Sẽ bỏ hẳn thu phí sử dụng đường bộ với xe máy
“Tại thời điểm lập Quỹ bảo trì đường bộ, lúc đó, cả nước có 30 triệu xe máy và hiện giờ là 45 triệu xe. Nếu thu 70.000 đồng/xe thì mỗi năm sẽ thu được trên 3.000 tỷ đồng tiền phí sử dụng xe máy trong khi phí bảo trì đường bộ thu từ ôtô qua các trạm đăng kiểm cũng chỉ rơi vào khoảng 4.500 tỷ đồng. Số tiền này là không hề nhỏ nếu thu đúng, thu đủ thì sẽ góp phần vào nâng cấp tuyến đường địa phương,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Chính phủ đã nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ ngày 1/1/2016.
Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải đều có quan điểm theo hướng tới đây sẽ bỏ hẳn thu phí bảo trì đường bộ đối với loại phương tiện này.
Tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải 13/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, khi xây dựng Nghị định 18 trước đây đưa ra là phải thu phí sử dụng đường bộ với xe máy vì khi đặt vấn đề này Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xin ý kiến rộng rãi người dân đặc biệt là các tỉnh, thành trong đó toàn bộ số tiền xe máy sẽ đưa về địa phương để duy tu, sửa chữa các tuyến đường.
“Tại thời điểm lập Quỹ bảo trì đường bộ, lúc đó, cả nước có 30 triệu xe máy và hiện giờ là 45 triệu xe. Nếu thu 70.000 đồng/xe thì mỗi năm sẽ thu được trên 3.000 tỷ đồng tiền phí sử dụng xe máy trong khi phí bảo trì đường bộ thu từ ôtô qua các trạm đăng kiểm cũng chỉ rơi vào khoảng 4.500 tỷ đồng. Số tiền này là không hề nhỏ nếu thu đúng, thu đủ thì sẽ góp phần vào nâng cấp tuyến đường địa phương,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Bên cạnh đó, vị Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng tiết lộ số tiền thu được, đến thời điểm này ôtô chỉ thu được 3.500 tỷ đồng, nếu cả quý 4 thu nữa thì dự kiến tổng thu cả năm là 4.500 tỷđồng. Nếu chia cho 19.000 cây số đường Quốc lộ cần phải bảo dưỡng, sửa chữa thì chỉ là con số nhỏ bé.
Lý giải cho việc sau một thời gian thực hiện rồi lại tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ ra nguyên nhân, thu phí sử dụng đường bộ dành cho xe máy chưa có chế tài nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.
“Thời gian đầu triển khai thu phí sử dụng đường bộ xe máy đạt tới 50%. Gần đây, tại các địa phương con số thu được chỉ rơi vào 10-15%, đặc biệt năm nay là 5% nên số thu không đủ chi cho người đi thu. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ xe máy,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Đề cập đên việc tạm dừng và tiến tới theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương, Thứ trưởng Trường khẳng định, các địa phương không có nguồn thu phí từ loại phương tiện này thì sẽ phải tự cân đối nguồn vốn.
Trước đó, tại buổi họp phiên thường kỳ của Chính phủ vào cuối tháng Chín vừa qua, các thành viên Chính phủ đã nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ ngày 1/1/2016.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng - Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô từ ngày 1/1/2016.
Theo V.Hùng (Vietnam )
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-se-bo-han-thu-phi-su-dung-duong-bo-voi-xe-may-19182.html)