Như báo Nhà báo và Công luận đã đăng tải, Công ty CP Sahabak tại KCN Thanh Bình có vốn điều lệ 260 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn góp 36% vốn; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội với 25% vốn góp; Công ty CP Bất động sản Sài Gòn – Đông Dương với 5% vốn góp; phần còn lại của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn với 34%, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất ván MDF và chế biến gỗ.
Sahabak được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp GCN đầu tư cho dự án Nhà máy chế biến gỗ ngày 21/12/2009 với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng, dự án 2,5ha đi vào hoạt động năm 2010. Năm 2011, Sahabak tiếp tục được cấp phép đầu tư Nhà máy sản xuất MDF với vốn đầu tư 1.142.612.000.000 đồng, công suất 108.000m3 ván MDF/năm, nguyên liệu sử dụng 200.000m3 đến 300.000 m3 gỗ/năm và tiếp tục mở thêm 2 nhà máy nhỏ khác từ năm 2011 - 2013. Khi đi vào hoạt động, nhà máy MDF SAHABAK ước nộp ngân sách khoảng 40 tỷ đồng/năm; đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 500 tỷ đồng/ năm. Đặc biệt, nhà máy sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn lao động trong ngành lâm nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của người dân với nghề trồng rừng nguyên liệu.
Dự kiến nhà máy MDF sẽ hoàn thành và vận hành chạy thử vào quý III năm 2013. Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, giãn tiến độ thực hiện (hạn đi vào sản xuất năm 2017), đến ngày 19/8/2016 Công ty cổ phần SaHaBak đã chính thức thông báo bằng văn bản số 14/CV-SHB-HĐQT với nội dung Dự án nhà máy sản xuất MDF không tiếp tục triển khai được nữa.
Để giải quyết “mó bòng bòng” của Sahabak, ngày 23/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn – ông Lý Thái Hải đã có văn bản chỉ đạo cho biết: Tỉnh Bắc Kạn luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian qua để thực hiện các dự án và tái cơ cấu đầu tư tại KCN. Tuy nhiên, qua phân tích của các Sở, ngành và doanh nghiệp thấy rằng, việc Sahabak muốn tái cơ cấu các dự án là không khả thi, các cổ đông không thống nhất góp vốn… Vì vậy, Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn đề nghị HĐQT, TGĐ công ty Sahabak tổ chức thanh lý tài sản các dự án không còn GCN đầu tư theo quy định. Chậm nhất đến 15/6/2018 phải đề xuất được phương án khả thi, nếu không tỉnh sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cấp cho đơn vị theo quy định.
Tiếp đó, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phát đi thông báo yêu cầu BQL các KCN tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ về thanh lý dự án đầu tư; thu đúng, đủ các khoản phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ công ích, xử lí nước thải; thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cấp và giải quyết các vấn đề liên quan đối với công ty Sahabak theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định. Yêu cầu Sahabak thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của tỉnh; thanh lí dự án, tài sản của các dự án không còn GCN đầu tư theo quy định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với tỉnh.
Trong năm 2019, đã nhiều lần UBND tỉnh Bắc Kạn làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, đề xuất đơn vị làm thủ tục phá sản để xử lý tài sản trên đất, từ đó thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng Công ty Sahabak không chấp thuận.
Ngày 14-11-2019, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 2258/QĐ-UBND thu hồi hơn 500 ha đất rừng đã giao và cho Công ty Sahabak thuê. Đối với hơn 900 ha đất đã trồng rừng, ngày 27-11, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Sahabak khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động, hoàn thành trước ngày 31-12-2019 để tỉnh xem xét. Quá thời gian nêu trên mà công ty không có phương án hoặc phương án không khả thi thì phải giải thể, phá sản theo quy định. Trước mắt, Công ty Sahabak phải có phương án giải quyết số nợ lương, chế độ chính sách cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này Công ty Sahabak vẫn chưa đưa ra được kế hoạch thực hiện.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, UBND tỉnh và các ngành chức năng đang thực hiện các biện pháp "rốt ráo" nhằm xử lí dứt điểm những sai phạm tồn tại tại Công ty Sahabak.