Dinh dưỡng hôm nay

Là chuyên khoa nghiên cứu ứng dụng các phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống và xây dựng các chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng bệnh lý khác nhau, dựa trên sự phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng: cung cấp chế độ ăn thường và chế độ ăn uống tuỳ theo bệnh lý cho các bệnh nhân điều trị nội trú, phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân suy dinh dưỡng, tư vấn và hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân,….

Phòng tránh béo phì cần bắt đầu từ rất sớm!

Theo quan điểm mới hiện nay, việc phòng chống thừa cân-béo phì (TC-BP) cần phải gắn liền với sự quan tâm chăm sóc toàn diện đến cả vòng đời.
Theo quan điểm mới hiện nay, việc phòng chống thừa cân-béo phì (TC-BP) cần phải gắn liền với sự quan tâm chăm sóc toàn diện đến cả vòng đời. Quan niệm trước đây cho rằng trẻ em khi lớn sẽ giảm dần và hết hẳn tình trạng thừa cân béo phì đến lúc trưởng thành. Nhưng các số liệu nghiên cứu hiện có cho thấy, tỷ lệ BP gia tăng rõ rệt ở những trường hợp BP từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, thậm chí tình trạng BP ở những trường hợp này còn ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn những trường hợp BP bắt đầu từ lúc trưởng thành. BP thời kỳ trẻ em làm gia tăng số lượng tế báo mỡ, trong khi BP bắt đầu xuât hiện lúc trưởng thành chỉ làm tăng khối lượng và thể tích tế bào mỡ còn số lượng tế bào mỡ vẫn giữ nguyên, do vậy việc điều trị BP ở người trưởng thành BP từ thời thơ ấu khó hơn rất nhiều so với người bắt đầu bị BP từ lúc đã trưởng thành: khả năng thành công trong điều trị BP tỷ lệ nghịch với số năm bị BP. Bởi vậy các bằng chứng khoa học ngày nay đã chỉ ra rằng thời điểm để phòng BP và các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, … cần bắt đầu từ rất sớm và cần tiếp tục trong suốt các giai đoạn tiếp theo của cả vòng đời.

Giai đoạn trước khi mang thai: Nếu có thể chăm sóc từ thời điểm này, thì đây là giai đoạn quan trọng để đảm bảo người phụ nữ trước lúc mang thai có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường (trong khoảng từ 18,5 đến 25kg/m2) và tình trạng vi chất dinh dưỡng bình thường (ví dụ người phụ nữ cần được điều trị khỏi tình trạng thiếu máu, có khẩu phần ăn đủ folate và cân đối các chất, được sử dụng các thực phẩm bổ sung vi chất). Trong thai kỳ việc theo dõi lên cân của thai phụ rất quan trọng để giảm nguy cơ sinh con có cân nặng sơ sinh thấp (<2,5kg) hay ngược lại cân nặng sơ sinh quá cao (>4kg). Bởi cả cân nặng sơ sinh thấp hay cao đều liên quan đến làm tăng nguy cơ BP sau này. Người ta cho rằng sự mất cân bằng trong chế độ ăn của mẹ khi mang thai sẽ tạo nên tình trạng dư thừa mỡ ở trẻ sơ sinh. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ 3-9 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì cao gấp 2-8 lần so với trẻ không bị thấp còi. Nguyên nhân có thể là do trẻ suy dinh dưỡng mạn tính có khối nạc thấp, chuyển hóa cơ bản và hoạt động thể lực giảm, khi được cung cấp đủ năng lượng, sẽ tích luỹ mỡ rất nhanh. Trong khi cơ chế của vấn đề thiếu hay thừa dinh dưỡng trong thời kỳ bào thai dẫn đến tình trạng BP ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này đang được làm sáng tỏ, thì thông điệp chính là chúng ta nên thay đổi những điều đang được cho là dinh dưỡng tốt trong giai đoạn sơ sinh, thay vì chỉ tập trung vào tăng cân cho trẻ như trước đây, chúng ta cần chú ý đề đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý và tỷ lệ phát triển cân đối giữa cân nặng và chiều dài/chiều cao.

Để phòng chống béo phì ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: các bà mẹ cần tạo mọi điều kiện để có thể nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (đây là hình thức nuôi trẻ hoàn hảo nhất), tránh việc cho thêm đường hay bột vào sữa công thức của trẻ. Trẻ được nuôi bằng sữa bột công thức có nguy cơ thừa cân - béo phì cao hơn trẻ bú mẹ, vì sữa bú từ bình sẽ chảy nhanh hơn từ bầu sữa mẹ, vi thế bú bình dễ cung cấp thừa năng lượng; và một số loại sữa công thức có hàm lượng protein và muối cao, làm tăng áp lực thẩm thấu, gây cảm giác khát, kích thích trẻ bú nhiều hơn. Khi cho trẻ ăn bổ sung người mẹ nên chấp nhận khả năng ăn của con theo khuyến nghị nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi hơn là ép con ăn đến khi hết suất mới thôi; và cần đảm bảo lượng vi chất khẩu phần thích hợp cần thiết cho trẻ phát triển tối ưu.

Phòng chống béo phì cho trẻ lớn và trẻ vị thành niên: điều quan trọng cho nhóm tuổi này là khuyến khích trẻ có lối sống năng động, hạn chế thời gian xem tivi, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Các nghiên cứu đã cho thấy trẻ thức khuya sau 11h đêm gây rối loạn hoạt động enzyme chuyển hóa chất béo dễ dẫn đến rối loạn mỡ máu. Cần tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo từng lứa tuổi (như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội...).

Về ăn uống, cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị để trẻ phát triển bình thường; khuyến khích ăn rau và hoa quả. Hạn chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống có đường. Điều quan trọng là theo dõi tăng trưởng cân nặng, chiều cao cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Như vậy, cha mẹ sẽ phát hiện sớm suy dinh dưỡng hoặc TC-BP để xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, cần thay đổi môi trường cho trẻ bằng cách đẩy mạnh các hoạt động thể chất ở trường học và cộng đồng; tạo thêm các cơ hội giao tiếp trong gia đình (ví dụ tạo điều kiện tổ chức các bữa ăn gia đình nhưng phải lưu ý nêu gương về cách ăn uống hợp lý cho trẻ!), hạn chế cho trẻ cơ hội ăn những thức ăn nhanh cao năng lượng nhưng nghèo vi chất, cung các thông tin và các kỹ năng cần thiết để giúp trẻ ngày càng biết cách tự lựa chọn thực phẩm tốt hơn.

Ở những nước đang phát triển như Việt nam chúng ta, đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cần tránh ăn quá nhiều vì có nguy cơ BP cao hơn những trẻ bình thường. Các chương trình dinh dưỡng cần đánh giá chiều dài/chiều cao cùng với cân nặng để đề phòng khả năng cung cấp thừa năng lượng cho những trẻ đang thiếu cân so với lứa tuổi nhưng lại vẫn đang đủ cân so với chiều cao.

TS. BS. Phan Bích Nga

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (http://suckhoedoisong.vn/phong-tranh-beo-phi-can-bat-dau-tu-rat-som-n70605.html)
Từ khóa: béo phì

Chủ đề liên quan:

bắt đầu béo phì

Tin cùng nội dung

  • Các nhà khoa học khẳng định việc đặt thiết bị đang sạc pin bên cạnh mình vào ban đêm có thể làm cho người sử dụng tăng cân.
  • Theo y học cổ truyền, có 8 cách để làm giảm béo phì như cách hóa thấp, khử đờm, lợi thủy, thông thông phủ, tiêu đạo,...
  • Theo các chuyên gia y tế, béo phì chính là một trong những thủ phạm gây nên các vấn đề suy giảm sức khỏe T*nh d*c ở nam giới.
  • Cháu 15 tuổi, cao 1m45 mà nặng tới 40 kg. Đùi, mông và bắp chân cháu rất to, bạn bè thường trêu là béo lùn nhưng mẹ cháu lại an ủi là không béo.
  • Ngủ dưới 8 giờ vào các ngày thường có liên quan với béo phì ở nam giới tuổi teen.
  • Các nhà khoa học hiện nay tin rằng, các triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh có thể phát triển trong khi một phụ nữ vẫn đang trong giai đoạn mang thai.
  • Tôi muốn hỏi bệnh viện hay phòng khám nào điều trị béo phì ở TPHCM và giá cả như thế nào? Cám ơn! (Trâm - Thủ Đức)
  • Nếu bạn không may lâm vào tình trạng thừa cân và béo phì thì ngoài những biện pháp có tính chất bắt buộc như điều chỉnh chế độ ăn và rèn luyện thể lực một cách hợp lý, bạn có thể thực thi một số liệu pháp hết sức độc đáo của y học cổ truyền, trong đó phải kể đến việc sử dụng một số bài Thu*c đơn giản được tạo nên từ các loại hoa quanh nhà quanh vườn. Bài viết này xin được giới thiệu một số công thức điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.
  • Cũng như các biện pháp khác của đông y, tự xoa bóp nhằm mục đích kiện tỳ hoá thấp, thông kinh hoạt lạc, tiêu trừ mỡ thừa và dự phòng các biến chứng do béo phì gây ra.
  • Khi bắt đầu điều trị ung thư, cơ thể bạn cần một chế độ ăn uống lành mạnh để hoạt động tốt.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY