Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Tâm sự của bà mẹ nửa đêm phải đưa con đi 200km về Hà Nội khám vì 1 sự cố nguy hiểm

Sự cố bắt đầu vào khoảng thời gian nghỉ trưa, sau khi cả nhà ăn cơm xong thì bé trai cứ quấy khóc không ngừng, nước mũi tràn ra nhiều và bé còn kêu đau mũi.

Cách đây 3 ngày, vợ chồng chị Hồng Vân (Văn Yên, Yên Bái) đã phải bắt chuyến xe khách muộn từ Yên Bái về Hà Nội lúc nửa đêm trong cơn mưa tầm tã, xối xả. Đưa con đi 200km vào lúc nửa đêm là điều chẳng ai muốn nhưng với vợ chồng chị lúc ấy thì không còn lựa chọn nào khác, tất cả vì sức khỏe của bé Hải Đăng - cậu con trai mới được 2 tuổi.

Trưa hôm đó, sau khi ăn xong, chị Vân vừa dọn dẹp xong xuôi thì con trai kêu đau mũi và khóc, nước mũi tràn ra nhiều. Bà mẹ trẻ lấy đèn soi vào mũi con thì không thấy gì cả, nghĩ chắc con nghịch va mũi vào đâu đó nên cố gắng ru con ngủ trưa. Nhưng không, con đau và quấy không ngủ được, bắt bố mẹ thay nhau bế liên tục. Đến 2h chiều, chị Vân thấy mũi con xuất hiện dịch vàng rồi cả máu cá. Sốt ruột, chị đưa con lên thị trấn khám nhưng đến 2 phòng khám tư uy tín trên thị trấn Văn Yên thì bác sĩ đều bận đi trực trong bệnh viện, vợ chồng chị lại lóc cóc đưa con sang một phòng khám đa khoa khác.

Tại đây, nhân viên phòng khám nói có phát hiện dị vật trong mũi con. "Sau một hồi loay hoay vẫn không gắp được gì ngoài dịch mũi và máu bị đông, mình hỏi có gắp được không, một nhân viên y tế của phòng khám nói giờ sẽ đẩy sâu dị vật vào để dần dần nó rơi xuống họng rồi xuống dạ dày là hết. Lúc này, mình thấy rất hoang mang, không hiểu sao họ lại làm thế vì họ không biết con mình cho vật gì vào mũi, lỡ là vật cứng không thể xuống họng được thì sao, mà nếu dị vật sẽ theo đường thở xuống phổi thì càng nguy hiểm", chị Hồng Vân nhớ lại.

Tiếp đó, nhân vân phòng khám lại tiếp tục loay hoay gắp và đẩy dị vật một lúc nữa, kết quả vẫn không có gì được gắp ra, chỉ có mũi con chảy máu toe toét, con khóc và kêu ầm ĩ. Nhân viên phòng khám còn nói thế là xong rồi, về mua Thu*c kháng sinh cho con uống và rửa mũi cho con. Lúc đó khoảng 4h30 phút chiều.

Từ phòng khám về, vợ chồng chị Vân đưa con đi mua đồ chơi để con nguôi ngoai nhưng bé Hải Đăng vẫn quấy khóc không ngừng. Biết là tình hình của con không ổn, vợ chồng chị Vân lại nhờ một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khác khám cho con.

"Lần này, bác sĩ soi mũi con bảo vẫn còn dị vật. Sau khi hút rửa máu và dịch mũi, bác sĩ soi - gắp rất lâu vẫn không lấy được gì ra, con thì quằn quại khóc, luôn miệng nói "Con xin mẹ, về đi thôi". Lòng đau như cắt, mình nhìn con mà không thể cầm được nước mắt.

Cố gắng gắp thêm 1 lúc thì bác sĩ bảo đây rồi, ra rồi! Một viên pin cúc áo. Mình không thể tin được là một viên pin, con đã nhét vào mũi lúc nào? Hải Đăng thỉnh thoảng cũng thích nhét đồ vào mũi, nhưng hôm đó mình làm việc ở nhà, con chơi với anh trai 4 tuổi, có cả bà ngoại trông nữa mà! Đồ chơi của con mình vẫn thường xuyên vứt bỏ những mảnh vụn nhỏ, riêng pin trong các loại đồ chơi thì thường là loại pin con thỏ, không có loại pin này", bà mẹ trẻ tâm sự.

Cầm viên pin lấy ra từ mũi con mà vợ chồng chị Vân vừa sợ vừa tức giận. Nếu viên pin này lọt xuống phổi hay dạ dày con thì hậu quả sẽ như thế nào?

Sau khi gắp được viên pin ra khỏi mũi Hải Đăng, bác sĩ nói nên đưa bé đi Hà Nội thăm khám gấp bởi axit trong pin rất nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nặng. "Bác sĩ nói nếu viên pin còn nằm trong mũi con khoảng 2 giờ nữa thì nó sẽ làm rách vách ngăn mũi và gây hoại tử. Rất may, sau nhiều lần đưa đi các phòng khám khác nhau, viên pin đã lấy được ra khỏi mũi bé kịp thời", nhớ lại sự cố hôm ấy, bà mẹ Yên Bái vẫn cảm thấy hoảng hồn.

Thế là ngay trong đêm, vợ chồng chị Hồng Vân ôm con bắt xe đi Hà Nội. Hiện tại, sức khỏe bé Hải Đăng đã tạm ổn, mũi vẫn bị viêm và chảy dịch nhiều. Bé được về nhà chăm sóc và theo dõi, hẹn tái khám trong vòng 1 tuần.

Chia sẻ câu chuyện của con mình, chị Hồng Vân hy vọng đây sẽ là bài học và là lời cảnh tỉnh cho các bố mẹ có con nhỏ, phải thật để ý con và sáng suốt trong việc lựa chọn những nơi tin tưởng để khám chữa khi con gặp mọi vấn đề sức khỏe vì trẻ nhỏ có thể đối mặt rất nhiều tình huống nguy hiểm và sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Pin cúc áo rất nguy hiểm với trẻ em vì kích thước nhỏ và trẻ thường lầm tưởng là kẹo hoặc đồ chơi. Viên pin khi bị mắc kẹt thì sẽ phóng thích ra dòng điện (dù đã hết pin), tiếp xúc với niêm mạc, gây tích tụ chất bazơ, ăn mòn các mô. Thông thường, chỉ cần mắc kẹt khoảng 24 giờ là viên pin đã có thể gây hoại tử vùng niêm mạc, mô xung quanh.

Trước sự nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ ở từng độ tuổi, tránh đồ chơi có các chi tiết nhỏ mà trẻ có thể nuốt, nhét vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể.

Phụ huynh phải quản lý pin chặt chẽ, tránh xa tầm tay của trẻ. Các đồ dùng có sử dụng pin trong gia đình nên dán chặt các nắp đậy pin lại.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ không nhét pin hay bất cứ vật gì vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể. Dặn trẻ lỡ có nhét hoặc đôi khi bị bạn nhét vật lạ vào tai mũi họng thì phải báo ngay cho cô giáo, phụ huynh.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/tam-su-cua-ba-me-nua-dem-phai-dua-con-di-200km-ve-ha-noi-kham-vi-1-su-co-nguy-hiem-2020081613444268.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY