Thôn Bầu, thôn Mun và thôn Nhuế (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) là ba thôn có nhiều khu dân cư có số công nhân, chủ yếu làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thuê nhà trọ lên tới hàng vạn người.
Vừa tan ca làm trở về từ công ty, chị Phạm Thị Hiền (quê Hòa Bình) tất tả tắm, giặt bởi sợ chỉ thêm chút nữa, khi xế chiều, công nhân thuê trọ trong khu trở về là lại phải xếp hàng chờ.
Cả dãy trọ gần 30 phòng nhưng chỉ có 3 nhà vệ sinh, 3 nhà tắm và bể nước giặt quần áo dùng chung. Trên đường về nhà trọ, chị Hiền tranh thủ ghé chợ mua miếng đậu phụ, bó rau và quả trứng nấu cơm chiều và chia thành các phần cho cả bữa sáng hôm sau.
Sau khi sinh con, để tiện cho việc chăm sóc con nhỏ, chị Hiền thuê phòng trọ rộng khoảng 20m2 với nhà vệ sinh khép kín. Nhưng đợt này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không còn tăng ca, chị gửi con về cho ông bà ngoại ở Hòa Bình và chuyển sang thuê căn phòng trọ 10m2.
“Chuyển sang phòng trọ vệ sinh chung, mọi thứ bất tiện nhưng mỗi tháng tôi tiết kiệm được 500.000 đồng. Số tiền này đủ mua hộp sữa cho con. Giờ hết việc, công ty không tăng ca nên lương cũng chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng”, chị Hiền nói.
Cạnh phòng trọ của chị Hiền, hai đứa trẻ con anh chị Tuấn - Huệ đang chơi trên khoảnh hành lang chung rộng hơn 1m chạy dọc dãy nhà trọ.
Chốc chốc, anh Tuấn vừa nhặt rau vừa nhao ra ngó con. Là công nhân một công ty điện tử tại KCN Bắc Thăng Long nhưng 10 ngày nay công ty cho công nhân nghỉ luân phiên, anh Tuấn ở nhà trông 2 đứa nhỏ.
“Trước đây, vợ chồng tôi đi làm, có ông nội ở trông giúp 2 cháu. Phòng trọ nhỏ 10m2, chỉ đủ kê chiếc giường cho gia đình ngủ nên tôi thuê thêm một phòng trọ bên cạnh để hàng ngày ông có chỗ chui ra chui vào.
Đợt này, công ty ít việc cho công nhân nghỉ luân phiên, vợ chồng tôi thay nhau trông con. Ông nội về quê để tiết kiệm tiền thuê phòng trọ hàng tháng”, anh Tuấn kể.
Trừ chi phí phòng trọ, tiền ăn, tiền điện nước, nếu tháng nào hai đứa con khỏe mạnh không phải Thu*c thang thì có thể để dư 1 triệu đồng tiết kiệm. Nhưng chỉ một trận con ốm, hai vợ chồng lại phải vay mượn thêm.
Dương Hồng Đức (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bảo vệ siêu thị Aone (Long Biên, Hà Nội) mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh. Ngay từ khi sinh ra, Đức ốm đau liên miên, bố bị động kinh đã 15 năm qua nên mọi gánh nặng đè lên đôi vai của chị Sánh - mẹ Đức.
Tiền viện phí, giường nằm và tiền mua máu được bảo hiểm y tế chi trả nhưng mỗi tháng phải mất thêm khoảng 2,5 triệu tiền mua Thu*c hỗ trợ chức năng gan, vì Thu*c không nằm trong danh sách bảo hiểm”, Đức kể.
Trước đây, mỗi tháng, lương của Đức khoảng 5 triệu đồng. Đức cùng 4 bạn thuê một phòng trọ. Mỗi tháng hết 700.000 đồng/người. Số tiền còn lại, em chi tiêu cho việc ăn uống, đi lại từ nhà trọ đến chỗ làm và trang trải tiền Thu*c.
“Từ đầu tháng này, siêu thị đóng cửa gần hết các gian hàng nên bảo vệ luân phiên nhau làm mỗi ngày 1 ca khoảng 4 tiếng đồng hồ. Lương của em còn 2,5 triệu đồng. Trừ tiền phòng trọ, cố gắng tiết kiệm mỗi ngày thì vẫn đủ tiền cơm”, Đức nói.
Ở quê nhà Hà Tĩnh, chị Sánh mẹ Đức thân hình còm cõi vẫn chạy xe ôm chở bà con làng xóm khi cần để kiếm thêm vài đồng mua miếng thịt bổ sung vào bữa ăn cho người chồng bị động kinh gần 20 năm nay.
“Trước đây, tôi theo phụ giúp rửa bát, nhặt rau, khuân vác đồ cho đội nấu cỗ thuê cho các gia đình có đám cưới, đám giỗ. Nhưng từ đầu năm 2020, dịch bệnh xảy ra, người dân không còn tổ chức cỗ bàn như trước, nên không có việc”, chị Sánh bảo.
Ở quê không có việc làm, chị Sánh ra Hà Nội giúp việc cho các hộ gia đình. Tiền ăn ở đã được chủ nhà lo, mỗi tháng được 4 triệu đồng gửi về cho con trai và chồng ở nhà ăn uống và trả lãi vay ngân hàng.
“Mới làm được hơn 1 tháng thì dịch lan rộng, người ta không thuê nữa, tôi phải về quê. Có ai thuê chạy xe ôm hay chở đồ đạc gì thì cố gắng kiếm thêm. Từ hôm thực hiện cách ly, không ai ra đường nên ngoài tiền mua gạo, cả nhà chỉ trông vào mấy cọng rau nhặt ngoài vườn cho qua bữa”, chị Sánh kể.
Ngồi trong ngôi nhà ngói tình nghĩa được chính quyền địa phương xây dựng, chị Sánh lật giở từng trang sổ nợ. Đến nay, số tiền nợ ngân hàng lên tới hơn 40 triệu đồng.
Tiền ăn không có, mỗi tháng cả nhà phải tìm mọi cách vay mượn để lo trả lãi. Câu chuyện ngắt quãng, chị Sánh phải chạy lại đỡ chồng khi anh lên cơn động kinh.
Cùng cảnh khó khăn như chị Sánh, gần 2 tháng nay, cả gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (39 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Bữa cơm của 4 người gói gọn chỉ trong 30 nghìn đồng.
Một đĩa rau hai vợ chồng ăn. Hai quả trứng luộc dầm nước mắm dành cho con. Chị Hoa là công nhân may của Cty Bowker Việt Nam, còn anh là nhân viên vận chuyển của một công ty gas.
Hơn 15 năm làm công nhân từ Bình Dương đến Sài Gòn với đủ nghề, gia đình chị chưa bao giờ rơi vào cảnh túng thiếu như những ngày này. Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng.
Những tháng nhiều việc, tăng ca đều, vợ chồng chị tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng. Còn lại, lương tháng nào vừa đủ chi tiêu tháng đấy. Từ đầu tháng 2 đến nay, công ty chị tạm ngừng sản xuất, công nhân dần dần được cho nghỉ việc. Ngày nghỉ việc, công ty thông báo sẽ hỗ trợ mỗi công nhân 1 triệu đồng, còn lại sẽ thông báo sau.
“Số tiền này chỉ đủ gia đình trang trải trong tuần đầu tiên. Còn 2 tháng qua, mọi khoản chi tiêu đều lấy từ khoản tiết kiệm.
Nhưng số tiền cũng đã hết. Đời công nhân làm đâu tiêu đó, không có việc làm là đứt bữa. Đợt này, đứa nhỏ bị hen suyễn phải mua Thu*c thường xuyên. Thu nhập không có mà dịch mà kéo dài, anh chị chưa biết xoay xở sao”, chị Hoa nói.
Chủ đề liên quan:
Để dành tiền dịch bệnh giảm đau kinh tế khu công nghiệp khu công nghiệp Bắc Thăng Long khu dân cư Quỳnh Nga Dương Hưng thuê nhà trọ