Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phòng, chống dịch Covid-19:Sớm nghiên cứu sản xuất robot, vắc - xin

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức cuộc họp tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về những giải pháp ứng phó với dịch Covid-19.
Cuộc chiến chống COVID-19: Chủ động và quyết liệt TP. Hồ Chí Minh: Ra mắt buồng khử khuẩn toàn thân phòng chống dịch Covid-19 Phòng dịch Covid-19: Thiết bị tập tại nhà lên ngôi Thời Covid-19, dùng màn hình máy tính gì khi làm việc tại nhà?

Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động trong việc sản xuất kít chẩn đoán Covid-19 và khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, để đề phòng các kịch bản xấu hơn, cần sớm có các giải pháp hỗ trợ phòng và điều trị.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, trước mắt, Việt Nam có thể nghiên cứu để sản xuất robot phục vụ hỗ trợ phòng và chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trên thực tế, hiện các bác sỹ, y tá đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 phải chịu nhiều áp lực, lo ngại lây nhiễm cho gia đình và bản thân khi công việc điều trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

"Nếu có robot khử khuẩn trong các buồng cách ly, lau rửa các bề mặt tiếp xúc và hỗ trợ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, thì các y, bác sĩ sẽ được giảm tải, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị" - GS.TS Nguyễn Văn Kính đề xuất và cho hay, Việt Nam năm nào cũng được giải Robocon, vì vậy không phải là không có khả năng để chế tạo các robot.

Về lâu dài, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, cần triển khai hướng nghiên cứu sản xuất vắc - xin, bởi đây là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, để phát triển vắc - xin phòng bệnh cần nhiều thời gian, với nhiều công đoạn khác nhau.

TS. Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc - xin và sinh phẩm y tế Polyvac - chia sẻ, để nghiên cứu vắc - xin cần quá trình lâu dài, nghiên cứu sâu rộng nên chúng ta không thể hy vọng trong vòng mấy tháng có thể hoàn thành, nhưng không vì vậy mà không bắt tay vào làm. Do đó, cần có những nghiên cứu ban đầu để sản xuất vắc - xin SARS-CoV-2. Tiếp đó, khi đã làm chủ công nghệ, chứng minh được vắc - xin có khả năng bảo vệ được con người thì quá trình tiếp theo phải có nhà xưởng, trang thiết bị để sản xuất đại trà, đến vấn đề cấp phép, lưu hành…

TS. Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Vắc - xin và Sinh phẩm số 1 Vabiotech - thông tin thêm, riêng tại Việt Nam, sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập được virus SARS-CoV-2, cả Polyvac và Vabiotech đã phối hợp với viện và các đơn vị liên quan khác để bắt tay nghiên cứu vắc - xin và hiện cũng đã có những kết quả bước đầu.

Các nhà khoa học cũng đề xuất, cần đánh giá, xây dựng những khu vực được kiểm soát nhằm tránh lây nhiễm, phát triển buồng khử khuẩn, đầu tư các máy thở và chủ động nguồn ôxy phòng trường hợp nhiều người mắc bệnh Covid-19, cũng như mở rộng mạng lưới các đơn vị, các phòng thí nghiệm được xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc SARS-CoV-2, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nga Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Công thương (https://congthuong.vn/phong-chong-dich-covid-19-som-nghien-cuu-san-xuat-robot-vac-xin-134223.html)
Từ khóa:

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY