ.

“Tôi thấy, những ngày gần đây, người dân đã rất chủ quan khi đi tắm biển, ngồi ăn gần nhau, tụ tập đông người không đeo khẩu trang... Người dân cho rằng, dịch đã hết, điều này rất đáng lo ngại”, PGS.TS. Trần Đắc Phu lo lắng.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xác nhận, kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR của nam công nhân sốt cao, nghi mắc COVID-19 ở làng nghề Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) âm tính với SARS-CoV-2.Trước đó, ngày 20-4, nam công nhân có tên T.N.K (sinh năm 1982, quê ở Nghệ An) từ Nghệ An đến xã Kiêu Kỵ bằng xe máy. Sau đó, anh này có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, uống Thu*c không khỏi nên đã đến khám tại BVÐK huyện Gia Lâm. Ngày 1/5, bệnh nhân được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả test nhanh của bệnh nhân lần 1 dương tính với SARS-CoV-2 và test nhanh lần 2 âm tính. Ngày 2/5, CDC Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại bằng phương pháp xét nghiệm khẳng định RT-PCR, đồng thời, chính quyền địa phương đã tiến hành phong tỏa tạm thời nơi ở của bệnh nhân (với khoảng 120 hộ tại xã Kiêu Kỵ) theo đúng quy trình phòng, chống dịch. Kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật RT- PCR khẳng định, nam thanh niên đã âm tính với SARS-CoV-2.

Với kết quả xét nghiệm khẳng định này, những người tiếp xúc với trường hợp này không phải tiến hành cách ly theo khuyến cáo, khu vực bệnh nhân sinh sống cũng không cần tiếp tục phong tỏa.

Mai Huyên

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5eaf9efef8ec6e492855b6f3)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY